Đề nghị dành tối thiểu 20% ngân sách mua sắm công để đặt sản phẩm khoa học

17/02/2025 - 11:32

PNO - ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh phải đầu tư ngân sách, đẩy nhanh thương mại hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm KHCN.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại phiên thảo luận sáng 17/2 - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại phiên thảo luận sáng 17/2 - Ảnh: Media Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) kiến nghị các bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách mua sắm công để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước.

Hàng năm bộ, ngành, địa phương phải ban hành “danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ” để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia, được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công.

Trong đó, bà cho rằng phải làm rõ được tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ với các doanh nghiệp khi thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, để thúc đẩy thật nhanh và tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp và nhà khoa học tự tin trong việc thương mại hóa sản phẩm.

ĐBQH đoàn Hà Nội cũng đề nghị bổ sung cơ chế rút ngắn thủ tục thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Ví dụ như một sản phẩm phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ y tế có thể bị yêu cầu vừa phải đăng ký tại Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông. Từ đó, bà nhấn mạnh phải có quy trình chung, không để chồng chéo giữa các bộ, ngành.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) ủng hộ quy định có cơ chế rủi ro cho nghiên cứu KHCN. Song ông đề nghị, không chỉ miễn trách nhiệm dân sự mà còn bổ sung thêm quy định miễn trách nhiệm hình sự:

"Tôi đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục. Nếu không được miễn trừ trách nhiệm, người nghiên cứu khoa học sẽ rất rủi ro. Cùng với miễn trách nhiệm dân sự cần miễn trách nhiệm hình sự. Đây là nghị quyết thí điểm nên cần đặt vấn đề và quy định trong các luật tiếp theo", ông An nói.

Cũng liên quan tới vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng), trong dự thảo mới đề cập đến việc miễn trừ trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách, mà chưa có quy định miễn trừ cho người tổ chức thực hiện chính sách.

Do đó, ĐBQH đề nghị bổ sung cơ chế “miễn trừ trách nhiệm” của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà "không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực".

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI