Doanh nghiệp nhận tín hiệu vui đầu năm

30/01/2023 - 15:46

PNO - Năm 2023, nhiều lĩnh vực kinh doanh được dự báo sẽ đối diện với loạt thách thức do những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Vì vậy, việc có được những đơn hàng ngay từ đầu năm mới đem lại động lực không nhỏ cho các doanh nghiệp. Dịp tết năm nay cũng ghi nhận kết quả khả quan của ngành du lịch.

Du lịch khả quan

Dệt may nằm trong số những ngành hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong những tháng cuối năm 2022. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải cắt giảm lượng lớn lao động vì không có hợp đồng. Những khó khăn này được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, ngay trong dịp nghỉ tết Nguyên đán, những tín hiệu vui đã xuất hiện khi không ít DN đã có đơn hàng trở lại.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (TPHCM) - chia sẻ, ngay ngày mùng Ba tết, có khách hàng ở Mỹ thông báo nhận được mẫu chào hàng của công ty và mong muốn xúc tiến ký hợp đồng đơn hàng (khoảng 2 container) vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới (mùng Chín tết). Trong suốt kỳ nghỉ tết, DN vẫn duy trì liên hệ với người lao động nên biết chắc chắn hầu hết lao động sẽ quay trở lại làm việc đầy đủ. Có đơn hàng lại giữ được lao động là niềm vui không nhỏ với DN những ngày đầu năm.

Đoàn du khách Pháp trải nghiệm hành trình xuyên Việt 11 ngày - ẢNH: QUỐC THÁI
Đoàn du khách Pháp trải nghiệm hành trình xuyên Việt 11 ngày - Ảnh: Quốc Thái

Du lịch có lẽ là ngành hưởng niềm vui lớn nhất khi hầu hết các địa phương đều công bố lượng khách, doanh thu đều tăng vọt. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM sáng mùng Sáu tết (27/1), ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, DN chuyên cung cấp dịch vụ du thuyền tại Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Hạ Long và Lan Hạ (Quảng Ninh) - cho hay, dịp tết Quý Mão, tỉ lệ, công suất các du thuyền của công ty đều đạt trên 90%. Đáng chú ý, khách quốc tế (chủ yếu là nhóm khách Âu - Mỹ) chiếm khoảng 70 - 80%.  “Cả du khách trong nước lẫn quốc tế đặc biệt thích thú với các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với ngày tết cổ truyền ngay trên du thuyền như gói bánh chưng, xem triển lãm tranh Hàng Trống…”, ông Hà cho biết.

Mùng Bốn tết (25/1), Công ty Lữ hành Saigontourist (TPHCM) cũng đón đoàn hơn 30 du khách Pháp tại sân bay Nội Bài để trải nghiệm tour xuyên Việt theo lộ trình Hà Nội - Hạ Long - Huế - TPHCM - Vĩnh Long. Đây là đoàn khách quốc tế đầu tiên xông đất Việt Nam trong năm 2023 bằng đường hàng không, đánh dấu sự phục hồi toàn diện của mảng du lịch quốc tế của DN. Ngoài đoàn khách Pháp, dịp tết Nguyên đán, Lữ hành Saigontourist cũng đón hơn 200 khách quốc tịch Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sỹ theo tour 9 ngày, từ TPHCM đi Mỹ Tho - Cái Bè - Vĩnh Long - Sa Đéc - Châu Đốc bằng đường sông và nối tuyến Campuchia.  

Là người trực tiếp dẫn các đoàn khách quốc tịch Pháp và Bỉ trải nghiệm City tour TPHCM, Củ Chi và các tỉnh miền Tây trong những ngày tết, anh Đức Tiệp - hướng dẫn viên của Saigontourist - cho hay, khách quốc tế đặc biệt yêu thích phong cảnh độc đáo miền sông nước.

Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 21 đến 26/1), ngành du lịch cả nước phục vụ khoảng 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ tết Nguyên đán 2022). Tổng thu của ngành du lịch ước đạt 17.500 tỉ đồng. Riêng với TPHCM, theo báo cáo của Sở Du lịch TPHCM, khách quốc tế đến thành phố ước đạt khoảng 65.000 lượt. Khách tham quan, vui chơi ở các khu, điểm du lịch, các tụ điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt khoảng 1,7 triệu lượt. Tổng doanh thu khoảng 6.300 tỉ đồng. Đà Nẵng cũng đón 293.873 lượt khách (cùng kỳ năm 2022 là 35.939 lượt khách) trong nước và quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp tuyển thêm lao động 

Từ ngày mùng Năm tết Quý Mão, hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế (DN may mặc có trụ sở tại khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã đi làm trở lại. DN này đang tuyển gấp 250 công nhân không cần có kinh nghiệm, thời gian bắt đầu làm việc là ngày 6/2. Anh Nguyễn Văn Đồng (công nhân của công ty) cho biết, ngày đầu năm đi làm được lãnh đạo công ty lì xì, mọi người rất phấn khởi.

Tại Công ty cổ phần Dệt may Huế, đúng 7 giờ ngày 27/1, các phân xưởng sản xuất bấm nút khởi động máy sẵn sàng cho năm làm việc mới. Gần 5.000 lao động của công ty đã trở lại làm việc. Ông Nguyễn Tiến Hậu - Giám đốc điều hành - chia sẻ, tuy quý III, quý IV năm 2022 đơn hàng giảm sút, công ty vẫn đảm bảo việc làm, phúc lợi cho toàn bộ lao động. Hiện công ty đã nhận đơn hàng sản xuất đến hết quý I/2023. Năm nay, công ty phấn đấu đạt tổng doanh thu hơn 2.060 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu hơn 130 triệu USD. 

Ông Lê Hồng Long - Giám đốc Công ty Phú Hòa An ở khu công nghiệp Phú Bài Huế - cho hay, từ tháng 6/2022, công ty đã thiếu đơn hàng, có những tháng đơn hàng giảm đến 70% so với cùng kỳ. Đến nay, đơn hàng đã có lại từ những đối tác, khách hàng mới. “Chúng tôi dự kiến qua tháng 2/2023 sẽ tuyển thêm 1.000 công nhân may, hiện đơn hàng quý II/2023 đã có, công nhân rất phấn khởi vì có thu nhập ổn định từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng”, ông Long thông tin.

Ông Lê Văn Tuệ - Trưởng ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế - chia sẻ, năm 2023, tuy dự báo tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thách thức lớn, đơn vị vẫn phấn đấu thu hút thêm 10-12 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh tăng vốn khoảng 4.000-6.000 tỉ đồng. Tại Đà Nẵng, theo ông Vũ Quang Hùng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - hầu hết các DN hoạt động trở lại từ mùng Sáu tết. 

Tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương khác, ngày 27/1 (mùng Sáu tết) cơ quan chức năng đã công bố tỉ lệ lao động trở lại làm việc đạt gần 95%. 

Vẫn còn nhiều thách thức

Dù đón nhận những tín hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm, nhưng nhiều DN cho biết vẫn còn không ít thách thức. Ông Phạm Quang Anh cho biết, hiện công ty không dám đặt mục tiêu cao, cũng rất khó lên kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động bất thường, xung đột vẫn đang tiếp diễn; lãi suất ngân hàng còn quá cao. 

Cơ hội mà Dony nhìn thấy là nhu cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc trước những bất ổn sau dịch bệnh, giá nhân công ở quốc gia này tăng. Ông Phạm Quang Anh dẫn chứng, một DN đặt trụ sở tại Trung Quốc trong suốt 12 năm qua, chuyên thu mua hàng của 250 nhà cung cấp tại Trung Quốc rồi xuất khẩu đi châu Âu với số lượng hàng chục container/tháng.

Với những biến động gần đây, DN này dự tính sẽ dịch chuyển khoảng 30 - 40% lượng đơn hàng sang các nước khác trong 3 năm tới. Lãnh đạo DN này đã dành tới 6 tháng trong năm 2022 để đi khảo sát 6 nước, gồm Việt Nam, Indonesia, một nước ở châu Á và 3 nước khác ở Đông Âu để xây dựng chuỗi cung ứng mới. Việc xây dựng chuỗi cung ứng rất khó, một khi xây dựng được thì họ ở lại đất nước đó từ 10-20 năm. Đây rõ ràng là một cơ hội rất lớn. Lượng đơn đặt hàng của DN này rất lớn, chỉ cần một vài khách hàng tại châu Âu của DN này là đủ cho các DN Việt Nam sản xuất đều đều trong nhiều năm. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI