Gác lại mất mát để nhìn về tương lai

03/12/2021 - 06:28

PNO - Ở con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TPHCM) - nơi có 7 gia đình có người thân mất vì COVID-19, mọi người đã mua bán trở lại, không nhiều nhưng cũng đỡ buồn hơn.

“Ai bánh cam, bánh bò đây… Ai bánh cam, bánh bò đây”. Nghe tiếng rao của chị Nga, bà Kim Mai đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ trước cửa nhà bật khóc. Trước đây, chồng bà hay giục vợ mua bánh. Ông thường khen uống nước trà đậm chung với bánh bò thì “hết chỗ chê”.

Lau nước mắt, bà Mai kể: “Tôi với ổng bị COVID-19, đi cách ly ở hai bệnh viện khác nhau. Ổng mất, người ta không cho tôi hay, chắc sợ tôi chịu không nổi. Tôi bị nhiều bệnh nền hơn ổng. Lúc đợi xe cấp cứu đến, ổng còn cầm tay tôi, dặn phải về sống tiếp với ổng. Vậy mà…”. Bà thắp nén nhang, mang bánh bò và trà đặt lên bàn thờ.

Tiệm sửa xe của chú Phát đối diện nhà cô Vân mở cửa, “nhìn ké” người qua lại cô cũng đỡ buồn hơn - ẢNH: PHẠM AN
Tiệm sửa xe của chú Phát đối diện nhà cô Vân mở cửa, “nhìn ké” người qua lại cô cũng đỡ buồn hơn - Ảnh: Phạm An

Ở con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TPHCM) này, mọi người đã mua bán trở lại, không nhiều nhưng cũng đỡ buồn hơn. Bà Mai kể: “Chiều chiều, mọi người cũng bắc ghế trước cửa nhà, nói cười rổn rảng nhưng ai cũng đeo khẩu trang không biết ai là ai. Mấy đứa nhỏ cũng chạy giỡn lại rồi, không vắng vẻ như mấy tháng trước”.

Hẻm 266 Tôn Đản (P.8, Q.4) hơi nhỏ nhưng cũng có quán bán cà phê, hủ tíu, bánh mì. Mọi người ít nán lại hơn trước, đa phần mang tô, chén theo mua về nhà ăn. Tôi chạy xe sâu vào hẻm quanh co, chốc chốc có người nhắc “hẻm cùng rồi, quay xe ra đi”. Đúng là chạy trên hẻm này, phải có người dẫn đường, mới đến được tổ 31, khu phố 3 - nơi có bảy gia đình có người thân tử vong do COVID-19. 

Anh Cao Cần - Tổ trưởng tổ dân phố 31 - cho biết: “Sau hai tháng gỡ bỏ giãn cách, mọi người đã buôn bán, đi làm lại. Trải qua giai đoạn khó khăn vừa rồi, ai cũng ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập. Hiện tại, tổ có hai trường hợp F0, một người đã hết bệnh, một người khác có lượng virus ít nên được cho điều trị tại nhà, nhưng chúng tôi cũng không chủ quan bởi vừa qua, chúng tôi đã mất mát nhiều vì COVID-19”.

Cách nhà anh Cần vài căn, chị Cao Thị Mỹ Linh (37 tuổi) đang ăn sáng với hai con nhỏ. Thấy khách đến, chị Linh kéo khẩu trang lên. Chị Linh cho hay, dù chị đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng dịch vẫn còn nên phải cẩn thận để phòng cho mình, cho người.

Nhìn cây nhang cháy đỏ, nghi ngút khói trước di ảnh của người mẹ quá cố, chị Linh rơi nước mắt: “Nhà tôi sáu người mắc COVID-19, được đưa đi nhiều bệnh viện để điều trị. Chồng tôi có bệnh nền nên vừa đến bệnh viện đã trở nặng. Mẹ tôi đỡ hơn. Tôi thì thở máy. Cha tôi và hai đứa con tôi bệnh nhẹ. Mọi người dần hồi phục, trừ mẹ tôi”.

Dần lấy lại bình tĩnh, chị Linh đút cơm cho con trai, hướng mắt về con như để được tiếp thêm sức mạnh. Bé trai nhắc mẹ mua sữa, chị giật mình: “Sắp tới, khi hai đứa nhỏ đi học, tôi sẽ tìm việc để ổn định hơn. Bà ngoại mất, tôi phải ở nhà giữ con, mọi khoản thu đều nhờ vào cửa hàng của chồng, bấp bênh lắm. Đau thương thì cũng đã qua rồi, giờ mình phải lo cho tương lai tụi nhỏ” - chị Linh tâm sự.

Chị Linh đang tìm việc làm để các con có tương lai ổn định - ẢNH: PHẠM AN
Chị Linh đang tìm việc làm để các con có tương lai ổn định - Ảnh: Phạm An

Bà Trần Thị Vân đón khách khi vừa đi giao cà phê cho nhà hàng xóm về. Từ ngày dịch COVID-19 “ghé qua”, vài chiếc bàn nhỏ trước cửa nhà đã được dẹp gọn, bà Vân chỉ bán cà phê mang đi để giảm nguy cơ lây nhiễm. Hơn ai hết, bà đã trải qua quá trình điều trị COVID-19 và vĩnh viễn mất đi chồng mình.

“Tôi với ông ấy có chung sở thích là ngửi hoa, trái cây. Hôm đó, tôi không ngửi được mùi gì hết, con gái vội vàng test nhanh COVID-19 cho cả nhà, tất cả đều dương tính. Chồng tôi trở nặng nhanh lắm. Chiều đến, ông ấy khó thở, trưa hôm sau thì mất” - bà Vân rơm rớm nước mắt.
Khi còn sống, ông tất tả ngược xuôi từ sáng sớm, tối muộn mới về nhà, vậy mà vắng ông, gia đình lặng lẽ hẳn.

Bà Vân ra trước nhà, nhìn mọi người tất bật với công việc để tự tìm vui. Sắp tới, bà cũng sẽ kiếm thêm việc để làm, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa đỡ nhớ chồng. Bà Vân nhìn di ảnh chồng, nước mắt rơi xuống khóe môi gượng cười: “Tôi đi nấu cơm đã, để kịp cúng cho ông. Ông bôn ba đủ rồi, giờ nghĩ rằng ông được nghỉ ngơi tôi cũng nhẹ lòng”. 

Phạm An


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI