Ga Sài Gòn: “Cò” vé vẫn tung hoành

07/01/2017 - 11:40

PNO - “Trong ga thì mới có chuyện hết vé chứ ngoài này vé tàu Tết ngày nào cũng còn, muốn mua chỉ cần đặt cọc, sẽ có người giao vé tận nơi, khỏi lo bị lừa…”, một “cò” vé tàu ở ga Sài Gòn “tiếp thị”.

Trong khi nhiều người dân đang vất vả tìm một chiếc vé tàu Tết thì ngoài cổng ga Sài Gòn, “cò” vé ung dung hoạt động với đủ chiêu trò.

Vé đi ngày nào,  ghế gì cũng có

Những ngày này, “đội quân” bán vé tàu “chợ đen” đang bung ra “làm ăn” công khai ở ga Sài Gòn. Chỉ cần chạy xe chậm lại trước cổng nhà ga hay vào bất kỳ quán nước nào ở khu vực ga Sài Gòn, lập tức bạn sẽ được các “cò” vé mời chào.

Chiều 29/12, chúng tôi tiếp cận với Tuấn (khoảng 40 tuổi), đang chèo kéo khách trước một quán cà phê trên đường Nguyễn Thông (P.9, Q.3), hỏi mua vé tàu về Quảng Ngãi. Tuấn vồn vã: “Mày tìm anh là đúng người rồi. Giờ mà vào ga thì tìm đỏ mắt cũng chẳng có cái vé nào đâu. Anh thì còn vé từ ngày 20 đến tận 29 Tết, muốn ngày nào, ghế gì cũng có”.

Nghe chúng tôi đang cần vé ngày 24 tháng Chạp, Tuấn vẽ vời: “Ngày đó là đúng cao điểm, cả khu này không ai còn vé đâu, chỉ có ở chỗ anh thôi. Muốn mua thì để lại giấy chứng minh, số điện thoại, đặt cọc trước 700.000đ, sáng mai có người gọi hẹn chỗ giao vé”. Tuấn khẳng định, chỉ lấy đúng giá gốc trong vé và “xin thêm” 300.000đ tiền “dịch vụ”.

Chúng tôi chê đắt, Tuấn phân bua: “Tụi bay cũng phải để tao có miếng cơm nữa chứ. Làm cái này chỉ được mấy ngày Tết, kiếm được 300.000đ cũng phải chạy toát mồ hôi”.

Chúng tôi đang thỏa thuận giá thì một người đàn ông khác (khoảng 35 tuổi) chen vào thuyết phục: “Mua vé ở đây là yên tâm không sợ bị lừa tiền cọc hay vé giả. Tụi anh làm nghề này cả chục năm rồi, công an khu vực và nhân viên trong ga đều biết mặt. Tụi anh mà làm bậy bạ thì em cứ nhớ mặt rồi kêu công an phường “hốt”. Ngày nào tụi anh cũng ở đây mà!”.

“Cò” vé này cho biết thêm là đã có “thâm niên” gần 10 năm làm “cò” vé ở đây. Vài năm gần đây, ga Sài Gòn thay đổi cách thức bán vé, người mua vé chủ yếu đặt qua mạng; nhưng bằng nhiều cách “cò” vẫn gom được một lượng vé lớn, sẵn sàng tung ra đúng thời điểm.

“Năm nay tụi anh bán vé “chính chủ” luôn, không có chuyện “tên này, người kia” như trước nữa. Mua vé xong em cứ cầm thẳng vào ga kiểm tra, nếu không phải vé thật anh trả lại tiền gấp 10 lần”, Tuấn nói chắc nịch.

Rời nhóm “cò” Tuấn, chúng tôi đến trước cổng chính ga Sài Gòn, gặp nhóm “cò” vé của bà Nguyệt (khoảng 50 tuổi) đang “cắm chốt” đợi khách. Hỏi mua vé ngày 27 tháng Chạp, bà Nguyệt lấy một cuốn sổ nhỏ ra xem, nói: “Ngày đó căng lắm, hết vé giường nằm rồi, em đi ghế ngồi được không, rẻ hơn mấy trăm ngàn, để tiền dư đó mà mua quà Tết cho gia đình”.

Bà Nguyệt cho biết, vé giường nằm về Quảng Ngãi ngày 27 tháng Chạp giá đến gần 2 triệu đồng, trong khi vé ghế ngồi chỉ khoảng 1,5 triệu. Mua vé của bà Nguyệt thì không cần đặt cọc, thỏa thuận được giá chỉ cần để lại chứng minh và số điện thoại, hôm sau giao vé, kiểm tra đúng vé thật rồi mới giao tiền.

Ga Sai Gon: “Co” ve van tung hoanh
Hai "cò" vé tàu ngồi trước cổng ga Sài Gòn.

“Chỗ chị giá cao hơn mấy chỗ kia vài chục nhưng được cái bảo đảm, em không sợ bị lừa tiền cọc, vé giả. Mua vé xong, nếu cần thì có người dẫn em vào ga kiểm tra. Em mua chỗ khác coi chừng bị lừa vé giả, đã có nhiều người bị lừa rồi”, bà Nguyệt cho hay.

Chúng tôi viện cớ đường xa, không ngồi ghế cứng nổi để bỏ đi, bà Nguyệt gọi giật lại: “Em đứng đây đợi một chút. Giờ chị hết vé giường nằm nhưng em cần thì cũng kiếm được, miễn là chịu chi thêm...”. Bà Nguyệt lấy điện thoại gọi cho ai đó, rồi quay sang chúng tôi: “Xong rồi. Em cứ mua vé ghế cứng để lên tàu, sau đó là nằm ở chỗ nghỉ của nhân viên tàu, chẳng khác gì khách sạn… Hai chỗ nghỉ nhân viên chị lấy 4,2 triệu, được thì em mua luôn đi”.

Chúng tôi thắc mắc về chuyện nằm ở chỗ nghỉ của nhân viên tàu, bà Nguyệt giải thích, nhờ quen nhiều nhân viên trên tàu nên gặp lúc không còn vé thì bà dắt mối cho nhân viên trên tàu bán lại chỗ nghỉ của họ. “Nhân viên họ tranh thủ kiếm thêm vài đồng dịp tết nên nhường chỗ nghỉ lại cho khách. Em không mua thì chị cũng bán cho người khác ngay thôi”, bà Nguyệt nói.

Không có chuyện tiếp viên bán chỗ nghỉ

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn khẳng định, tất cả các trường hợp vé không hợp lệ như không đúng họ tên, CMND của người đi tàu thì chắc chắn hành khách sẽ không được lên tàu. Tết năm rồi hàng chục hành khách đã không lên được tàu vì vé không hợp lệ.

Để tránh các sự cố đáng tiếc, hành khách tuyệt đối không được tin lời “cò” và cả những quảng cáo trên các website không phải của ngành đường sắt… Ngành đường sắt chỉ bán vé tàu chính thức qua website www.dsvn.vn hoặc tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý của công ty quản lý. Cũng theo ông Văn, mới đây ga Sài Gòn đã phát hiện hơn mười thẻ lên tàu giả có thông tin người đi và CMND không trùng khớp với khách đi tàu, đã chuyển sang Công an Q.3 để tiếp tục làm rõ.

Trước mắt, những hành khách đó chắc chắn là mất tiền, lại phải tốn thời gian mua lại vé khác hoặc chuyển sang phương tiện khác.

Về việc “cò vé” mời chào chỗ nghỉ của nhân viên trên tàu, ông Thái Văn Truyền - Giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam, thuộc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn khẳng định hoàn toàn không có chuyện này. “Đây là quy định của ngành, nhân viên nào vi phạm sẽ bị sa thải ngay. Hai năm nay không có trường hợp nào vi phạm vì chẳng ai dại mà bán chỗ nằm lấy một, hai triệu đồng để đánh đổi bằng công việc đang làm”, ông Truyền nói.

Khuyến cáo thêm về các trường hợp mua vé tàu tết, đại diện Công ty FPT - đơn vị cung cấp phần mềm bán vé tàu tết qua mạng cho biết, để tiện cho hành khách tra cứu thông tin vé tàu hợp lệ hay không, từ năm 2016, FPT đã xây dựng công cụ “Kiểm tra vé” trên website www.dsvn.vn, hành khách có nhu cầu có thể kiểm tra bằng ba cách vào phần “Kiểm tra vé” (ở thanh công cụ trên cùng của website), nhập thông tin trên thẻ đi tàu (mã vé điện tử, mác tàu, ga đi, ga đến, ngày đi và số giấy tờ tùy thân).

Nếu vé điện tử khớp với thông tin của hành khách, hệ thống sẽ thông báo xác minh thành công. Tra cứu thông tin tại quầy in vé tự động trong ga (nhập thông tin vào phần kiểm tra thông tin vé: số giấy tờ tùy thân, ngày đi, ga đi, ga đến). Nhờ nhân viên tại quầy bán vé kiểm tra giúp. Sau khi xác minh.

Nếu phát hiện thông tin trên vé điện tử không trùng khớp với thông tin cá nhân, phải liên hệ sớm với nhà ga hoặc tổng đài 19006469  để được hỗ trợ giải quyết.

                                                                                                  Sơn Vinh - Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI