Giảm lãi vay chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp

18/03/2020 - 11:41

PNO - Mặc dù các ngân hàng đã giảm lãi vay, tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước do việc giảm lãi này chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Khách trả nợ nhiều hơn khách vay

Ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 2/2020, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt hơn 2,55 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng 1%; tổng dư nợ tín dụng hơn 2,31 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so cuối năm 2019.

Tăng trưởng thấp được ngành ngân hàng lý giải  là do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất và không có nhu cầu vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Phó giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh tại TPHCM thông tin, tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm của ngân hàng này chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách vay không có trong khi lượng doanh nghiệp tất toán lại tăng lên.

Vị này lý giải, các ngân hàng sẽ cấp cho doanh nghiệp một hạn mức trong 3 hoặc 6 hoặc 12 tháng. Sau Tết là thời điểm nhiều doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, rút thêm vốn. Để ngân hàng giải ngân thì doanh nghiệp phải có hóa đơn bổ sung chứng minh dòng tiền sử dụng đúng mục đích. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thay vì đáo hạn để rút thêm vốn, không ít doanh nghiệp quyết định bán máy móc, xưởng, bất động sản để tất toán khoản vay. Nhiều nhất là thời điểm sau Tết khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Không những vậy, lượng khách mới vay lại ít hơn so với cùng kỳ.

“Thời điểm này năm ngoái, nhân viên tín dụng tất bật làm hồ sơ vay, tôi ký duyệt vay mỏi tay, nhiều nhất là doanh nghiệp vay mua máy móc, phương tiện vận tải, nhập nguyên liệu sản xuất hoặc mua bất động sản. Năm nay, doanh số sụt giảm 1/3, mặc dù ngân hàng đưa ra gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp hơn 1% so với trước kia nhưng nhiều doanh nghiệp lắc đầu” – vị phó giám đốc này nói.

Ngay cả ngân hàng có quy mô lớn như BIDV cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng nay cho biết, tín dụng trong hai tháng đầu năm giảm 2%, huy động giảm 1,6%.

Trong báo cáo tình kình kinh tế - xã hội mới đây, Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu, trong hai tháng đầu năm, cả nước có tới gần 16,2 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh sản xuất có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giảm lãi suất không hỗ trợ nhiều bằng giảm thuế

Ngày 17/3, NHNN tiếp tục hạ một loạt lãi suất điều hành. Cụ thể,  lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 1%... 

Giới tài chính đánh giá, việc FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) và ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất cơ bản trong thời gian qua đã tạo áp lực rất lớn trong việc giảm lãi suất điều hành đối với NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, cả nền kinh tế bị suy giảm thì chính sách tài khóa (giảm thuế, tăng chi tiêu chẳng hạn như đầu tư công) sẽ tốt hơn là chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành.  

Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo các chuyên gia là đúng nhưng chưa đủ
Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo các chuyên gia là đúng nhưng chưa đủ

 Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, điều mà người dân và doanh nghiệp cần hiện nay chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì. Do đó, chính sách tài khóa sẽ phù hợp hơn vì có hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn. Công cụ hạ lãi suất lại có độ trễ, không hỗ trợ nhiều trong bối cảnh nền kinh tế chịu cú sốc ngắn hạn như hiện nay. Khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu (tín dụng trong hai tháng đầu năm chỉ tăng 0,1% trong khi trong năm 2019 tăng gần 1%).

“Các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp như miễn giảm phí/thuế, giãn-hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…”- tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.

Lý giải công cụ hạ lãi suất có độ trễ, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu – cố vấn cao cấp hội đồng quản trị ngân hàng NCB cho rằng, kể từ khi ngân hàng NHNN hạ lãi suất điều hành cho đến khi các ngân hàng tiến hành thực hiện hạ lãi suất cho vay thực tế phải mất một thời gian. Hơn nữa, mức lãi suất mới này thường áp dụng vào các lần vay mới hoặc sau khi doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn. Một số ngân hàng thông báo giảm lãi vay cho doanh nghiệp nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định của ngân hàng đưa ra.

Chẳng hạn như phải thuộc ngành và lĩnh vực chịu tác động của dịch COVID-19; có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu tại thị trường Trung Quốc; có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, có lịch sử vay trả đúng hạn, là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục với ngân hàng trong thời gian qua… Có lẽ, để đáp ứng đầy đủ những điều kiện này, doanh nghiệp đã phá sản trước khi được hỗ trợ giảm lãi vay.

Theo tiến sĩ Hiếu, nền kinh tế có hai phân khúc thị trường: hàng hóa và tiền tệ, chúng song hành và hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi việc hạ lãi suất của NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ chỉ nhắm vào thị trường tiền tệ, chứ không tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nên kinh tế do COVID-19 tác động lên thị trường hàng hóa là chính (doanh nghiệp không sản xuất, hạn chế sản xuất, đầu ra khó khăn, phá sản…).

Riêng về gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa tung ra để cứu doanh nghiệp thì có đến 250.000 tỷ đồng dành cho ngân hàng hỗ trợ khách hàng như giảm lãi vay, cơ cấu lãi vay, trong khi đó chỉ có 30.000 tỷ đồng dành bên thuế - con số này quá bé để hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, trong gói 250.000 tỷ đồng đó chỉ dành cho người đang vay, đã vay, còn các công ty siêu nhỏ, hộ kinh doanh không vay được thì gói này không hỗ trợ được gì họ cả. “Nhìn chung, biện pháp của Chính phủ hiện tại là tốt nhưng vẫn chủ đủ” – tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI