Đến rạp phim để bị tra tấn

01/10/2017 - 07:00

PNO - Có đến rạp xem phim mới thấy tầm vóc văn hóa của một bộ phận khá lớn dân ta vẫn chưa tương xứng với sự hiện đại, sang trọng ở các rạp.

So với những xã hội Tây phương, các phương tiện giải trí về đêm ở Việt Nam còn tương đối ít ỏi. Bar rượu hay sàn nhảy thì không phải ai cũng vào được vì thường đắt đỏ. Các sân khấu ca nhạc, kịch không nhiều và cũng tương đối “kén” khách. Trừ các quán nhậu hay karaoke, các rạp chiếu phim có lẽ là chọn lựa văn hóa nhất để đáp ứng nhu cầu giải trí.

Den rap phim de bi tra tan
Cảnh tượng thường thấy sau mỗi suất phim

Thế nhưng, có đến rạp xem phim mới thấy tầm vóc văn hóa của một bộ phận khá lớn dân ta vẫn chưa tương xứng với sự hiện đại, sang trọng ở các rạp. Buổi xem phim ở rạp C. trong lần về thăm quê hương của tôi đã cho tôi một trải nghiệm nhớ đời.

Trước tiên là giờ giấc. Trong khi ở rất nhiều quốc gia, các rạp chiếu phim luôn ấn định giờ trễ nhất được vào ở mỗi xuất chiếu, thì ở Việt Nam vẫn cho phép khán giả đến muộn vào khán phòng khi phim đã bắt đầu (dù trên vé cũng thể hiện thông tin quản lý rạp có quyền từ chối khách đến trễ). Từng hàng người lũ lượt diễu ngang mặt người đang xem phim, rộn ràng gọi nhau, chỉ trỏ chỗ ngồi, chuyền tay nhau đồ ăn thức uống, mặc kệ ánh mắt khó chịu của những khán giả bị ngắt mạch xem phim.

Sau này, hỏi bạn, tôi mới được biết đây là kiểu “trừ hao” của khán giả xứ ta, nhằm đối phó với tình trạng các rạp chiếu quảng cáo vào giờ mà lẽ ra họ phải chiếu phim như ghi trên vé.

Den rap phim de bi tra tan
Thức ăn, nước uống vương vãi khắp nơi

Rồi đây đó vang lên tiếng chuông điện thoại, và những cuộc đàm đạo mà người xem phim xung quanh chẳng ai muốn nghe. Chưa kể chuyện khán giả chụp hình tự sướng, thản nhiên nhắn tin bất chấp, trong suốt xuất chiếu, tôi phải chịu đựng những màn bàn tán, giải thích cho nhau về nội dung phim, rồi những nhận định đúng kiểu các thám tử siêu cấp - “thấy chưa, đúng thằng đó là thủ phạm mà; đã nói ngay từ đầu rồi”. Đôi lúc lại là những tiếng xuýt xoa vì nhan sắc của nhân vật…

Cuối cùng, sự hối hả của xã hội công nghiệp hóa dường như cũng len vào tận rạp phim. Khi những dòng generic (thông tin về phim) vẫn đang chạy chầm chậm trên màn hình, vô số khán giả đã vội vàng đứng dậy, chen chúc nhau tháo chạy khỏi khán phòng, như thể phải đuổi cho kịp chuyến tàu chót. Những gì họ để lại là sự xót xa cho bất kỳ ai còn tự trọng. Dưới sàn, vương vãi bắp rang, cốc giấy, cùi vé…

Den rap phim de bi tra tan
Nhiều người vô tư nói chuyện điện thoại trong rạp phim như ở phòng riêng của mình (ảnh minh hoạ)

Văn hóa không phải là sự phong tặng hay tự xưng. Cũng không phải là những bài dạy và học thuộc lòng. Văn hóa là sự tự giác và tự trọng trong hành xử nơi công cộng; là sự chấm dứt kịp thời khi tự do cá nhân của mình bắt đầu xâm phạm đến tự do cá nhân của người khác. Ước gì, đến một ngày nào đó, những sự tra tấn này chỉ còn là một hồi ức. 

Bạch Nhị Hà (Mainz - Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI