Đến Lạng Sơn đâu chỉ đi chùa…

19/08/2023 - 06:55

PNO - Nhắc tới Lạng Sơn, du khách vốn ấn tượng với những điểm du lịch tâm linh, danh thắng trứ danh theo câu thơ lục bát quen thuộc: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”. Song, còn một Lạng Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, yên bình, những món ngon nhớ lâu cùng văn hóa bản địa đặc sắc… đang chờ bạn khám phá.

 

Thảo nguyên xanh Đồng Lâm - nơi dã ngoại lý tưởng
Thảo nguyên xanh Đồng Lâm - nơi dã ngoại lý tưởng

Bát ngát thảo nguyên xanh Đồng Lâm

 

Có một nơi chỉ cách thủ đô Hà Nội 150km, được ví như Mông Cổ thu nhỏ của Việt Nam - thảo nguyên Đồng Lâm (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Nơi đây vẫn còn nguyên nét hoang sơ, thanh cảnh, bình yên…; là một địa điểm hứa hẹn sẽ làm hài lòng những tâm hồn yêu thiên nhiên, thích khám phá.

Đồng Lâm sở hữu diện tích khoảng hơn 100ha, có thảm cỏ xanh mướt tầm mắt bên cạnh những núi đá vôi kỳ vĩ; dưới đồi có sông hồ, có những chú ngựa, trâu, dê thong dong gặm cỏ dưới trời xanh hiền hòa… Tất cả tạo nên khung cảnh yên bình, nên thơ không dễ tìm thấy ở những điểm du lịch thông thường. 

Không ít người chọn lui tới đây để tham gia các hoạt động ngoài trời lý tưởng như cắm trại, thả diều, chèo thuyền, câu cá... Nơi đây còn là địa điểm mời gọi nhiều nhiếp ảnh gia tới săn ảnh thiên nhiên. 

Thăm cây phu thê 50 năm tuổi

Cây phu thê mộc mạc mà đầy sức hút
Cây phu thê mộc mạc mà đầy sức hút

Soi mình xuống dòng nước xanh trong ở đập Bắc Mỏ là bóng “cây phu thê” đã 50 năm tuổi. Cây được trồng với mục đích chống xói mòn, sụt lở cho vùng đập. Càng lớn, cây càng xanh tốt, nhánh mọc quấn quýt vào nhau tựa như đôi vợ chồng son nên được người dân gọi là cây phu thê.

Cây phu thê là một phát hiện thú vị và mới tinh trên bản đồ du lịch Hữu Lũng, Lạng Sơn. Chưa hề có sự tác động của bàn tay con người, quang cảnh xung quanh vẫn giữ nguyên vẹn nét thanh bình với bóng cây soi xuống mặt nước trong. Mỗi mùa, cây mang một vẻ đẹp riêng như nét chấm phá độc đáo giữa đất trời xứ Lạng. 

Anh Hùng Vĩ - một người con xứ Lạng - đã phát hiện, chụp ảnh cây phu thê rồi đăng lên mạng xã hội. Rất nhanh chóng, địa điểm có một không hai này thu hút rất đông người tới tham quan. Dù đã trở thành điểm check-in thú vị, nơi này vẫn được mọi người có ý thức gìn giữ. Tới nay, khung cảnh vẫn nguyên sơ như lúc ban đầu. Hôm chúng tôi đến, nơi đây chỉ có một mái chòi lợp lá cọ nho nhỏ, một chiếc bè mảng tre cột sát gốc cây, một chiếc xích đu be bé, vài mẩu gỗ nhỏ trên bờ cho lữ khách nghỉ chân, tận hưởng chút thảnh thơi nơi thôn dã.

Lãng đãng bên hồ trái tim Lân Cút

Hồ trái tim Lân Cút nhìn từ trên cao
Hồ trái tim Lân Cút nhìn từ trên cao

Ở Hữu Lũng còn có 1 địa điểm rất độc đáo dành cho những tâm hồn yêu thiên nhiên: hồ trái tim Lân Cút. Nhìn từ trên cao, hồ Lân Cút như một trái tim trong trẻo giữa đại ngàn xanh thẳm.

Để tới được hồ trái tim, du khách chỉ có thể đi bộ băng rừng. Tới nơi, bạn có thể tận hưởng những hoạt động ngoài trời hấp dẫn như chèo thuyền kayak trên mặt hồ trong vắt màu ngọc bích, học cưỡi ngựa hoặc câu cá hay tản bộ, cắm trại bên bờ hồ, hít thở không khí trong lành. 

Văn hóa bản địa đặc sắc

Lạng Sơn luôn gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, phải kể đến các loại hình nghệ thuật như hát then - đàn tính của người Tày, Nùng cùng những điệu múa trong lễ cấp sắc của người Dao…

Bên cạnh đó, Lạng Sơn còn là một trong những địa phương sở hữu nhiều lễ hội nhất cả nước, với hơn 365 lễ hội diễn ra hằng năm. Nổi bật trong đó là lễ hội Lồng Tồng với nghi lễ tín ngưỡng cầu thành hoàng và Thần Nông, diễn ra từ mùng 4 - 30 tháng Giêng, mang ý nghĩa báo cáo thành quả của năm qua, cầu xin thần nông ban cho năm tới mưa thuận gió hòa, súc vật sinh sôi, con người khỏe mạnh, mùa màng bội thu… Ngoài ra, Lạng Sơn còn nhiều lễ hội khác như Bủng Kham, Pác Mòng, Nàng Hai, Ná Nhèm... 

Ẩm thực - nếm một lần nhớ mãi!  

Món bánh ngải lạ miệng
Món bánh ngải lạ miệng

Bạn sẽ khó lòng mà làm ngơ trước những món ăn độc đáo đậm bản sắc xứ Lạng. 

Khâu nhục (còn gọi là nằm khâu) vốn là món ăn du nhập từ Trung Quốc, sau này được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nức tiếng. 3 nguyên liệu chính làm nên món khâu nhục là: thịt ba chỉ, khoai môn, lá tàu soi. Để tăng độ ngon và hương vị ấn tượng, không thể thiếu các gia vị, hương liệu như nấm hương, nấm mèo, rượu trắng, ngũ vị hương, mật ong, xì dầu… Thành phẩm là món thịt đậm đà mềm tan trong miệng, đủ khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi.

Bạn sẽ không thể quên món vịt quay nổi tiếng xứ Lạng, với giống vịt bầu Thất Khê được tuyển chọn kỹ càng: mình dày, chắc thịt. Cách tẩm ướp gia vị bí truyền nhưng chắc chắn không thể thiếu thứ lá đặc trưng của vùng núi xứ Lạng - mắc mật. Vịt quay trên than hoa trước rồi mới nhúng vào chảo mỡ, quết thêm mật ong rừng lên lớp da giòn có màu óng ả cho ra món đặc sản hấp dẫn, không hề béo ngậy.

Nếu người Kinh có bánh chưng, bánh giầy vào dịp lễ tết thì bánh ngải là món bánh mang ý nghĩa tâm linh trong văn hóa của dân tộc Tày xứ Lạng. Nguyên liệu chính là nếp nương và ngải - loại rau được trồng nhiều hoặc mọc hoang ven suối. Lựa lá ngải non đem đun với nước tro, loại bỏ xơ, xay hoặc giã nhuyễn rồi trộn với xôi đã đồ chín, giã nhuyễn tới khi thu được khối bột mềm mịn. Bánh ngải ngon phải giữ được màu xanh đẹp mắt của lá ngải non, có độ mềm dẻo thơm của nếp. 

Xôi cẩm vốn không quá xa lạ với người miền núi. Thế nhưng xôi cẩm Lạng Sơn lại có vị thơm ngon độc đáo nhờ trộn thêm nguyên liệu là tro từ rơm rạ, lá chuối khô. 

- Nếu di chuyển bằng xe khách hoặc tàu, nên đặt vé trước. 

- Đi xe máy/ô tô riêng cần lưu ý vì đường rừng núi nhiều khúc cua quanh co, hiểm trở. Kiểm tra an toàn của xe trước khi khởi hành. 

- Thời tiết thích hợp để du lịch Lạng Sơn tùy thuộc vào mục đích cá nhân. Nếu muốn ngắm băng tuyết, nên đi từ tháng Mười hai - tháng Một, muốn ngắm lúa thì đi từ khoảng tháng Bảy - tháng Mười, nếu muốn tham gia các lễ hội nên chọn tháng Giêng... 

- Thảo nguyên Đồng Lâm còn hoang sơ nên sóng điện thoại chập chờn hoặc không có.

- Có 2 cách để đến thăm cây phu thê: Nếu đi ô tô, đậu xe tại nhà văn hóa thôn Ba Lẹng, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng sau đó đi bộ khoảng 500m. Nếu đi xe máy, có thể đi thẳng tới cuối đập rồi đi bộ 50m.

- Xung quanh khu vực hồ Lân Cút đã có các mô hình homestay để lưu trú. 

- Chuẩn bị đầy đủ kem chống nắng, kem chống muỗi, quần áo phù hợp theo mùa. 

- Một số đặc sản Lạng Sơn có thể mua làm quà: ốc đá, bánh cao sằng, bánh phồng, bánh bí đỏ, các loại trái cây theo mùa (đào Mẫu Sơn, quýt Bắc Sơn, na Chi Lăng, hồng Bảo Lâm, hồi, quế…).

Duy Thành - Thanh Tú

Ảnh: Hùng Vĩ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI