Formosa xây núi nhân tạo, ngoài xỉ thép, còn thứ gì?

18/03/2019 - 06:17

PNO - Nhiều bạn đọc thắc mắc về tính pháp lý của việc xây núi này cũng như quá trình xử lý của cơ quan chức năng.

Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đưa tin về việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (viết tắt là Formosa Hà Tĩnh) dùng xỉ thép để làm núi nhân tạo dọc khuôn viên nhà máy (khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), nhiều bạn đọc gọi điện tới đường dây khẩn Báo Phụ Nữ thắc mắc về tính pháp lý của việc xây núi này cũng như quá trình xử lý của cơ quan chức năng.

Tạm dừng thi công, yêu cầu đánh giá tác động

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, Formosa Hà Tĩnh dùng xỉ thép xây dựng núi nhân tạo dọc các tuyến đường công vụ trong khuôn viên nhà máy từ khoảng giữa năm 2018. Đến tháng 8/2018, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường (TN-MT) yêu cầu tạm dừng thi công để có biện pháp kiểm soát, hạn chế các tác động xấu đến môi trường.

Formosa xay nui nhan tao, ngoai xi thep, con thu gi?
Tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh, đang tồn đọng một lượng xỉ thép khổng lồ. Công ty này vừa đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho công ty dùng gần 1 triệu tấn xỉ thép san nền - Ảnh: H.N.

Trong công văn gửi Formosa Hà Tĩnh, Tổng cục Môi trường yêu cầu, phải làm rõ mục đích xây dựng núi nhân tạo, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ hoạt động dùng xỉ thép để xây dựng công trình, như tác động đến môi trường đất, mặt nước, nước dưới đất, không khí, sau đó báo cáo chi tiết cho Bộ TN-MT xem xét.

Trước khi Tổng cục Môi trường yêu cầu tạm dừng thi công công trình núi nhân tạo, trong một công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đây là công trình mới được bổ sung, không có trong quy hoạch được phê duyệt, không thực hiện các hồ sơ thủ tục về đầu tư xây dựng.

Đến cuối tháng 7/2018, công trình đã thi công hơn 30% khối lượng nhưng không có giấy phép xây dựng. Công trình cũng không được đề cập trong ĐTM năm 2015 của Formosa và được triển khai thi công khi chưa thực hiện ĐTM. Formosa chưa làm rõ sự phù hợp của chất liệu xỉ thép làm vật liệu san lấp và đường giao thông theo quy định của Bộ Xây dựng.

Trong báo cáo gửi Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng và nhiều đơn vị liên quan cuối tháng 12/2018, Cục Cảnh sát môi trường (C05, Bộ Công an) đề nghị Bộ TN-MT, UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, cân nhắc việc cho phép Formosa thi công công trình vành đai cây xanh dọc tuyến đường công vụ, hay còn gọi là núi nhân tạo trong khuôn viên nhà máy để giảm lượng xỉ thép tồn đọng.

Cụ thể, theo xác định của C05, tính đến tháng 12/2018, lượng xỉ thép tồn đọng tại Formosa Hà Tĩnh là 680.000 tấn, trong khi lượng xỉ phát sinh mỗi ngày là 2.600 tấn và hiện chưa có hướng giải quyết triệt để.

Quy trình xử lý chưa thỏa đáng

Theo quan sát của chúng tôi, các dãy núi nhân tạo được xây dựng tại Formosa Hà Tĩnh có chiều cao hơn 10m, bề mặt trên cùng rộng khoảng 5m. Trong một số báo cáo của Formosa gửi các cơ quan chức năng thể hiện thông tin: công trình được làm bằng xỉ thép và đất với mục đích tạo hành lang cây xanh dọc đường công vụ.

Formosa xay nui nhan tao, ngoai xi thep, con thu gi?
Núi nhân tạo trong nhà máy Formosa Hà Tĩnh được xây dựng khi chưa có giấy phép - Ảnh: H.N.

Tài liệu do chúng tôi thu thập được cho thấy, tính đến thời điểm tạm dừng thi công, khối lượng xỉ thép dùng để làm núi nhân tạo đã lên đến gần 80.000 tấn. Sau khi có yêu cầu của Tổng cục Môi trường về việc tạm dừng thi công “núi nhân tạo” và lập ĐTM đối với công trình này, Formosa Hà Tĩnh thuê Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường thuộc Trường đại học Xây dựng Hà Nội lập ĐTM.

Theo xác định của đơn vị lập ĐTM, vật liệu dùng làm “núi nhân tạo” trong nhà máy của Formosa gồm có đất, xỉ thép và xỉ lò cao (xỉ hạt lò cao được hình thành khi làm nguội nhanh xỉ nóng chảy từ lò sản xuất gang, hình dạng giống cát thô).

Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia về lĩnh vực xử lý chất thải rắn công nghiệp cho biết, hiện nay, vẫn chưa có cơ sở pháp lý cho việc dùng xỉ lò cao để san lấp.

“Theo quyết định số 430 năm 2017 của Bộ Xây dựng về chỉ dẫn kỹ thuật dùng xỉ gang và xỉ thép làm vật liệu san lấp, xỉ lò cao không thuộc nhóm có quy chuẩn để dùng san lấp. Cụ thể hơn, về pháp lý, xỉ hạt lò cao của Formosa nói riêng và của các nhà máy thép nói chung chỉ được làm phụ gia xi măng, chưa có quy định cho phép làm vật liệu san lấp” - một chuyên gia về xử lý chất thải ngành thép giải thích thêm.

Về quy trình xử lý công trình “núi nhân tạo” của Formosa, trao đổi với chúng tôi, một cựu lãnh đạo Thanh tra môi trường, Sở TN-MT TP.HCM phân tích: “Khi phát hiện công trình xây dựng không phép, đầu tiên phải xử lý vi phạm về lĩnh vực xây dựng như lập biên bản yêu cầu dừng thi công, sau đó xử phạt kèm biện pháp khắc phục hậu quả như yêu cầu tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Đối với lĩnh vực môi trường, cơ quan quản lý cần phải lấy mẫu chất thải làm vật liệu xây dựng công trình không phép đưa đi phân tích xem đó là những chất gì, có nguy hại hay không để xử phạt theo quy định. Việc lập ĐTM chỉ áp dụng với công trình đầu tư mới, có nghĩa là phải có dự án cụ thể trình các cấp liên quan phê duyệt cho phép đầu tư rồi mới lập ĐTM”.

Cùng quan điểm, một chuyên gia về lĩnh vực môi trường ở TP.HCM cho rằng, cần phải làm rõ các loại vật liệu đã được dùng làm núi nhân tạo trong nhà máy của Formosa để xử lý theo quy định.

Ông lập luận: “Quá trình thực hiện công trình núi nhân tạo như báo phản ánh là chưa có giấy phép, nên có thể hiểu rằng, công trình không có sự giám sát của cơ quan chức năng. Do đó, không ai biết đó là các chất gì. Còn đơn vị lập ĐTM sau này chỉ là đơn vị được chủ đầu tư (Formosa Hà Tĩnh) bỏ tiền ra thuê làm nên không thể căn cứ vào kết quả của đơn vị này để đưa ra hướng xử lý được”.

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI