Độc đáo phiên chợ búp bê của người 'có tuổi'

28/07/2019 - 09:18

PNO - Quần áo, giày dép, túi xách, nơ kẹp… tất cả đều nhỏ xíu, bé xinh xinh dành cho các “em” búp bê đều có đủ ở phiên chợ độc đáo: phiên chợ búp bê.

Trở về tuổi thơ

Phiên chợ “thần tiên” ở TP.HCM nhưng không có địa điểm cố định hay định kỳ thời gian. Thế nhưng, mỗi khi phiên chợ ấy được tổ chức nơi nào là nơi ấy đều ken kín người.

Nơi họp chợ thường là quán cà phê, tiệm trà sữa… với gần 20 gian hàng buôn bán các loại búp bê, quần áo, giày dép, phụ kiện đi kèm. Điều đặc biệt, phiên chợ búp bê ấy từ người bán đến người mua đều là những người không-còn-bé.

Những món đồ ở phiên chợ này có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đa phần là đồ handmade, quần áo tự may, đồ thiết kế…

Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, một trong những chủ sạp hàng lớn tuổi nhất phiên chợ, chuyên đan móc quần áo, mũ áo cho búp bê với giá mềm, chỉ từ 40.000-100.000 đồng/món.

“Tôi biết móc len từ năm 13 tuổi, móc nhiều thứ lắm. Từ ngày về hưu, tôi có nhiều thời gian cho thú đam mê của mình. Với tôi, buôn bán quần áo búp bê ở phiên chợ này mình không đặt nặng vấn đề thu nhập, chủ yếu là được gặp gỡ những người cùng sở thích, được chia sẻ, trao đổi niềm đam mê là vui” - cô Linh cười vui vẻ.

Nguyễn Mạnh Tường (28 tuổi), vốn xuất thân là dân thiết kế thời trang, nhiệt tình giới thiệu những túi xách làm theo mẫu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, các túi xách bé bằng ngón tay.

Sau khi đầu quân cho một vài công ty cùng lĩnh vực, cuối cùng, anh chàng trụ lại với nghề thiết kế túi xách, giày dép cho búp bê.

“Mỗi chiếc túi xách hay đôi giày này, từng đường kim mũi chỉ mình đều may bằng tay, có khi mất vài ngày mới xong một sản phẩm. Được làm việc theo đúng sở thích, ý tưởng sáng tạo sẽ ngày càng thăng hoa” - Tường cho biết.

Anh chàng cũng “bật mí”, tuy làm tự do nhưng thu nhập khá cao, có thể “sống khỏe” với nghề.

Doc dao phien cho bup be cua nguoi 'co tuoi'
Face-up búp bê thu tiền triệu

Khoe “chiến lợi phẩm” là “em” búp bê Disney vừa tậu được với giá gần 2 triệu đồng, chị Phương Uyên (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, rất hạnh phúc khi sở hữu em búp bê như ý. 

Chị bảo, lúc đầu cũng ngại cho người khác biết mình thích chơi búp bê vì không còn bé, nhưng đến phiên chợ này, thấy nhiều người lớn tuổi hơn vẫn chơi búp bê bình thường nên chị tự tin với sở thích của mình. 

“Nhiều người tưởng mình mua búp bê về cho con, cháu chứ thực ra là mình mua cho mình. Ở nhà tôi có gần chục con búp bê đủ các nước Nga, Nhật Bản… nhưng thích nhất vẫn là búp bê phỏng theo các nàng công chúa Disney của Mỹ. Tôi đang sưu tập thêm cho đủ bộ. Dù chơi búp bê khá tốn kém nhưng sau những giờ làm mệt mỏi, về nhà được ngắm các “em” này cũng thấy vui” - chị Uyên bộc bạch.

Thú chơi xa xỉ

Face-up (trang điểm cho búp bê) chỉ mới du nhập vào Việt Nam 2-3 năm gần đây nhưng thu hút nhiều bạn trẻ hành nghề. Giống như việc make-up cho người, face-up cũng trải qua các bước như đánh mặt tạo khối, kẻ mắt, vẽ lông mày, gắn mi giả, làm tóc... Chính vì sự công phu này, mỗi gương mặt búp bê cần 3-4 tiếng để hoàn thành. 

Phan Ngọc Sang - quản lý PinkDoll là chàng trai “đình đám” trong lĩnh vực face-up - cho biết: “Với những người thực sự yêu thích búp bê, họ cảm thấy nhàm chán và muốn sở hữu những gương mặt búp bê độc đáo hơn. Vì thế, họ tìm tới bọn mình”. 

Theo Sang, búp bê khách gửi để face-up không phải là dòng búp bê rẻ tiền bán ngoài chợ. Chúng thường là dòng búp bê cao cấp như: BJD, Animator và fashion royalty... với mức giá tiền triệu, thậm chí đến hàng chục triệu đồng/con. 

Giá face-up từ 400.000-600.000 đồng/1 mặt búp bê và ma-nơ-canh là từ 600.000-900.000 đồng/1 mặt. Sang tiết lộ, trung bình cậu làm khoảng 3 mặt/ngày, thu nhập khoảng trên 30 triệu đồng/tháng. 

Nguyễn Ngọc Trà My (kinh doanh búp bê online) cho biết, để búp bê không giống với nguyên bản được sản xuất hàng loạt ban đầu, chủ nhân của nó sẽ thay đổi toàn bộ kết cấu: tạo các khớp tay, chân và make-up toàn bộ khuôn mặt theo sở thích của mình. 

Có những búp bê còn xuất ngoại sang tận Thái Lan để trang điểm, làm lại mắt, mũi, miệng, răng… nữa đấy. 

Nhìn vào con búp bê bạn sẽ biết được phong cách, tính cách của người chơi búp bê, thậm chí là biết được tâm trạng của người chơi đang buồn hay vui thông qua những bộ trang phục và khuôn mặt mà người chơi thể hiện.

Doc dao phien cho bup be cua nguoi 'co tuoi'
Phiên chợ “thần tiên” thu hút từ trẻ em đến người lớn

Thú chơi búp bê còn kỳ công, nhiêu khê đến nỗi được chủ nhân dẫn đi spa và shopping hằng tuần bằng những món đồ hiệu được nhập từ nước ngoài.

Phạm Hồng Hải thiết kế trang phục cho búp bê từ 3 năm nay kể, ý tưởng thiết kế trang phục cho búp bê bắt nguồn từ việc mình hay theo dõi các cuộc thi hoa hậu. 

Bằng kiến thức và vốn hiểu biết của mình về thời trang, Hải bắt đầu thiết kế một style riêng dành cho búp bê. Ban đầu chỉ là những mẫu đơn giản, trang phục dạo phố... 

Dần dần chàng trai bắt tay thiết kế những mẫu có tính nghệ thuật hơn như áo dài, dạ hội... Thậm chí có những bộ trang phục đắt như hàng hiệu và những mẫu có tính nghệ thuật cao. 

Hay chị Ngọc Hạnh (quận 12), bỏ việc công sở để “hồi sinh” búp bê cũ. Có người bà con ở nước ngoài, hằng tháng, người này tìm mua những búp bê cũ rồi gửi về Việt Nam. Tại đây, Hạnh “làm mới” cho búp bê từ tóc tai, quần áo, mặt mũi… rồi đóng hộp bán lại cho người chơi với giá rất phải chăng. 

“Có khi mình mất cả tuần để phục hồi một bé búp bê, nhưng làm xong thì thấy “sướng” lắm vì thỏa đam mê. Dù là tự do nhưng thu nhập khoảng vài chục triệu đồng/tháng, đủ để mình theo đuổi nghề lâu dài” - chị Hạnh “bật mí”.

Chơi búp bê cũng là thú vui xa xỉ, bạn phải cân đo đong đếm rất nhiều mới dám sở hữu một em búp bê mình thích, rồi các phụ kiện, đồ chơi đi kèm, nó không hề rẻ như búp bê dành cho các em bé. 

Một lần tình cờ lướt facebook, Hương Ly thấy có hội nhóm búp bê nên đăng ký tham gia thử cho biết. Vào rồi cô mới ngỡ ngàng nhận ra, đây không chỉ là trò chơi của trẻ nhỏ. Hội búp bê cũng như các hội khác, thành viên ở khắp mọi miền, ở nhiều lứa tuổi, từ em nhỏ học sinh đến cô hội trưởng đã nghỉ hưu nhưng có chung sở thích là yêu búp bê. 

Vì vậy, ngoài việc giao lưu qua nhóm trên mạng xã hội, hội luôn có những buổi offline, để giao lưu, để chia sẻ đam mê. Offline thường diễn ra ở nơi có không gian rộng vào một ngày trong tháng, thường là cuối tuần. 

Hương Ly đúc kết: “Theo giới mộ điệu búp bê, không có quy định nào về việc con gái mới được chơi búp bê và thích màu hồng, còn con trai thì phải mê siêu anh hùng, ô tô điều khiển và thích màu xanh. 

Không nên trách phạt một đứa trẻ khi chúng chỉ thích đọc sách thay vì đồ chơi, và dĩ nhiên cũng không thể cấm cản một người lớn yêu thích, thậm chí là đam mê búp bê. 

Thế nên với những phiên chợ hay các hội nhóm búp bê là không gian mà các “fan doll” có thể ngồi chăm chút cho các “bé”, mà không phải ngại những ánh mắt kỳ thị của những người chưa biết về cộng đồng búp bê”. 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI