Doanh nghiệp bất động sản xoay xở vượt khó

11/03/2023 - 09:09

PNO - Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bắt đầu mở bán sản phẩm trở lại sau nửa năm trầm lắng, đình đốn hoạt động do thiếu vốn, vắng người mua.

Giảm áp lực tài chính cho người mua 

Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land vừa mở bán căn hộ chung cư 9X An Sương ở khu tây bắc TPHCM với giá từ 1,6 tỉ đồng/căn. Trần Anh Group mở bán căn hộ chung cư Phúc An Asuka ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang với giá bán khoảng 3,2 tỉ đồng/căn nhà phố 1 trệt 1 lầu. 

Mới đây, Công ty cổ phần Gamuda Land cũng mở bán căn hộ chung cư Elysian Gamuda trên đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM. Theo giới thiệu, Elysian Gamuda có tổng cộng gần 1.398 căn hộ với diện tích khác nhau, giá dự kiến từ 55-60 triệu đồng/m2. Công ty Phú Đông cũng rao bán căn hộ trong chung cư Sky One 800 căn ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với TPHCM, giá từ 32-35 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh chọn lọc dự án để quyết định có nên tiếp tục đầu tư, cái nào hay cần chuyển nhượng (trong ảnh: Khách hàng tham quan sa bàn dự án Elysian tại đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM của Công ty Gamuda Land) - ẢNH: N.B
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh chọn lọc dự án để quyết định có nên tiếp tục đầu tư, cái nào hay cần chuyển nhượng (trong ảnh: Khách hàng tham quan sa bàn dự án Elysian tại đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM của Công ty Gamuda Land) - Ảnh: N.B

Một số tập đoàn, công ty bất động sản (BĐS) lớn cũng bắt đầu mở bán trở lại căn hộ trong các dự án: Tập đoàn Novaland bán tiếp căn hộ ở Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Long Thành (tỉnh Đồng Nai); Công ty An Gia tiếp tục mở bán căn hộ Westgate (huyện Bình Chánh, TPHCM).

Trong bối cảnh ngân hàng giảm cho vay vốn đầu tư vào BĐS, lãi suất cho vay cao, các doanh nghiệp (DN) BĐS đã thay đổi chính sách nhằm giảm áp lực vay ngân hàng cho người mua. Trước đây, Hưng Thịnh Land yêu cầu bên mua thanh toán tối thiểu 20 - 30% giá trị sản phẩm trong đợt đầu, nay chỉ yêu cầu thanh toán 8 - 12% giá trị sản phẩm và trả góp mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng, tương đương 0,5% giá trị sản phẩm. 

Tập đoàn Trần Anh cũng yêu cầu khách hàng thanh toán đợt đầu 12% giá nhà, sau đó mỗi tháng đóng 0,5% (khoảng 7 triệu đồng). Trần Anh Group còn cho trả chậm 18-30 tháng với lãi suất 0%, hỗ trợ vay vốn đến 70% giá bán sản phẩm và có giảm giá nếu khách mua thanh toán sớm hơn tiến độ dự kiến. 

Khi mua căn hộ Elysian của Gamuda Land, khách hàng chỉ cần thanh toán đợt đầu 5%, sau 8 tháng thanh toán tiếp 10% và thanh toán tối đa 50% khi nhận nhà, thậm chí còn được trả chậm 2-3 năm sau khi nhận nhà. 

Vẫn đang thăm dò thị trường

Theo ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa - lĩnh vực BĐS đang nhận được sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước, như tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, nới hạn mức tín dụng cho vay mua BĐS, giảm lãi suất cho vay. Nhưng ông cũng cho rằng, những chính sách này chỉ tác động gián tiếp đến thị trường, cái chính là các DN phải linh hoạt ứng phó với tình hình thị trường. 

“Phân khúc nhà ở tiếp tục đối diện với khó khăn về thủ tục pháp lý, lượng giao dịch, nguồn vốn ít nhất là đến quý III/2023”

Ông Tín Nguyễn - Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường, Công ty Colliers Việt Nam

Ông nhận định: “Một số chủ đầu tư bắt đầu mở bán nhưng chủ yếu để thăm dò, bởi lượng sản phẩm bán ra không nhiều, chủ yếu là các sản phẩm tương đối dễ thanh toán, hoặc các sản phẩm cũ đã có”. 

Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển, DKRA Group - cho rằng, nguồn cung trên thị trường hiện nay không đáng kể, các căn hộ được rao bán trong 2 tháng qua hầu hết nằm trong các dự án đã được triển khai những năm trước: “DN BĐS không thể ngồi không hoài, nên phải kiếm việc để làm, kiếm thứ để mở bán. Nhưng, họ gần như không có hướng đi”. 

Theo ông, sự hỗ trợ của Chính phủ đối với BĐS có nhưng chưa rõ nét. Nếu không có gì đột phá, trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung BĐS tiếp tục giảm mạnh, sức cầu cũng giảm do lãi suất cao: “Thậm chí, số DN BĐS giải thể tiếp tục tăng, DN tiếp tục cắt giảm nhân sự để chờ các hướng tháo gỡ rõ nét hơn”. 

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính tổng thể, vì cái chung của thị trường, chính DN phải tự lực. Các DN đang có nhiều dự án gặp khó khăn nên xác lập lại chiến lược kinh doanh và cấu trúc lại các phân khúc sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm giá rẻ để dễ bán; nghiên cứu, điều chỉnh dự án hoặc một phần dự án (trong giai đoạn đang làm thủ tục đầu tư) sang nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường; rà soát lại danh mục dự án và giữ lại những dự án có khả năng thực hiện được, chuyển nhượng, chuyển giao các dự án không đủ nguồn lực để triển khai. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI