​Đề nghị Trung Quốc không đe dọa sử dụng vũ lực

05/08/2016 - 05:23

PNO - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng quan chức các nước cần phát biểu và hành động phù hợp. Đề nghị Trung Quốc không đe dọa sử dụng vũ lực.

Chiều 4/8 tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên về nhiều vấn đề báo chí quan tâm.

* Cần hành động phù hợp, vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Trước thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi quân đội, cảnh sát và nhân dân Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông cần phải giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tôi cho rằng các quan chức các nước cần phát biểu và hành động một cách phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới".

* Việc đối xử với ngư dân phải phù hợp với luật pháp quốc tế

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc tuyên bố sẽ tích cực áp dụng các luật lệ nhằm "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền lợi hàng hải của Trung Quốc", theo đó sẽ phạt tù người đánh bắt cá trái phép và coi đây là tội hình sự "nghiêm trọng", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng việc đối xử với ngư dân hoạt động ở Biển Đông trước hết phải phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận đã đạt được giữa các nước trong khu vực và trên tinh thần nhân đạo. Chúng tôi cũng bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân Việt Nam phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.”

Về việc Trung Quốc xây dựng nghĩa trang ở Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa dù dưới bất kỳ mục đích gì đều là phi pháp, không làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.”

Trước việc Trung Quốc mở website về Biển Đông trong đó gọi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Việc làm này của phía Trung Quốc không làm thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

​De nghi Trung Quoc khong de doa su dung vu luc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.

* Mọi hành động tin tặc cần phải bị lên án và nghiêm trị

Liên quan đến vụ việc hacker được coi là của Trung Quốc đã tấn công hệ thống thông tin và website của một số hãng hàng không của Việt Nam, để lại thông điệp liên quan đến tranh chấp chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Trước hết cần khẳng định, mọi hành động tấn công mạng cũng như mọi hành động tin tặc cần phải bị lên án và nghiêm trị. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động bình thường tại các sân bay. Đồng thời các cơ quan an ninh mạng của Việt Nam cũng đã vào cuộc để điều tra vụ việc. Chủ trương của Việt Nam mà cụ thể là của các cơ quan chức năng của Việt Nam trong đó có Bộ Ngoại giao, mong muốn và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm dưới mọi hình thức, trong đó có vụ việc vừa qua".

* Bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài

Liên quan đến thông tin nhiều người Việt Nam ở Campuchia bị trục xuất về nước, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Campuchia để giải quyết các vấn đề của người Việt Nam tại Campuchia. Chúng tôi cũng mong rằng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của Campuchia quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng, đảm bảo cho cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia sinh sống làm ăn ổn định".

Về việc Indonesia thông báo đánh đắm một số tàu cá đánh bắt trái phép, trong đó có thông tin cho rằng có tàu cá của ngư dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đang làm việc với các cơ quan chức năng của Indonesia để xác minh thông tin và có biện pháp can thiệp phù hợp. Liên quan đến vấn đề ngư dân, tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt giữ, từ trước đến nay và qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi đã luôn yêu cầu Indonesia xử lý ngư dân Việt Nam vi phạm cần dựa trên tinh thần đối xử nhân đạo”.

* Nhiều vấn đề báo chí quan tâm

Cũng tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời nhiều vấn đề mà báo chí quan tâm. Về việc Trung Quốc mở Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Việc Trung Quốc mở Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng nhằm tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại cũng như giao lưu hữu nghị giữa các địa phương của Trung Quốc với thành phố Đà Nẵng nói riêng và các địa phương miền Trung Việt Nam nói chung; đồng thời để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác lãnh sự. Hiện nay một số nước cũng có Tổng lãnh sự quán tại thành phố Đà Nẵng.”

Liên quan đến thông tin trên báo chí Đài Loan về việc ngày 1/8 nữ nghị sỹ Su Chih-fen bị nhân viên sân bay ở Hà Nội lưu giữ hộ chiếu, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Theo thông tin mà tôi có được, bà Su Chih-fen đã nhập cảnh sai mục đích với bản khai khi xin visa du lịch vào Việt Nam”.

Minh Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI