Gia đình sẽ hạnh phúc khi có tình yêu thương

28/06/2020 - 14:50

PNO - Sáng 21/6, tại trụ sở Hội LHPN Q.Gò Vấp, hơn 40 gia đình với những dụng cụ làm bếp, thực phẩm… đã cùng bước vào hội thi nấu ăn. Trên sân, tiếng gọi nhau í ới: “Mẹ ơi, buộc cho ba cái tạp dề”, “con gái xắt cho mẹ mấy cọng hành…”.

Trong những ngày qua, Hội LHPN khắp 24 quận huyện tại TP.HCM đã và đang tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Khác với những năm trước, năm nay các hoạt động được tổ chức rất đa dạng với các bữa cơm gia đình, các hội thi văn nghệ, trình diễn thời trang, tọa đàm chuyên đề, hội thi kiến thức gia đình…

Trình diễn mâm cơm nhà

Sáng 21/6, tại trụ sở Hội LHPN Q.Gò Vấp, hơn 40 gia đình với những dụng cụ làm bếp, thực phẩm… đã cùng bước vào hội thi nấu ăn. Trên sân, tiếng gọi nhau í ới: “Mẹ ơi, buộc cho ba cái tạp dề”, “con gái xắt cho mẹ mấy cọng hành…”. Thành viên các gia đình tất bật với công việc bếp núc. 

Trước đó, ngày 20/6, tại hội thi nấu ăn “Giữ lửa yêu thương” ở Q.4, nhiều ông bố đã cùng các con trổ tài nấu bữa cơm gia đình. Những bàn ăn được quý ông sắp đặt rất bắt mắt với đầy đủ các món và điểm tô thêm vài cành hoa làm cho bữa cơm gia đình thêm ấm áp. 

Cùng ngày, tại Q.Bình Thạnh, hơn 60 gia đình là các cặp vợ chồng, con cái, ông bà cháu đã đến tham dự Ngày hội gia đình hạnh phúc với chủ đề “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Các hoạt động tuyên dương 20 gia đình trẻ tiêu biểu, văn nghệ và nhiều sân chơi khác đã diễn ra, nhưng tâm điểm vẫn là cuộc thi nấu ăn của 43 gia đình. “Đề bài” là nấu bữa ăn dành cho 4 người với số tiền đi chợ là 300.000 đồng, các thành viên đã trổ hết tài năng để chế biến, bày biện các món ăn đậm đà truyền thống Việt như lẩu cá cua đồng, lẩu cá thác lác, canh cua rau đay, tôm thịt rim mặn, sườn non, gà nướng…

Bà Trần Thị Phương Hoa (bìa phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM thăm góc bếp thi của gia đình anh Ro Kak,  dân tộc Chăm, P.17, Q.Bình Thạnh
Bà Trần Thị Phương Hoa (bìa phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM thăm góc bếp thi của gia đình anh Ro Kak, dân tộc Chăm, P.17, Q.Bình Thạnh

Chị Trương Thị Tuyền, ở P.19, đã cùng chồng và hai con trai nhỏ mang đến hội thi món lẩu cá cua đồng miền Tây. Từ Bến Tre lên Sài Gòn hơn mười năm nay và vẫn còn phải ở trọ nhưng bữa cơm tối của gia đình chị Tuyền luôn tươm tất và ấm cúng. “Dù bận bịu công việc, học hành đến mấy thì các thành viên gia đình tôi vẫn về nhà ăn chung bữa tối. Gia đình tôi ai cũng mê món lẩu cua đồng với nguyên liệu đồng quê gồm cua đồng, cá, tôm, rau… “ - chị Tuyền nói. 

“Nhà không cần quá lớn, miễn trong đó có đủ yêu thương” - câu slogan được in trang trọng đặt bên mâm cơm truyền thống của gia đình anh Ro Kak, người Chăm, đến từ chung cư Ao Cá (P.17, Q.Bình Thạnh) gây được thiện cảm với mọi người. Với sự đề cao tinh thần yêu thương, anh Ro Kak cho biết, bữa cơm của gia đình anh luôn được duy trì đều đặn. 

“Dù cuộc sống hiện đại với nhiều tiện lợi, nhưng trong những hội thi nấu ăn của các cấp Hội mà tôi tham dự với vai trò giám khảo, rất nhiều món ăn ngon, món ăn truyền thống vẫn được gìn giữ trong bếp nhà của các gia đình Việt. Bữa ăn gia đình không đơn thuần chỉ là bữa ăn mà còn là nơi gắn kết tình thân, nơi san sẻ, yêu thương”. 

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Mang cả lò nướng và hơn một góc tư con gà được ướp sẵn, vợ chồng anh Huỳnh Thanh Tân, ngụ ở P.1, Q.Bình Thạnh, đã khiến nhiều gian bếp xung quanh “khó chịu” với mùi thơm của món gà quay tiêu. Anh Tân cho biết, đây là món mà cô con gái 8 tuổi của anh rất yêu thích. “Mình và vợ vốn xuất thân từ vùng quê lam lũ, lên Sài Gòn lập nghiệp, kinh tế có hạn, nên rất ít khi đi ăn ngoài. Nhờ vậy, những món ăn cha mẹ hay làm mình vẫn nhớ và thực hiện lại đều đặn trong những bữa cơm hằng ngày” - anh Tân nói.

Xây hạnh phúc: cốt lõi là tình yêu thương

Năm nay, Hội LHPN Q.1 đã chọn và tuyên dương 20 cặp gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu. Họ là những gia đình mẫu mực, có từ hai đến bốn thế hệ cùng chung sống, các gia đình dân tộc, tôn giáo tiêu biểu. 

Ông Phạm Đức Tiu (P.Bến Nghé, Q.1) bồi hồi nhớ lại hành trình 30 năm hạnh phúc của mình: “Khó khăn nhất là khi hai vợ chồng có con đầu lòng, vừa mừng mà cũng vừa lo, vì cả hai tạm nghỉ việc và không có thu nhập. Tôi vừa đi kiếm việc, vừa đi làm thuê, vừa động viên an ủi để vợ an tâm. Thế là hai vợ chồng đã nương tựa nhau vượt qua khó khăn. Khi em bé cứng cáp, vợ tôi đi bán giải khát ở căng-tin, còn tôi đi làm bảo vệ. Nhờ biết chắt chiu nên cuộc sống gia đình dần ổn định”. 

Trong niềm vui chung, ông bà Trần Văn Đủ và Lê Thị Thu Mì (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) xúc động: “40 năm xây dựng gia đình, dù có khó khăn nhưng chỉ cần vợ chồng đồng lòng cố gắng là sẽ vượt qua”. 

Vợ chồng ông Trần Văn Đủ và bà Lê Thị Thu Mì, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1
Vợ chồng ông Trần Văn Đủ và bà Lê Thị Thu Mì, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1

40 năm trước, bà Thu Mì là thư ký văn phòng Đảng ủy H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, còn ông Đủ là thương binh 1/4 với một mảnh đạn còn trong đầu. Họ quen nhau và quyết định tiến đến hôn nhân. Nhưng di chứng của chiến tranh khiến nhiều lúc ông Đủ vô cớ nổi giận. Hiểu và thương chồng, bà Thu Mì vẫn vui vẻ, nhẫn nhịn. Ông Đủ nói: “Chén trong sóng còn khua, vợ chồng đôi lúc cũng bất hòa, nhưng có bực dọc thì cũng qua lại đôi câu rồi vợ chồng lại hòa thuận. Quan trọng là cả hai phải biết kiềm chế, người này nóng thì người kia nhịn”. 

Đến năm 1984, bà Thu Mì nghỉ việc để khăn gói lên Sài Gòn lo cho con trai lớn đi học. Bà xin vào một tiệm làm tóc để vừa làm vừa học thêm nghề. Vài năm sau ông Đủ cũng rời quê lên phố phụ giúp vợ chăm lo các con. Họ đã cùng nhau lao động vất vả để kiếm sống và ky cóp mua được căn nhà nhỏ. 
Có thể nói, dù mỗi gia đình đều có cách thức riêng để làm cho cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc, nhưng điểm cốt lõi không thể thiếu ở tất cả các gia đình, trong quá trình ấy, chính là tình yêu thương giữa các thành viên. 

Những “mũi tiêm phòng” giúp bảo vệ mái ấm gia đình

Từ đầu tháng Sáu đến nay, các chuyên gia của Hội LHPN TP.HCM đã về những khu nhà trọ ở các xã Tân Kiên, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) và P.Tây Thạnh (Q.Tân Phú) để chia sẻ những vấn đề về cách bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh, phòng chống bạo hành gia đình và xâm hại trẻ em với các gia đình công nhân. Hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ ở các quận ven” như Q.12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè… 

Cùng thời điểm này, tại nhiều quận huyện khác, các buổi tọa đàm, hội thi với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng bảo vệ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, xây dựng gia đình hạnh phúc cũng được Hội LHPN các quận huyện 1, 2, 9, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… triển khai. 

Tham dự buổi trò chuyện của thạc sĩ Lê Thị Kim Trinh - UVBCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu, ngụ ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, nhận xét: “Chuyên gia nói chuyện hay thật, giúp chúng tôi biết nhiều điều bổ ích trong chăm lo và bảo vệ con em mình. Nghe rồi mới giật mình, bởi đẻ con và nuôi con đâu chỉ có tiền. Nếu không biết bảo vệ con, chỉ dạy con tự bảo vệ, thì con cái sẽ gặp biết bao nguy cơ”.

Chị Võ Thị Hà, chủ nhà trọ ở H.Bình Chánh, cho rằng: những kiến thức, kỹ năng mà tổ chức Hội gửi đến các nữ công nhân, người lao động ở trọ trong suốt thời gian qua như những “mũi tiêm phòng” cần thiết giúp chị em bảo vệ mái ấm gia đình, để từng gia đình trở thành những “lá chắn” bảo vệ các thành viên.

 

Hoài An - Thiên Ân - Hạnh Chi 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI