Doanh nghiệp cần hỗ trợ để phục hồi hoạt động

13/09/2021 - 07:43

PNO - Các doanh nghiệp cho rằng, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng chỉ cần nhận được những hỗ trợ cần thiết, họ sẵn sàng khởi động trở lại.

Chi phí tăng quá cao

Chi phí tăng quá cao trong khi hiệu quả sản xuất rất thấp là khó khăn hầu hết doanh nghiệp (DN) gặp phải khi thực hiện các mô hình vừa hoạt động vừa phòng, chống dịch hiện nay. Ông Đỗ Xuân Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Trung Dũng - cho biết, hiện công ty chỉ sử dụng 100/300 công nhân để làm hàng trang trí nội thất xuất đi Mỹ theo mô hình “ba tại chỗ” trong hơn một tháng rưỡi qua. “Nhưng chúng tôi cũng chỉ còn cầm cự được thêm vài tuần nữa thôi. Tháng nào chúng tôi cũng lỗ vài trăm triệu đồng. Hiện chúng tôi đã áp dụng test nhanh hai đầu vào, ra ở khâu sản xuất. Cứ mỗi tuần lại thực hiện test 20% công nhân chứ không chờ y tế địa phương nữa, nhưng chi phí quá cao”, ông Đỗ Xuân Ngọc cho hay.

Ông Lê Hữu Bình - Giám đốc tài chính Công ty Jabil Việt Nam - thông tin, công ty có khoảng 8.600 lao động tại Khu công nghệ cao TP.HCM với doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm. Công ty đang thực hiện phương án “hai địa điểm - một cung đường” cho khoảng 30% lao động (2.500 người), chi phí phát sinh khoảng 120 tỷ đồng mỗi tháng cho tiền khách sạn, xét nghiệm định kỳ, thuê xe, trợ cấp người lao động, vượt quá khả năng chịu đựng của DN, trong khi DN không thể giao hàng đúng hạn cho khách theo hợp đồng do chỉ có thể hoạt động ở mức tối thiểu.

Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thông Minh - ẢNH: PHẠM CƯỜNG
Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thông Minh - Ảnh: Phạm Cường

“Mặc dù các nước như Ấn Độ, Mexico, dịch bệnh cũng rất phức tạp nhưng họ vẫn đảm bảo duy trì sản xuất nên nhiều đối tác đã chuyển hợp đồng sang các nước này. Chưa kể Trung Quốc hiện nay đang hồi phục rất nhanh sau đại dịch nên cũng trở thành điểm đến của nhiều đơn hàng. Nếu tới đây còn tiếp tục giãn cách xã hội, vẫn phải thực hiện các phương án như “ba tại chỗ”, “hai địa điểm - một cung đường” thì sẽ dẫn đến rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động của DN tại Việt Nam” - ông Lê Hữu Bình nói. 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Câu lạc bộ DN dẫn đầu Việt Nam, Chủ tịch Mỹ Lan Group - kể: vào đầu tháng Tám, DN ông thực hiện “ba tại chỗ” với 387 nhân viên. Sau hơn hai tuần thực hiện, nhân viên đã quen dần với sinh hoạt và làm việc tại chỗ, cũng được tiêm vắc-xin mũi 1 thì nhận được quyết định phải ngừng “ba tại chỗ” với lý do có một công ty trong cùng khu công nghiệp xuất hiện ca F0. Sau đó DN làm công văn xin phép tiếp tục hoạt động và thực hiện “ba tại chỗ” nhưng phải cam kết chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu để dịch bệnh lây lan. 
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, nhiều địa phương chỉ biết chống dịch, sợ trách nhiệm nếu để dịch lây lan, không cần biết DN phải hoạt động ra sao, miễn địa phương không có dịch bệnh là được.

“Chúng tôi đã nhận được những hợp đồng dài hạn trong 2-3 năm tới, xuất khẩu sang 63 quốc gia. Đối tác ngoại rất nguyên tắc, đến thời hạn là phải giao hàng nhưng vướng ở chỗ không có nhân công sản xuất, không vận chuyển được. Nếu giao trễ, không đúng chất lượng có thể bị hủy hợp đồng, phải bồi thường thiệt hại cho tất cả chi phí liên quan”, ông Nguyễn Thanh Mỹ lo lắng. 

Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEK) cho biết, tính đến tháng 8/2021 đã có trên 80% DN dệt may giảm năng suất hoặc phải tạm ngừng hoạt động, chuỗi sản xuất đứt gãy đến 90%. Theo lãnh đạo Công ty May thêu đan giày An Phước, bình thường DN có bốn nhà máy hoạt động tại TP.HCM với khoảng gần 4.000 công nhân. Tuy nhiên, đã phải cắt hơn một nửa để thực hiện “ba tại chỗ”, đáp ứng đơn hàng đi Nhật. “Phải mở thôi, công nhân của chúng tôi không có việc làm phải về quê trong khi đơn hàng nhiều mà không thể đáp ứng”, vị này nói.

Lo nhất là không tập hợp đủ lao động

Hiện TPHCM đang chuẩn bị ban hành kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho rằng, cần trao quyền tự chủ cho DN linh hoạt, chủ động và chịu trách nhiệm triển khai phương án sản xuất an toàn, phù hợp đặc thù của mình trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

“Hiện có quá nhiều tiêu chí không thống nhất. Vì vậy về các yêu cầu phòng, chống dịch như giấy đi đường, nên để DN tự chủ động cấp và cam kết bảo đảm khai đúng người, đúng việc, vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm chống dịch theo mô hình nhà máy an toàn. DN dệt may khó mà “ba tại chỗ” mãi được vì số lượng công nhân rất đông, riêng tại TPHCM đã có 2,5 triệu công nhân làm việc trong ngành”, ông Phạm Văn Việt đề nghị.

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, cần xem lại quy định mỗi ba ngày DN phải tổ chức xét nghiệm RT-PCR cho người lao động, có thể cho DN dùng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (như phương pháp CNOR) có độ chính xác hơn 80%, rẻ hơn nhiều lần mà không cần phải dừng sản xuất. 
Ông Lê Hữu Bình đề xuất nên cho phép DN áp dụng mô hình vừa sản xuất an toàn vừa chống dịch. Tại Malaysia, trong nhà máy người lao động được trang bị bảo hộ bằng PPE (thiết bị bảo hộ cá nhân), khẩu trang N95 đạt chuẩn, tấm chắn giọt bắn, thực hiện 5K và cam kết của người lao động. Mô hình này đã phát huy hiệu quả cao trong việc duy trì sản xuất an toàn ổn định. 

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - thông tin, các DN ngành lương thực đã đáp ứng được quy định thẻ xanh, thẻ vàng, rất sẵn sàng tâm thế mở cửa sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên cái khó khi tái khởi động là trong thời gian thực hiện “ba tại chỗ” vừa qua, tất cả DN đều mất đi 20% lực lượng lao động. Việc tập hợp lao động hiện nay cũng khó do mỗi tỉnh có quy định thời gian giãn cách khác nhau. “Trong thời điểm cuối năm lượng hàng sản xuất của ngành lương thực tăng gấp 2-3 lần nên rất cần nguồn lao động để phục vụ nhu cầu. Đồng thời tài chính của DN đã kiệt quệ, cần được sự hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn mới với lãi suất giảm, miễn giảm thuế” - bà Lý Kim Chi đề xuất. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - cho rằng, để sản xuất trở lại, có nhiều vấn đề DN quan tâm như phải có nguồn lao động, nguyên vật liệu, nhu cầu thị trường, tài chính, xây dựng mô hình sản xuất an toàn… Trong đó, vấn đề về đảm bảo an toàn chống dịch là DN tự chủ được, các vấn đề còn lại đang là khó khăn cho DN. Ngành gỗ có thị trường rất tốt với đối tác nước ngoài, nếu không nhanh chóng quay lại sản xuất thì DN sẽ mất thị phần. Các DN kiến nghị nên cho họ tự chủ về phòng, chống dịch, ít nhất là xét nghiệm và y tế tại chỗ. 

Theo ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn (H.Củ Chi, TPHCM) - bất cập hiện nay là lượng vắc-xin chỉ phân bổ cho lượng công nhân thực hiện “ba tại chỗ”, còn lại đều đưa về địa phương. “Đưa vắc-xin về địa phương thì lực lượng lao động mà DN cần lại không được tiêm, lực lượng không cần thì lại được tiêm. Nếu được có thể phân bổ vắc-xin về DN từ 30-40%, DN sẽ chọn lựa lực lượng lao động quan trọng nhất để tiêm ngừa, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho những đơn hàng quốc tế”, ông Trần Minh Tú kiến nghị. 

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TPHCM - thông tin, 18 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có tổng cộng là 1.500 nhà máy với khoảng 320.000 công nhân. Hiện nay chỉ có khoảng 70.000 công nhân của 700 nhà máy đang thực hiện “ba tại chỗ” được tiêm vắc-xin mũi 2, còn lại đều chỉ tiêm mũi 1 nên không thể cấp thẻ xanh để đi làm, tái khởi động DN. Ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, để DN tái khởi động, tất cả 320.000 công nhân phải được tiêm mũi 2, số lượng công nhân cần tiêm vắc-xin phải do Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, DN đề xuất vì họ nắm rõ chứ không phải là chính quyền địa phương. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch AGTEK - điều các DN lo nhất là làm sao tập hợp lại được lao động. Nếu chỉ có 20-30% lao động sẽ rất khó khăn vì chuỗi cung ứng, sản xuất không được cân bằng, không thể có thành phẩm. 

Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tín dụng, giảm thuế, bảo hiểm, các loại phí là hết sức cần thiết bởi DN đang rất khó khăn. Nhưng theo tôi, tất cả chính sách không thể chỉ của TPHCM mà phải là chính sách quốc gia mới hiệu quả. Bởi vì kinh tế thị trường không có địa giới, hoạt động của DN không hề giới hạn trong một địa phương mà phải theo chuỗi cung ứng nữa. Ví dụ Co.opmart là DN của thành phố nhưng họ có các cơ sở kinh doanh toàn quốc. Tôi cho rằng vấn đề này thành phố chỉ làm được chừng mực nào đó thôi, mà cái chính phải là vai trò của chính quyền trung ương. 

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Thanh Hoa - Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI