Đôi vợ chồng văn chương cầm sắt

18/01/2023 - 08:22

PNO - Sau nhiều thành công trong lĩnh vực báo chí, khoảng sau năm 1954, nhà báo Hồng Tiêu đã gác bút và đó là lúc bắt đầu thời kỳ rực rỡ văn nghiệp của vợ ông - bà Tùng Long.

Những năm 1970, 1971, trong số sách anh tôi mướn ở các tiệm sách Tân Dân, Toàn Hiệp về cho người nhà đọc, ngoài mớ truyện trong loạt Z.28 hay truyện Duyên Anh, Quỳnh Dao, thường có mấy cuốn tiểu thuyết của Bà Tùng Long dành cho má tôi đọc lúc rảnh rỗi. Sách viết về cuộc sống và tâm tình của nữ giới miền Nam…

Vợ chồng nhà báo Hồng Tiêu -  nhà văn Bà Tùng Long - ẢNH: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Vợ chồng nhà báo Hồng Tiêu - nhà văn Bà Tùng Long (Ảnh tư liệu gia đình) 

Tôi đọc thử một lần. Đó là những câu chuyện về đời sống phụ nữ dành cho độc giả nữ mà trí óc non nớt của tôi không thấy hấp dẫn. Không chỉ viết sách, bà còn xuất hiện trên vài tờ báo.

Sau này, đọc cuốn Tuấn, chàng trai nước Việt của nhà văn Nguyễn Vỹ, tôi biết tên nhà báo Hồng Tiêu - chủ bút Sài Thành nhật báo. Ông là một nhân vật được chàng trai trẻ tên Tuấn trong cuốn sách trên xem như “huyền thoại”. Khi ông đến Quy Nhơn, Tuấn rủ bạn đi cùng đến thăm ông. Đến nơi, anh bạn kia sợ quá bỏ chạy, chỉ có Tuấn đánh bạo gõ cửa. Nơi nhà trọ, Tuấn thấy ông viết trên vách nét chữ đậm: 

“Thì giờ là tiền bạc
Người có học phải có chí 
Thánh hiền có học mà nên 
Văn chương phong nhã là tiên trên đời”. 

Ông khuyến khích Tuấn gắng học giỏi để sau này làm báo, làm văn sĩ như ông chớ đừng làm quan. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng để lại cảm giác ngây ngất với cậu học trò Tuấn. Vào trường, cậu còn nghe mấy anh lớp đệ Nhị, đệ Nhất định hô hào góp tiền để vào Sài Gòn lập một tòa báo và mời ông Hồng Tiêu làm chủ bút. 

Sau này, khi đã biết nhà báo Hồng Tiêu là phu quân của nhà văn Bà Tùng Long, nhất là biết ông cùng với anh là Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận thành lập nhật báo Sài Gòn; chủ bút báo Sài Thành ở Sài Gòn, trực tiếp chuyên trách mục Tranh xã hội (Film du Jour) chuyên đả phá thói hư tật xấu đương thời với bút danh Như Hoa, tôi càng kính nể công trạng của ông trong làng báo Sài Gòn.

Tờ nhật báo Sài Gòn khá đặc sắc, phản ánh chuyện thời sự hấp dẫn và chi tiết mà tôi, tác giả vài cuốn sách về Sài Gòn xưa, tham khảo được khá nhiều bài hay. Ông là nhà báo cùng thời và cũng là bạn của nhà báo lẫy lừng Phan Khôi, đã cộng tác với các báo Trung Lập, Công Luận, Đuốc Nhà Nam, Đông Pháp, Thần Chung… trong giai đoạn trước 1945 đang thời kỳ phát triển của báo chí.

Trong số các báo Quốc ngữ thời đó, tờ nhật báo Sài Gòn ra mỗi ngày 11.000 tờ, chỉ sau tờ Phóng Sự (Le Reportage, 11.500 tờ). Tiền thân của nó, tờ Sài Thành nhật báo do vợ chồng nhà báo Nguyễn Đức Nhuận thành lập và điều hành, hoạt động từ ngày 2/3/1932. Chủ nhiệm là Bút Trà, chủ bút là Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy; đến tháng 5/1933, sau số 340, mới đổi thành nhật báo Sài Gòn.

Có lẽ sau năm 1954, nhà báo Hồng Tiêu đã gác bút và đó là lúc bắt đầu thời kỳ rực rỡ văn nghiệp của vợ ông - Bà Tùng Long.

Năm 1952, Bà Tùng Long dạy Pháp văn, Việt văn tại một số trường học và bắt đầu viết truyện đăng từng kỳ cho một số nhật báo. Từ năm 1953, bà khởi xướng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Sài Gòn Mới và giữ vị trí này trong nhiều năm, góp phần thu hút độc giả cho tờ báo.

Ngoài ra, bà cộng tác cùng lúc nhiều tờ báo như Tiếng Vang, Miền Nam, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Nhân Loại… Thời gian đó, bà viết nhiều tiểu thuyết đề cập đến thân phận phụ nữ, ca ngợi tình yêu rất thành công.

Theo ấn phẩm Hồng Tiêu thi tập lưu hành trong nội bộ gia đình, nhà thơ - nhà báo Hồng Tiêu sinh năm 1902 là người Quảng Ngãi, quê gốc Điện Bàn, Quảng Nam.

Thuở nhỏ, ông theo học chương trình thi cử bằng Hán văn của nhà Nguyễn, 14 tuổi đã đậu ngạch Học sinh của tỉnh. Khi ông chuẩn bị đi thi Hương, triều đình bãi bỏ chế độ khoa cử, ông chuyển sang học tiếng Pháp. 19 tuổi, mồ côi cha mẹ, ông cùng người anh ruột Nguyễn Đức Nhuận rời quê Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề làm báo, dạy học (các trường Tân Thạnh, Đạt Đức). Ông mất năm 1985. Nhà văn Bà Tùng Long (tên thật là Lê Thị Bạch Vân) sinh năm 1915 tại Đà Nẵng và mất năm 2006.

Ông bà thành hôn với nhau năm 1935. Trong số các người con của ông bà, có các nhà văn nhà thơ như nhà thơ Trạch Gầm Nguyễn Đức Trạch, nhà văn Nguyễn Đức Lập và nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Trước khi qua đời, nhà văn Bà Tùng Long còn kịp viết tập Hồi ký Bà Tùng Long hấp dẫn và có giá trị. Rất tiếc, nhà báo một thời lừng lẫy Hồng Tiêu lại không viết hồi ký về cuộc đời làm báo của ông. Nếu có, đó sẽ là cuốn tư liệu quý giá về thế giới báo chí Sài Gòn rất sôi động trước năm 1945, quy tụ rất nhiều nhân tài tứ xứ tụ về. 

Phạm Công Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI