Di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ: Khoảng trống nhận diện

05/11/2020 - 06:30

PNO - Mỹ thuật truyền thống Nam bộ là một bộ phận của mỹ thuật truyền thống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Bảo vệ nó, cũng là đảm bảo tính liền mạch của văn hóa Việt Nam.

Di sản rớt lại

Mới đây, nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình vừa ra mắt cuốn sách Tranh tường Khmer Nam bộ (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ). Đây là kết quả suốt mười năm điền dã của chị.

Theo Huỳnh Thanh Bình, kế thừa thành tựu nghệ thuật tạo hình truyền thống, tranh tường Khmer độc đáo “không chỉ ở đề tài, đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình, mà còn cho thấy thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng Khmer Nam bộ”. Hiện nay, không cần phải về tận Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… mà ngay giữa TP.HCM, ta cũng dễ dàng bắt gặp loại tranh này. Tiêu biểu nhất, phải kể đến chùa Chantarangsay - ngôi chùa Khmer đầu tiên trên đất Sài Gòn được xây dựng từ năm 1946. 

Tranh tường Khmer trên trần sala/ nhà hội chùa Chưn Num (Tà Pạ), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - Ảnh: Huỳnh Thanh Bình cung cấp
Tranh tường Khmer trên trần sala/nhà hội chùa Chưn Num (Tà Pạ), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - Ảnh: Huỳnh Thanh Bình cung cấp

Dù độc đáo nhưng trong đời sống văn hóa đương đại, nhắc đến tranh tường Khmer, nếu không phải cộng đồng Khmer, có lẽ, rất ít người biết. Tương tự, gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn, gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa, tượng thần tài ông địa, tranh kiếng… - đều tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật truyền thống của Nam bộ, cũng đang ngày càng mờ nhạt.

Chẳng hạn, Gốm Sài Gòn - “nghệ phẩm thời danh” - được sản xuất tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong thực tế, việc gọi tên “Gốm Sài Gòn” có phần tùy tiện và chưa nhất quán. Đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định về lịch sử, chủng loại, đặc điểm của chúng.

Cuốn sách Gốm Sài Gòn - do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Lưu Kim Chung biên soạn với sự cộng tác của nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, Hồ Hoàng Tuấn - được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ra mắt gần đây, cũng chỉ là nỗ lực bước đầu nhằm cung cấp những dữ liệu cần thiết để có được hiểu biết cơ bản.

Hay như gốm Cây Mai, một “nghệ phẩm” khác cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của xứ Đề Ngạn/Sài Gòn xưa, mà theo tác giả người Pháp Derbes, đây là “một khám phá cách sử dụng thông minh đất Thủ Đức và Biên Hòa - những tài nguyên quý báu mà nó đã lợi dụng được” - thì nay, chỉ còn dấu vết trong những công trình văn hóa, kiến trúc hoặc được chuyền tay trong giới chơi cổ vật. Những câu chuyện về gốm Cây Mai, cũng chỉ còn trong tâm trí của một bộ phận nghiên cứu văn hóa và quan tâm văn hóa Nam bộ. 

Tượng ông Nhật bà Nguyệt tại Hội quán Tuệ Thành (Q.5) thuộc dòng gốm Cây Mai có niên đại năm 1908  - Ảnh: Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ
Tượng ông Nhật bà Nguyệt tại Hội quán Tuệ Thành (Q.5) thuộc dòng gốm Cây Mai có niên đại năm 1908 - Ảnh: Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ

Thương hiệu quốc gia bắt nguồn từ thương hiệu vùng miền

Lâu nay, nhắc đến mỹ thuật truyền thống, ta hay nhắc tới mỹ thuật truyền thống Bắc bộ, với những đình, chùa, miếu mạo, tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống… hay Trung bộ, tiêu biểu là Huế, với tranh làng Sình, mỹ thuật cung đình… Những công trình nghiên cứu, những xuất bản phẩm về văn hóa truyền thống chủ yếu hướng về miền Bắc. Rõ ràng, có một khoảng trống mỹ thuật truyền thống ở miền Nam chưa được chú ý, chưa được nhận diện về mặt truyền thông lẫn thương hiệu văn hóa dù nó cũng phong phú, đa dạng và độc đáo không kém. 

Một cộng sự rất trẻ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là Nguyễn Đức Huy, mới 22 tuổi nhưng mười năm trước đã bắt đầu tìm hiểu về mỹ thuật truyền thống Nam bộ. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tự bản thân Huy có nhu cầu được hiểu hơn về mảnh đất này; tuy nhiên, cậu không tìm được câu trả lời trong các chương trình học.

Kể cả các sản phẩm bao bì, đồ họa, thậm chí gần đây có một số MV của nghệ sĩ khai thác yếu tố mỹ thuật truyền thống, cũng hướng về văn hóa miền Bắc nhiều hơn văn hóa miền Nam. “Giới trẻ Sài Gòn được xem là năng động, nhưng năng động ở đâu khi cái cốt lõi và nguồn gốc của mình không được khai phá?” - Nguyễn Đức Huy đặt câu hỏi.

Vài năm trở lại đây, người ta bàn rất nhiều về việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Ở đâu, cũng xem nó là chỉ dấu, là chiến lược cho sự phát triển. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, nhắc đến thương hiệu văn hóa Việt Nam, vẫn là một điều gì… mông lung trên bản đồ thế giới. 

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: “Thương hiệu quốc gia nào cũng bắt nguồn từ những thương hiệu nhỏ”. Phải đi vững từ những câu chuyện nhỏ, cụ thể, thì giấc mộng kia may ra… thành hình. Còn không, nó mãi manh mún, mãi họp bàn hoặc trên giấy.

Hai sản phẩm thuộc dòng gốm Sài Gòn - Ảnh: Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ cung cấp
Hai sản phẩm thuộc dòng gốm Sài Gòn - Ảnh: Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ cung cấp

Hỏi việc nhận diện thương hiệu quốc gia qua thương hiệu vùng miền có giá trị như thế nào, Nguyễn Đức Huy dẫn ra trường hợp của Huế, người ta khai thác rất triệt để di sản mỹ thuật cung đình, thu hút lượng lớn nguồn quỹ, tiền để “nuôi sống” Huế. “Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và mảnh đất Nam bộ nói chung, dù không ngàn năm thì cũng hơn 300 năm tuổi, đủ chất liệu để cấu thành một nền văn hóa khác biệt. Nhưng sao ta không biết khai thác, không biết cách làm, hay không muốn làm cho nó tử tế? Tại sao suốt ngày làm tour các địa điểm quen thuộc như Nhà thờ Đức Bà, bưu điện, Địa đạo Củ Chi… Sao không đa dạng hóa các tour văn hóa khác, chẳng hạn tour mỹ thuật Sài Gòn - TP.HCM từ Mỹ thuật Gia Định đến mỹ thuật dân gian? Chúng ta đang tự đánh mất cơ hội tiềm năng vốn có của mình” - Huy nói.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, so với mỹ thuật truyền thống Bắc bộ, mỹ thuật truyền thống Nam bộ có tính “động”, luôn vận động, đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị hiếu do yếu tố nền kinh tế hàng hóa chi phối. Đây cũng là đặc điểm văn hóa của vùng đất này - “hợp lưu” của những dòng chảy văn hóa nên văn hóa không “tĩnh” lại mà đa dạng, tiếp biến liên tục. 

Di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ cũng là một bộ phận của mỹ thuật truyền thống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Bảo vệ truyền thống là nỗ lực đảm bảo tính liền mạch của văn hóa. Sự liền mạch đó, không chỉ biểu hiện ở mặt thời gian, mà cả sự nối dài ba miền Bắc - Trung - Nam trong một thực thể thống nhất. Khi đó, ta mới có một nền văn hóa trưởng thành, nghĩa là, tự trương nở, chọn lọc và tiếp biến các giá trị trong mình. Và nhất là, các “gen” di truyền của di sản văn hóa, được truyền lại qua các thế hệ, có cơ hội được kể tiếp câu chuyện của mình trong bối cảnh mới. 

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI