Gặp gỡ lãnh đạo TPHCM, thiếu nhi nói "nhiều học sinh bị trầm cảm do áp lực học hành"

03/06/2023 - 16:59

PNO - Tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2023” tổ chức ngày 3/6, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, thiếu nhi TPHCM đã biết nói lên tiếng nói hồn nhiên, chân thành, đầy trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tặng quà, trao đổi với thiếu nhi
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tặng quà, trao đổi với thiếu nhi

Ngày 3/6, lãnh đạo TPHCM đã có cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của thiếu nhi thành phố nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

"Nhiều học sinh bị trầm cảm do áp lực học hành"

Tại buổi gặp gỡ, em Ngô Phương Anh, học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) nhận xét, hiện nay môi trường thành phố đã được cải thiện rất nhiều. Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại như nhiều gia đình chưa có ý thức tiết kiệm điện nước để bảo vệ môi trường, nhiều bạn trẻ xả rác bừa bãi, vẽ bậy, đôi khi việc bảo vệ môi trường đang được hiểu và làm sai. Chẳng hạn, hiện nay nhiều trường tổ chức cuộc thi tái chế nhưng các bạn lại mua mới bao ni-lông, chai nhựa để làm sản phẩm tái chế. Như vậy chẳng những không bảo vệ môi trường mà còn đang góp phần gia tăng chất thải nhựa. 

Từ đó, các học sinh đề xuất những giải pháp như nâng cao chất lượng ngoại khóa, có thêm những ca khúc hay về bảo vệ môi trường, hoặc mời các tiktoker, facebooker nổi tiếng quay clip về tuyên truyền bảo vệ môi trường để đưa lên mạng xã hội...

Các em thiếu nhi bày tỏ ý kiến với lãnh đạo TPHCM
Các em thiếu nhi bày tỏ ý kiến với lãnh đạo thành phố

Em Kỳ Duyên - học sinh Trường THCS Tân Tiến (huyện Củ Chi) - chia sẻ: “Nhiều học sinh bị trầm cảm do áp lực học hành. Đôi khi học sinh chưa thực sự có nơi để chia sẻ, tâm sự kịp thời. Chúng con cần nhiều hơn những buổi tư vấn học đường, những buổi trao đổi với chuyên gia tâm lý để có thể tâm sự, nói lên nỗi niềm và được tư vấn kịp thời”.

Em Ngọc Giàu - học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) - nhìn nhận, học sinh không chỉ cần các kiến thức văn hóa mà còn rất cần kỹ năng sống. Các em rất lo ngại vì hiện nay bạo lực học đường không chỉ tồn tại dưới dạng bạo lực thân thể mà còn bạo lực trên mạng xã hội, lời qua tiếng lại ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của học sinh ở độ tuổi bồng bột. Do đó, em mong muốn có thêm những buổi trao đổi, tọa đàm để học sinh có ý thức và kỹ năng ngăn chặn bạo lực học đường, từ đó đảm bảo cân bằng tâm lý để học tập tốt.

Thiếu nhi nói ít, người lớn phải hiểu nhiều

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, thiếu nhi thời nào cũng có 5 nhu cầu: được ăn, được mặc, được học hành, được vui chơi giải trí và được hoạt động sáng tạo. Tuy vậy, nhu cầu ngày xưa đơn giản, còn nhu cầu ngày nay đa dạng hơn. Về tầm nhìn cũng vậy, xưa học sinh loanh quanh ở trường lớp, còn nay các em có tầm nhìn rộng hơn, đa dạng hơn. Ngày xưa hiến kế chủ yếu cho trường lớp tốt hơn, còn các em thiếu nhi ngày nay bàn cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, kinh tế. Song song đó, các em cũng phải đối diện với thách thức lớn, đa dạng hơn thời trước rất nhiều.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng thiếu nhi nói ít nhưng người lớn phải hiểu nhiều và có hành động
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng thiếu nhi nói ít nhưng người lớn phải hiểu nhiều và có hành động

Góp ý của các em - những công dân nhí của thành phố - là những vấn đề mà thành phố phải làm, phải tìm cách giải quyết, khắc phục và có giải pháp phù hợp. Theo ông Võ Văn Hoan, có những việc trong thẩm quyền, các trường, các địa phương giải quyết được thì phải làm ngay, còn những việc lớn hơn thì thành phố tiếp tục xem xét, giải quyết. Ông cũng đề xuất bổ sung thêm 1 công trình kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam là nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho các nhà thiếu thi trên địa bàn thành phố. Đây sẽ là công trình lãnh đạo thành phố tặng cho thiếu nhi thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao ý nghĩa của cuộc gặp gỡ, qua đó giúp lãnh đạo thành phố thấy được tâm tư, suy nghĩ của thiếu nhi. Ông cho rằng mỗi góp ý của các em đều thể hiện sự chân thành, hồn nhiên, nhưng cũng đầy trách nhiệm và sự trưởng thành từ trong suy nghĩ lẫn cách diễn đạt. Các em tuy nhỏ nhưng suy nghĩ không nhỏ, các em không chỉ nói cho bản thân mà còn nói cho xã hội, cộng đồng và lãnh đạo.

Dẫn câu nói trong tác phẩm Hoàng tử bé “Tất cả người lớn đều từng là trẻ con nhưng rất ít người trong số họ nhớ về điều đó”, ông nhắn nhủ người lớn, lãnh đạo phải biết lắng nghe các em bằng cả trái tim. Thiếu nhi nói ít nhưng người lớn phải hiểu nhiều và hành động. Các cơ quan, sở ngành thành phố cần lắng nghe, nỗ lực hơn nữa để chăm lo cho giáo dục, đảm bảo các chính sách cho thiếu nhi, để những lần gặp nhau không phải nhắc lại những điều đã nói. 

Bên cạnh đó, nên chăng triển khai chương trình lắng nghe thiếu nhi ở cả cấp phường, cấp quận để lắng nghe, tiếp thu nhiều hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Nên khuyên thiếu nhi nên chăm chỉ đọc sách, bởi đọc sách cũng chính là một cách “trò chuyện” với những người có trình độ, giàu kinh nghiệm sống đã viết ra cuốn sách đó. Ông cũng mong học sinh nỗ lực học tập, đặc biệt trau dồi ngoại ngữ để trở thành công dân toàn cầu. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, học tập theo Bác Hồ chính là những việc làm cụ thể, gần gũi như nỗ lực học tập, ý thức giữ gìn thành phố xanh sạch đẹp, nói lời hay, làm việc tốt... chứ không cần cao xa.

P.Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI