Doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ hơn lúc nào hết

19/07/2021 - 17:36

PNO - “Đợt dịch này ảnh hưởng nặng hơn cả ba đợt trước cộng lại” - đó là đánh giá của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - lý giải về nhận định trên như sau:
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng không chỉ ngành du lịch, dịch vụ, thương mại mà cả ngành sản xuất. Nhiều ổ dịch mới liên tục bùng phát khiến các doanh nghiệp (DN), người lao động và người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Các DN vừa và nhỏ phải chịu thêm nhiều khó khăn như thiếu vốn kinh doanh, thị trường bị thu hẹp, nguồn lao động bị cắt giảm, chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, hoạt động kinh doanh bị đình trệ do áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, giá nguyên liệu tăng khiến chi phí bị đội lên rất nhiều, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Để thích nghi với tình hình mới, nhiều DN đã bắt tay vào việc tái cấu trúc, thay đổi sản phẩm, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển từ buôn bán trực tiếp sang trực tuyến (online). Tuy nhiên, khi tái cấu trúc, hầu hết các DN lại thiếu nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả lương để giữ chân người lao động.

Đặc biệt, việc TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía nam phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến hoạt động của DN gần như bị ngưng trệ. 

Phóng viên: Trong bản kiến nghị của mình, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất giải pháp khoanh nợ, giảm lãi suất (LS). Liệu đây có phải là giải pháp then chốt giúp các DN giải quyết các khó khăn?

Ông Đặng Hồng Anh: Khoanh nợ, giảm LS là giải pháp cấp bách giúp DN giải quyết phần nào khó khăn về vốn nhưng đây chưa phải là giải pháp then chốt. Theo tôi, DN cần phải tập trung vào một số giải pháp cụ thể, như tái cấu trúc DN, chuyển đổi mô hình kinh doanh và chi phí để tăng cường sức bền và tính linh hoạt (tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ vào điều hành, quản lý DN cũng như sản xuất, kinh doanh), ưu tiên đầu tư vào những yếu tố giúp DN tăng trưởng.

Ngoài ra, DN cần chủ động tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị trường, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đầu tư kinh phí cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các nhu cầu công việc và sự thay đổi của DN khi tái cấu trúc.

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, Chủ tịch DHA

* Ông nghĩ sao về đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho phép cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021, đồng thời đề xuất Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm 3 - 5% LS cho vay? 

- Tôi mong rằng đề xuất giảm LS sẽ được Chính phủ chấp thuận bởi cho dù hết dịch bệnh thì DN vẫn cần khoảng thời gian khá dài để phục hồi, không thể phục hồi ngay để trả nợ ngân hàng được. Hiện DN ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm, cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực hơn nữa của hệ thống ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ LS theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

* Xin ông cho biết, các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN gặp khó khăn do dịch COVID-19 có giúp ích nhiều cho các hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hay không? Gói hỗ trợ mới (nếu có) cần khắc phục những gì để thiết thực và hiệu quả hơn?

- Thực tế, các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự phát huy được tác dụng đối với các DN hội viên do họ khó đáp ứng được một số điều kiện đi kèm, như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN. Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn chủ yếu chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện để nhận được sự hỗ trợ. Đây là lý do khiến chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với DN phần nào chưa phù hợp với thực tế.

Để các gói hỗ trợ DN của Chính phủ hiệu quả, chúng cần linh hoạt hơn để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng DN, nhất là DN nhỏ, bằng cách phân loại và hỗ trợ theo nhóm DN tùy loại hình hoạt động, mức độ thiệt hại, quy mô, khả năng phục hồi... Ví dụ, đối với những DN gặp khó khăn trực tiếp như DN ngành du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, vận tải… thì Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi hơn, để khi kiểm soát được dịch bệnh, các DN này có thể phục hồi nhanh. Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi về thuê đất, thuê kho bãi, thuê mặt bằng để DN duy trì hoạt động, nhất là trong những nhóm ngành đặc thù. Ngoài ra, gói hỗ trợ an sinh xã hội cần được triển khai nhanh gọn, thủ tục đơn giản để đến tay đối tượng kịp thời.

* Xin cảm ơn ông. 

Đăng Thư (thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI