Đường về nhà và nỗi trăn trở dài hơn mùa dịch

15/07/2021 - 06:54

PNO - Dù đi nơi đâu, nơi họ hướng đến khi gặp khó khăn, trắc trở vẫn là nhà.

Những ngày vừa qua, hình ảnh đoàn người dân lao động miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi bước đi trên Quốc lộ 1 ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa để về quê do dịch COVID-19 đã gây xúc động cho nhiều người. Tha phương cầu thực đã là câu chuyện muôn thuở của những người dân nghèo miền Trung, nhưng hình ảnh tay xách nách mang, cùng nồi niu xoong chảo, thất thểu đi về đã lột tả được nỗi buồn của những người vì cơm áo mà phải chịu cảnh xa xứ. Dù đi nơi đâu, nơi họ hướng đến khi gặp khó khăn, trắc trở vẫn là nhà.

Những người H’rê ấy đã đi vào xã Suối Tuân, huyện Cam Lâm để lột vỏ keo, nhưng công việc đã hết, lại gặp dịch COVID-19 bủa vây. Ở quê nhà, những đứa con đang đợi họ, một vụ lúa sắp vào vụ gặt đang đợi họ. Bởi thế họ không thể trì hoãn thêm, không gọi được xe khách, đoàn người dự tính đi bộ xuyên tỉnh. Họ đã đi nhiều ngày qua quãng đường 50km, khi đêm mệt thì trải lều bạt ngủ như những người du mục.

Rất may là khi đến thị xã Ninh Hòa, họ đã được chính quyền tìm thấy, sau khi điều tra xác minh, quân đội đưa 47 người về nhà và được cách ly y tế. Đến hôm sau, lại 160 người lao động tự do khác cũng ở các xã của huyện Ba Tơ, được quân đội tỉnh Khánh Hòa đưa về.
Ba Tơ là vùng đất của người H’rê, một trong những dân tộc giàu truyền thống văn hóa nhất ở Quảng Ngãi, với nhà sàn, cồng chiêng, thổ cẩm và rượu cần… Ở nơi ấy, bạn sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ và những rẫy keo xanh bạt ngàn. Nhưng những ruộng lúa và cánh rừng vẫn chưa mang lại sinh kế đủ cho người dân, hoặc là đòi hỏi về mức sống của họ ngày càng cao. 

Chuyện từng xảy ra với những ngôi làng đồng bằng của Quảng Ngãi khi chỉ có người già và trẻ nhỏ đang lặp lại với những người dân Ba Tơ. Họ tìm kế sinh nhai phương xa ở Tây Nguyên, với công việc hái cà phê, hoặc vào các tỉnh Nam Trung bộ làm lao động thời vụ. Mỗi chuyến đi đều có ô tô đưa đi đón về.

Không cần phải là người làm chính sách, ai cũng sẽ dễ dàng chỉ ra rằng cần phải tạo thêm công ăn việc làm cho người dân để giảm xu hướng ly hương. Nhưng khi tỷ suất di cư của vùng đồng bằng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung luôn nằm trong tốp đầu cả nước (giai đoạn 2014-2019, tỷ suất di cư của khu vực này là 30/1.000, chỉ thấp hơn 45/1.000 người của khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi câu chuyện di cư đang nóng hơn bao giờ hết) thì chuyện ly hương đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Việc người dân rời bỏ ngôi nhà, ngôi làng của mình đi làm xa tiếp tục đặt ra bài toán cho các nhà quản lý. Và để giải bài toán này cần tiến hành điều tra xã hội học, để hình dung được bức tranh tổng thể điều gì đang xảy ra. Và bức tranh đó một lần nữa cần được đặt lên bàn những người làm chính sách để họ quan tâm hơn nữa trong việc hoạch định các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế vùng nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Những người được đưa về nhà những ngày này, sẽ nhớ mãi chuyến đi bộ hơn 50km và ân tình với những người lính Cụ Hồ. Và lần trở về này của họ, chắc chắn sẽ gợi nên sự trăn trở cho những người đứng đầu địa phương, về những chuyến tha phương cầu thực của người dân quê nghèo. 

Trà Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI