Dịch vụ giải trí xuyên biên giới: Sẽ không còn “tự tung tự tác”

01/03/2023 - 12:28

PNO - Sau nhiều năm thả nổi hoạt động của các dịch vụ giải trí xuyên biên giới, sắp tới đây, các dịch vụ này sẽ dần được kiểm soát.

Sẽ mạnh tay, quyết liệt

Nhiều năm qua, các dịch vụ giải trí xuyên biên giới tại Việt Nam hoạt động khá rầm rộ. Netflix, iQIYI và WeTV của Trung Quốc thăm dò thị trường, Apple TV, Amazon... đã lăm le đặt chân vào thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện của những nền tảng này gây ra nhiều mối lo cho ngành phát thanh, truyền hình trong nước khi Việt Nam thiếu cơ chế, chưa có hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng giải trí đa quốc gia.

Thị trường dịch vụ giải trí trên các ứng dụng trực tuyến hiện đang nở rộ, cần được đưa vào khuôn khổ đúng pháp luật - ẢNH: K.A.
Thị trường dịch vụ giải trí trên các ứng dụng trực tuyến hiện đang nở rộ, cần được đưa vào khuôn khổ đúng pháp luật 

Cho đến khi Nghị định 71/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, một sân chơi công bằng, sòng phẳng được kỳ vọng sẽ mở ra trong thời 
gian tới.

Theo ông Nguyễn Hà Yên - Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT) - dù khá nhiều dịch vụ giải trí xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam nhưng hiện nay, có 5 doanh nghiệp (DN) - 2 của Mỹ, 3 của Trung Quốc - có nhu cầu cùng hoạt động chính thức với các đơn vị phát thanh, truyền hình trong nước. Hiện các DN này đều đã được Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ra các văn bản hướng dẫn từ cuối năm 2022, hướng dẫn tuân thủ các quy định mới được ban hành.

Trong trường hợp các DN này, sau khi được hướng dẫn đầy đủ, nếu vẫn tiếp tục hoạt động không đúng pháp luật Việt Nam thì đã có cơ sở pháp lý điều chỉnh. Nghị định 71 có điều khoản quy định về ngăn chặn, xử phạt vi phạm hành chính. “Ý chí của lãnh đạo Bộ TT-TT là khi Nghị định 71 có hiệu lực, chúng ta sẽ tiến hành xử phạt các DN vi phạm, dù đó là DN xuyên biên giới. Các cơ quan chức năng thuộc bộ đang củng cố hồ sơ để xử lý nếu các DN nước ngoài không hợp tác” - ông Nguyễn Hà Yên thông tin.

Theo ông Nguyễn Hà Yên, thời gian qua, trên một số nền tảng xuyên biên giới chiếu các bộ phim có chứa “đường lưỡi bò”, hình ảnh hay phần dịch phụ đề thiếu thẩm mỹ, trái thuần phong mỹ tục cũng đã bị cơ quan quản lý yêu cầu gỡ bỏ. Sắp tới, khi các dịch vụ xuyên biên giới tham gia chính thức vào thị trường Việt Nam, với Nghị định 71, tùy trường hợp sẽ bị xử phạt nghiêm, không chỉ là hình thức nhắc nhở.

Cần sự chung tay

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT-TT - cho biết, Nghị định 71 đáng lý đã được ban hành sớm hơn nhưng gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân vì có thực thể mới xuất hiện, ở đây là dịch vụ giải trí xuyên biên giới.

Sắp tới, Netflix sẽ bị chặn nếu không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam
Sắp tới, Netflix sẽ bị chặn nếu không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam

Ở góc độ quản lý, ông hiểu nguyên nhân của việc chậm trễ nhưng vẫn thấy áy náy vì thời gian dài vừa qua, nhiều vấn đề bất cập đã xảy ra, phần lớn liên quan công tác quản lý. Tuy nhiên đến nay, khi đã có hành lang pháp lý, ông cho rằng “câu chuyện thực thi nó như thế nào vẫn còn cần nhiều buổi chia sẻ, thậm chí cần thêm kiến nghị giữa các bên liên quan” để hoàn thiện, đi vào khuôn khổ nhất định.

“Ngành dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước hằng năm đạt doanh thu 9.000-10.000 tỉ đồng. Tới đây, con số còn có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các DN xuyên biên giới. Nhưng kết quả đó sẽ không đạt được nếu không có sự tham gia của cơ quan nhà nước cùng các đơn vị liên quan” - ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.

Trong đó, ông chú trọng việc đưa ra chính sách, buộc các đơn vị sản xuất điện thoại, ti vi không được cài trực tiếp những ứng dụng giải trí xuyên biên giới vào sản phẩm, nhằm ngăn việc tiếp tay cho những ứng dụng không chấp hành quy định theo pháp luật Việt Nam.

Cục PTTH&TTĐT cho biết sẽ phối hợp với cộng đồng, trong đó có những fanpage chuyên theo dõi các nội dung phim của Mỹ, Trung Quốc, hay các hiệp hội phổ biến phim và dịch vụ phát hành phim trả tiền để cùng cơ quan nhà nước phát hiện những sai phạm; từ đó sớm thực hiện công tác hậu kiểm, xử phạt các đơn vị.

Ông Trần Văn Úy - Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPAY TV) - cho rằng, khi có Nghị định 71, Bộ TT-TT cùng với Cục PTTH&TTĐT cần có chính sách trước mắt và lâu dài để động viên, khuyến khích hoặc bảo hộ các DN truyền hình trả tiền, DN sản xuất nội dung chương trình trong nước để có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài. Ông Trần Văn Úy khẳng định, nếu chậm trễ đề ra những cơ chế bảo hộ, khi những “gã khổng lồ của thế giới chính thức bước vào Việt Nam, họ sẽ đè bẹp DN trong nước”. Cuộc chơi khi đó sẽ hoàn toàn thuộc về các nền tảng giải trí xuyên biên giới.

Cùng với Nghị định 71, để tạo ra hành lang đủ mạnh, cần có sự chung tay của nhiều cá nhân, đơn vị liên quan, không thể chỉ trông đợi vào công cụ pháp lý mà phải chuẩn bị những nền tảng phụ để hợp lực.

Cục PTTH&TTĐT cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt các đơn vị cung cấp dịch vụ giải trí đa quốc gia bằng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ, đồng thời trao đổi giải pháp với VNPAY TV trong việc ngăn chặn dịch vụ trái phép, dịch vụ vi phạm bản quyền.

Khánh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI