Đường vào đại học của cô bé thay cha mẹ nuôi em

22/09/2018 - 06:36

PNO - Năm 11 tuổi, mẹ Thảo qua đời. Thảo trở thành người “mẹ” nuôi hai em nhỏ để cha đi làm kiếm tiền. Rồi 7 năm đói khổ với đủ các “vai” làm con, làm chị, làm mẹ của hai em nhỏ… cũng lùi lại phía sau...

Nỗi đau mất mẹ

Năm nay Nguyễn Thị Kim Thảo tròn 18 tuổi. Em vừa hoàn thành ước nguyện của mẹ cha để trở thành sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM. Nhà em ở thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Dù đã hình dung trước, nhưng khi trở về nhà sau một tháng xuống thành phố học đại học, Nguyễn Thị Kim Thảo vẫn không khỏi cảm giác nặng trĩu lo toan. Gánh nặng cơm, gạo, áo, tiền đang đè nặng lên đôi vai ốm yếu của cha và tương lai mịt mù của hai em nhỏ. Thảo chạy đến trước bàn thờ mẹ, thắp cho mẹ nén nhang mà lòng day dứt.

Cách đây 7 năm, vì hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ Thảo phải gửi ba đứa con nhỏ về nhà bà ngoại ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) để có thời gian đi làm thuê kiếm tiền. Nhưng vào một đêm trời tối, nghe tin em út 6 tuổi, bị sốt cao, cha mẹ vội chở nhau về nhà ngoại để đưa con đi khám. Trên đường về, không may họ bị tai nạn giao thông và mẹ Thảo qua đời khi chưa kịp gặp con mình.

Duong vao dai hoc cua co be thay cha me nuoi em
Thảo về thăm nhà và thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ sau một tháng về THPCM học đại học

Kể câu chuyện này, Thảo không cầm được nước mắt bởi em luôn nghĩ mình có lỗi. Hôm ấy khi thấy em trai út sốt cao, cho uống thuốc cũng không thuyên giảm, em đã nói với bà ngoại gọi cho cha mẹ về đưa em đi bệnh viện. Bà ngoại ngăn cản nhưng Thảo không nghe lời, để giờ đây cứ phải ân hận mãi.

Mất mẹ, cuộc sống gia đình Thảo rơi vào cảnh thiếu thốn triền miên. Cha em phải lặn lội ngược xuôi, làm những công việc nặng nhọc để có tiền nuôi ba con nhỏ 11 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi. Thời gian đầu, sợ các con thiếu thốn tình cảm nên đi làm ở đâu cha cũng mang ba chị em Thảo theo. Nhưng tiền lương ít ỏi, lại thường xuyên phải di chuyển nay đây mai đó, nên cuộc sống của  chị em Thảo không tránh khỏi những bữa no, bữa đói.

Thay mẹ nuôi hai em nhỏ

Thấy cuộc sống nay đây ai đó ảnh hưởng đến việc học của con nên cha quyết định giao cho Thảo thay cha ở nhà chăm sóc hai đứa em để ông đi làm. Từ đó, Thảo vừa là chị vừa là mẹ của hai em nhỏ. Mỗi tháng tiết kiệm lắm cha cũng chỉ gửi về cho các em 1,5 triệu đồng. Thảo ưu tiên mua gạo, mì tôm làm thực phẩm chính, thức ăn thì có rau tập tàng hái ngoài thiên nhiên.

Duong vao dai hoc cua co be thay cha me nuoi em
Mì tôm là món ăn quen thuộc của chị em Thảo trong nhiều năm qua

Lớn lên một chút, ngoài giờ lên lớp, Thảo để hai em ở nhà một mình rồi đi làm thuê kiếm thêm tiền mua mắm muối. Chiều về lại lo cơm nước, tắm giặt cho các em. Đêm đến, nhắc nhở chúng học hành. Sáng dậy lại lo cho các em đi học…Như hiểu về hoàn cảnh của mình, hai em trai Thảo không một chút đòi hỏi, than vãn hay tị nạnh nhau. Ngược lại, chúng còn yêu thương và động viên nhau học tập.

Chị Nguyễn Thị Hằng - một người hàng xóm của gia đình Thảo - chia sẻ: “Người dân nơi đây ai cũng xót thương, cảm phục cho hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình cháu Thảo. Mẹ mất sớm, ba đi làm ăn xa, 11 - 12 tuổi đầu đã phải cáng đáng mọi công việc trong gia đình. Công việc của bố nó lúc có, lúc không, nên bữa cơm hàng ngày của chị em nó cũng chẳng có gì ngoài rau rừng và mì tôm. Thậm chí, mì tôm cũng không đủ no. Chia sẻ với sự thiếu thốn của các cháu, thỉnh thoảng bà con lối xóm lại gom góp quần áo, sách cũ, gạo mắm cho chị em Thảo”.

Tôi đưa mắt nhìn quanh căn nhà hiu quạnh chẳng có gì đáng giá ngoài vài bộ quần áo, xoong nồi, chén bát cũ kĩ… và nghĩ thầm: sao ba đứa nhỏ có thể vượt qua được hoàn cảnh oái oăm này? Thế mà Thảo và các em của mình lại luôn là học sinh khá, giỏi. Trên tường nhà dán rất nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích học tập của cả ba em.

Duong vao dai hoc cua co be thay cha me nuoi em
Một nhà hảo tâm tại TP.Buôn Ma Thuột đến động viên, hỗ trợ hoàn cảnh của em Thảo

Mạnh mẽ là vậy, nhưng mấy ai biết được đã có những lúc Nguyễn Thị Kim Thảo đã chùn chân và le lói ý định bỏ cuộc. “Đó là vào khoảng thời gian em bước vào tuổi dậy thì với quá nhiều thay đổi về tâm sinh lý nhưng không biết chia sẻ với ai. Lúc đó, em cảm thấy bế tắc, sụp đổ”- em chia sẻ.

Lên cấp 3, việc học ở trường chiếm gần hết thời gian nên em không còn thời gian đi làm thuê kiếm thêm thu nhập phụ ba lo cho các em. Những ngày trời mưa, hay đau ốm, ba không đi làm được, trong nhà không có gạo, cả nhà chịu đói. Nhiều lần Thảo định bỏ học để đi làm giúp cha nuôi hai em. Lên lớp 12 em vẫn nghĩ cố gắng tốt nghiệp rồi đi làm chứ không học đại học.

Hoàn thành ước nguyện của mẹ, cha

“Thế nhưng cứ mỗi lần bi quan, đòi nghỉ học, là cha lại động viên phải cố gắng, dù khó khăn thế nào cũng không được bỏ cuộc. Ba mơ ước em đi học đại học để mai này có cuộc sống tốt hơn, có cơ hội giúp gia đình vượt lên nghèo khó và lo tiếp cho các em học hành. Khi còn sống, mẹ cũng muốn em thi vào Trường Đại học Luật để mai này trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Và em đã dùng hết năng lượng cho việc ôn thi ba tháng cuối cùng. Khi biết em đủ điểm đậu vào Trường Đại học TP.HCM, ba đã ôm lấy em khóc òa vì hạnh phúc. Đó cũng là động lực giúp em mạnh mẽ hơn trong con đường dài tiếp theo”- Thảo tâm sự.

Duong vao dai hoc cua co be thay cha me nuoi em
Những khó khăn vẫn chờ đợi Thảo cũng như hai đứa em ở phía trước

Ngày Thảo khăn gói vào TP.HCM học đại học, cũng là lúc các thành viên trong gia đình phải làm quen với cảnh xa cách nhau. Hai em của Thảo lại được cha gửi về nhà Nội ở Phú Yên, còn ông thì  xuống Nha Trang làm thuê. Căn nhà mà chị em Thảo mới ngày nào còn sum vầy giờ đành bỏ hoang, lạnh lẽo, hiu quạnh. Vào ĐH, dù đã vượt qua một chẳng đường rất dài gian khổ, nhưng bao khó khăn vẫn đợi em ở phía trước. Bởi vậy, em không chỉ chủ động làm quen với cuộc sống xa gia đình mà còn tìm kiếm công việc làm thêm để kiếm thêm tiền ăn, ở, sách vở, học phí. 

Nói về Thảo, ông Trịnh Xuân Thường, Trưởng thôn 4 (xã Dliê Yang), nơi chị em Thảo từng đùm bọc nhau lớn lên, cho hay: “Cháu Thảo là niềm tự hào, không chỉ của người thân, gia đình mà còn là của cả bà con nơi đây. Năm học vừa qua, duy nhất chỉ có cháu Thảo đậu đại học, nhưng gia đình cháu thì quá khó, quá nghèo, nghèo nhất thôn. Các cháu thường xuyên kham khổ. Địa phương có quan tâm, giúp đỡ, nhưng cũng chẳng đáng là bao, không đủ để các cháu yên tâm học tập”.

Nguyên Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI