Đừng trông chờ thế giới!

30/06/2018 - 06:11

PNO - Là một nhà bảo tồn động vật hoang dã (BTĐVHD), Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990, Hà Nội) từng sáng lập, điều hành tổ chức WildAct - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực BTĐVHD ở Việt Nam.

Năm 2018, Trang nhận được giải thưởng (Hà Lan), lọt vào danh sách và - khu vực Đông Nam Á.

Làm đại sứ cho quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh, trong Tuần lễ nâng cao nhận thức về tê giác năm 2014, theo ý tưởng của Hoàng tử Anh William, Trang được dựng thành nhân vật trong trò chơi điện tử , thu hút hơn 2 triệu lượt người chơi chỉ sau một tuần ra mắt.

Mới đây, cô ra mắt cuốn , dành 100% lợi nhuận cho công tác BTĐVHD ở Việt Nam. Cô gái tài năng này đã có cuộc trò chuyện thú vị với Phụ nữ Chủ nhật. 

Dung trong cho the gioi!
Thu Trang trong một chuyến đi khảo sát ban đêm ở Madagascar

Động vật hoang dã là một phần của sự sống

Phóng viên: Lúc còn là học sinh tiểu học, Trang đã trăn trở khi chứng kiến những chú khỉ bị người ta nhốt bán hay phát hiện người hàng xóm nuôi gấu để lấy mật. Đó không chỉ là cảm xúc trước sự tàn nhẫn của con người, mà còn là nỗi băn khoăn đến vấn nạn tuyệt chủng của nhiều loài động vật đang nằm trong Sách Đỏ, phải bảo tồn. Từ nỗi trăn trở này của một cô bé đến trở thành nhà hoạt động BTĐVHD diễn ra như thế nào?

Nhà bảo tồn động vật hoang dã Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi bắt đầu thực sự quan tâm đến vấn đề này vào năm 8 tuổi. Nhưng ở thời đó, có rất ít sách hay tạp chí tham khảo, internet cũng chưa có. Tôi chỉ có thể tìm cách học thêm về môi trường và thiên nhiên hoang dã từ những chương trình ti vi như Thế giới động vật.

Lên cấp III, tôi tìm cách xin làm tình nguyện viên ở những tổ chức BTĐVHD có trụ sở tại Hà Nội. Những năm tháng đi làm tình nguyện viên đã giúp tôi hiểu được phần nào công việc của một nhà BTĐVHD: cần có kỹ năng gì hay tôi có khả năng làm những việc nào... Sau đó, tôi may mắn được du học ở Anh theo đúng chuyên ngành BTĐVHD và trở thành nhà nghiên cứu bảo tồn theo đúng với ước mơ.

Dung trong cho the gioi!
Thu Trang bên một chú cá sấu mới nở

* Hành trình này hẳn gặp nhiều khó khăn, bạn có vấp phải sự phản đối?

- Tôi nghĩ rằng, nếu mình thực sự muốn làm một việc gì dù không được ủng hộ mình vẫn sẽ làm thôi. Khó khăn nhất tôi gặp phải là một khởi đầu rất thiếu phương tiện hay các kênh tham khảo.

Cho đến khoảng năm lớp Tám, lớp Chín mới có những quán cà phê internet, thay vì lập tài khoản yahoo để chat như nhiều người, tôi học cách dùng những công cụ tìm kiếm trên mạng để tìm hiểu thông tin ngành bảo tồn, những tổ chức phi chính phủ có mặt tại Việt Nam và tìm cách viết email xin được làm tình nguyện viên.

Dĩ nhiên khi nghe tôi muốn làm ngành bảo tồn, gia đình đã phản đối, do công việc này bị coi là nguy hiểm, nhất là với con gái. Có những lúc bố mẹ to tiếng nhưng tôi vẫn kiên trì theo đuổi công việc mình đam mê. Cuối cùng, bố mẹ hiểu đây không phải sở thích nhất thời nên không phản đối nữa.

* Trang có thể kể về một chuyến băng rừng gian lao trong công tác BTĐVHD?

- Mỗi chuyến đi nghiên cứu sẽ có những hoạt động khác nhau, tùy thuộc loài mình tìm hiểu, câu hỏi nghiên cứu cần được trả lời và tùy thuộc vào địa hình của khu vực làm việc.

Ví dụ, lần đặt bẫy máy ảnh để tìm loài báo gấm ở Kon Tum, chúng tôi phải đi theo kiểu “cuốn chiếu”, tức đặt bẫy máy ảnh đến đâu thì nghỉ chân đến đó, thay vì có một khu nghỉ chân nhất định. Đi liên tục từ sáng sớm đến chiều muộn rồi tìm chỗ gần nguồn nước, mắc võng nghỉ ngơi. Sáng hôm sau lại thức dậy đi tiếp.

Tiếc là, dự án đặt bẫy máy ảnh này, với gần 200 cặp bẫy máy ảnh và khoảng 4 tháng đặt bẫy, chúng tôi không chụp được ảnh của một chú báo gấm nào.

Qua Facebook, tôi cũng thường kể về những chuyến đi của mình, điều tôi học được, người tôi được gặp, những loài động vật tôi được thấy. Hy vọng qua đó, mọi người sẽ hiểu ĐVHD không phải những thứ xa xôi, lạ lẫm hay đáng sợ, mà chúng là một phần không thể thiếu trong mạng lưới của sự sống.

Dung trong cho the gioi!
Trang làm việc với giáo viên địa phương ở Kenya

Thói quen ăn uống “góp phần” tận diệt động vật hoang dã

* Đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái đồng nghĩa với phong phú giống loài trong tự nhiên. Việt Nam đã không còn khan hiếm thực phẩm, nền chăn nuôi thuộc loại đa dạng, nhưng, người nước ta dường như vẫn chưa tha cho các loài ĐVHD?

- Không chỉ ăn uống, mà việc tiêu thụ ngà voi, da hổ, báo… cho nhu cầu hưởng thụ xa xỉ, thậm chí nuôi giữ các loài ĐVHD trái phép để làm cảnh, đều là những nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của rất nhiều loài động - thực vật hoang dã. Điển hình như Việt Nam và Campuchia vừa phải chính thức công bố hổ đã hoàn toàn tuyệt chủng.

* Lâu nay, trong cuộc chiến BTĐVHD người ta chỉ nhắm đến kẻ đi săn, còn “đầu ra” ít khi bị bêu tên. Đây là điểm dẫn đến nhiều người, nhiều quốc gia không ngừng tận diệt động vật quý hiếm. Với vai trò nhà BTĐVHD, Trang có biện pháp gì nhằm cắt đứt những mắt xích trong chuỗi bất hợp pháp giữa người săn bắn, người bán và tiêu thụ?

- Ở Campuchia, chúng tôi đã triển khai một chương trình nghiên cứu về đường dây buôn bán ngà voi trái phép để tìm hiểu về tình trạng buôn bán ngà voi ở đất nước này, như ngà voi được tuồn về từ đâu, sẽ được vận chuyển đến những nơi nào? Ai là người tham gia trực tiếp, ai mua và tiêu thụ hay ai là người trung chuyển ngà voi đến nước khác?…

Chúng tôi phối hợp và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho cảnh sát môi trường nước bản địa để nhận dạng, phát hiện và đề đạt yêu cầu thay đổi điều luật để có thể hạn chế hành vi buôn bán trái phép, đồng thời đưa ra những biện pháp xử phạt hợp lý hơn.

* Trước cuộc trò chuyện này, tôi đã làm một cuộc khảo sát, kết quả hầu hết các hướng dẫn viên khẳng định không bao giờ chứng kiến du khách phương Tây gọi một món ăn chế biến từ ĐVHD trong hành trình du lịch. Trong khi đó, người Việt hoặc một số du khách châu Á hiếm khi bỏ qua lời chào mời một “đặc sản” như vậy. Theo Trang, đây chỉ đơn thuần là sự khác biệt giữa thói quen ăn uống hay có sự khập khiễng của ý thức và lối sống văn minh?

- Tôi nghĩ do cả hai, vừa có sự khác biệt trong thói quen ăn uống, vừa do nhiều người dân nước ta chưa có ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên, đặc biệt bảo vệ chính sức khỏe của mình. Việc không ăn thịt hay không sử dụng sản phẩm từ ĐVHD không đơn giản bảo vệ môi trường hay bảo vệ một loài động - thực vật nhất định khỏi tuyệt chủng, mà còn bảo vệ chính sức khỏe bản thân.

Rất nhiều bệnh có thể lây lan từ ĐVHD cho con người và ngược lại, trong tiếng Anh có một từ riêng cho những loại bệnh như thế, gọi là “zoonotic”. Ví dụ đại dịch HIV/AIDS, ebola hay sars là những bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD, đã lây lan cho con người qua “thói quen” ăn uống.

Cũng phải nhấn mạnh, chương trình giáo dục của Việt Nam, từ xưa đến nay chưa coi trọng việc giáo dục, nâng cao nhận thức trước các vấn đề liên quan đến thiên nhiên và ĐVHD.

Dung trong cho the gioi!
Trang cùng với các thành viên kiểm lâm chống săn trộm ở Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi

* Một câu chuyện điển hình trong ứng xử ẩm thực của người Việt đối với ĐVHD mà Trang chứng kiến?

 - Ví dụ điển hình nhất là khi đến các vườn quốc gia hay khu bảo tồn ở Việt Nam, không khó để bắt gặp rất nhiều cửa hàng buôn bán thịt thú rừng. Những người đi “du lịch” rừng cũng rất thản nhiên tham gia ăn “đặc sản rừng”, nhưng khi đi tham quan lại than phiền vì sao không thấy ĐVHD trong rừng nữa.Để đáp ứng nhu cầu ăn uống ĐVHD của họ mà thú rừng đã bị săn bắt đến cùng kiệt rồi.

* Trên đường đi làm ngang qua một bệnh viện, tôi thường thấy một biển hiệu ghi rằng: “Sừng tê giác không phải là thần dược”. Qua đó cho thấy, không chỉ sừng tê giác, lâu nay chữ “thần dược” luôn gắn với những sản phẩm quý hiếm, đắt đỏ chế biến từ ĐVHD.

- Việc sử dụng những bộ phận của ĐVHD làm thuốc là một trong những “niềm tin” có từ rất lâu, không chỉ ở châu Á mà còn ở nhiều bộ tộc, bộ lạc thuộc châu Phi hay Nam Mỹ. Nhiều sản phẩm như vảy tê tê, sừng tê giác, xương hổ… chắc chắn không phải là thần dược, thậm chí không có tác dụng chữa bệnh.

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới về thành phần cấu tạo những bộ phận này khẳng định chúng không có tác dụng chữa bệnh. Việc tin vào “thần dược” từ các sản phẩm này chỉ theo lời đồn đại nhưng hậu quả lại không chỉ là vấn đề BTĐVHD hay môi trường sống, mà còn là vấn đề bảo vệ sức khỏe của con người.

Tôi nghĩ cần có tác động nhiều hơn nữa từ các bác sĩ, Bộ Y tế… nhằm khuyến cáo người dân, tránh tiền mất tật mang.

* Ngoài hổ đã tuyệt chủng, nhiều loài động vật quý hiếm chỉ có ở Việt Nam, như vọoc chà vá chân xám đang bị liệt vào danh sách nguy cấp. Trang nhận định thế nào về thực trạng BTĐVHD, quý hiếm hiện nằm trong Sách Đỏ của nước ta?

- Công tác BTĐVHD nguy cấp ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, dù đang được chú ý và có sự giúp sức từ các tổ chức bảo tồn trên thế giới. Tuy nhiên phải nói thẳng, nói thật, chính phủ Việt Nam vẫn chưa có các động thái cần thiết để thực sự bảo tồn, bảo vệ sinh cảnh và bảo vệ các loài.

Tình trạng vườn quốc gia, khu bảo tồn đang phải gồng mình “kêu cứu” trước những dự án phát triển kinh tế, xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí ở ngay sát hoặc thậm chí “vắt qua” các khu bảo tồn và vườn quốc gia, như dự án xây dựng cáp treo ở Cát Bà - nơi duy nhất trên thế giới tồn tại loài voọc Cát Bà với số lượng khoảng 60 cá thể, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và (lại) cáp treo ở Sơn Trà - Đà Nẵng, nơi sinh sống của loài voọc chà vá chân đỏ…

Việc bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam chỉ có thể thành công nếu người dân và chính phủ cùng tham gia. Chúng ta không thể trông chờ vào “thế giới” hay các tổ chức bảo tồn nước ngoài, vì chính bản thân họ cũng buộc phải tuân theo luật pháp nước sở tại để hoạt động.

* Và công tác bảo tồn này hiển nhiên phải được diễn ra xuyên suốt tiến trình hướng đến văn minh của nhân loại; với vị thế của mình, Trang đã làm gì để lan tỏa tinh thần ấy đến cộng đồng hay những thế hệ sau mình?

- Tổ chức WildAct mà tôi thành lập là một tổ chức phi chính phủ về BTĐVHD ở Việt Nam. Có thể nói đây là một tổ chức khá “đặc biệt” vì cho đến hiện tại (đã thành lập 4 năm nay) hoạt động 100% dựa vào nguồn kinh phí được cấp từ các quỹ bảo tồn, từ hoạt động tình nguyện của các bạn trẻ.

Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho những người trẻ cùng tham gia, học hỏi những hoạt động thiết thực trong ngành bảo tồn, giúp các bạn có được một nền tảng nhất định - nếu các bạn thực sự muốn đi theo ngành này.

Những điều nhỏ nhặt làm nên sự khác biệt

Dung trong cho the gioi!
Thu Trang chụp ảnh cùng tê giác

* Album 100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho trái đất trong 100 ngày của Trang như tự mang cốc của mình đi mua đồ uống nhằm hạn chế dùng cốc giấy cốc nhựa, trồng lại rau xanh từ phần thừa của củ hành hay tỏi tây… lời kêu gọi này có tác động đến cộng đồng?

- Thông qua album, tôi muốn mọi người thấy rằng, có hàng ngàn, hàng vạn cách để thích ứng với cuộc sống hiện đại mà vẫn bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Một mình tôi chỉ có thể làm được 100 điều. Nhưng khi mỗi người cùng thực hiện 100 điều của riêng mình thì đó không còn là những điều nhỏ nữa.

Điều rất tuyệt vời từ “100 điều nhỏ nhặt” là có rất nhiều bạn trẻ, anh chị, thậm chí các cô chú lớn tuổi viết thư cho tôi nói rằng, nhờ có tôi mà họ thấy mình không còn là cá nhân đơn lẻ đang cố gắng hằng ngày tạo ra sự khác biệt.

* Trong album này, Trang còn hướng đến một đám cưới “thân thiện với môi trường”, khởi đầu là vị hôn phu đã bí mật kết một chiếc nhẫn cầu hôn từ chỉ thêu, sau đó đến váy cưới sử dụng những nguyên liệu vải thừa, cũ và một đám cưới nói không với chai nhựa, màng bọc thực phẩm… Liệu đây có là lựa chọn khắt khe của hai người?

- Trong cuộc sống, bất cứ điều gì chúng ta lựa chọn, như ăn gì, uống gì, sử dụng dịch vụ gì… đều ảnh hưởng nhất định đến môi trường sống chung quanh. Việc chọn nhẫn cưới hay bất cứ loại trang sức nào khác, cũng đều có thể gây ảnh hưởng đến môi trường sống, đến một cánh rừng ở nơi nào đó, thậm chí đến những người dân bản địa ở một khu vực nào đó.

Ví dụ, nhu cầu sử dụng kim cương trên thế giới dẫn đến nhiều khu khai thác “bẩn”. “Bẩn” ở đây không chỉ việc khai thác trái phép, phá rừng, để chất hóa học độc hại chảy thẳng vào sông suối, đầu độc môi trường sống, mà còn cả những người dân bản địa nghèo đói, đặc biệt trẻ em và phụ nữ châu Phi bị buôn bán vào những trại nô lệ tham gia khai thác vàng, kim cương và đá quý.

Tôi nghĩ nếu đã biết đến những chuyện này, chắc chắn không chỉ tôi, mà rất nhiều người sẽ suy nghĩ kỹ hơn về việc chọn nhẫn cưới hay những trang sức khác. Mua sản phẩm đã được chứng nhận khai thác bền vững (Fair Trade), hoặc tái sử dụng sản phẩm trong gia đình là những việc mà ai cũng có thể làm để làm giảm tác động xấu đến môi trường và sự sống của con người.

* Cảm ơn Trang về cuộc trò chuyện.

Tuyết Dân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI