ĐB Cao Đình Thưởng: Sợ học vì phụ huynh muốn con mình thành… con người ta!

15/11/2018 - 11:05

PNO - “Tâm lý phụ huynh muốn con mình thành con người ta, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn trẻ đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ”, ĐB Cao Đình Thưởng chia sẻ.

Chọn giáo viên mầm non trẻ, đẹp, có sức khỏe

Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng nay, 15/11, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, mục tiêu của giáo dục là đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, thế nào là căn bản, sâu sắc, toàn diện giáo dục thì lại chưa có câu trả lời thỏa đáng.

“ĐB hiểu rằng muốn đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện trong giáo dục phải đi tìm trụ cột. Làm thế nào để tạo ra triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay, ĐB đề nghị cần nghiên cứu tiếp”, ĐB Thưởng nói.

Về công tác đào tạo giáo viên, chuẩn trình độ, chế độ với nhà giáo, ĐB Cao Đình Thưởng khẳng định cần phải đầu tư cho “máy cái” của giáo dục là các trường sư phạm, trong đó tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực vào đào tạo. Bên cạnh đó, cần nâng cao vị thế và chế độ ưu đãi với nhà giáo.

DB Cao Dinh Thuong: So hoc vi phu huynh muon con minh thanh… con nguoi ta!
ĐB Thưởng đề xuất lựa chọn giáo viên mầm non phải trẻ, đẹp và có sức khỏe

“Tôi cho rằng đào tạo giáo viên là hết sức quan trọng. Đại thi hào Tagore có nói: “Giáo dục một người đàn ông được một con người. Giáo dục một người phụ nữ được một gia đình nhưng giáo dục một thầy giáo được một thế hệ. Thiết nghĩ, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ về việc đào tạo giáo viên thế nào trong thời gian tới”, ĐB Thưởng trăn trở.

Riêng với cấp mầm non, ĐB cho rằng, không nhất thiết phải đào tạo 4 năm  mà có thể từ 2,5 - 3 năm. “Cần chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe để các cháu có tiếp cận học vấn ngay từ thời còn trẻ thơ”, ông Thưởng đề xuất.

Không thể bắt trẻ học để thành ông nọ, bà kia

Liên quan tới chương trình đào tạo, ĐB Cao Đình Thưởng nhận định hiện nay sách giáo khoa còn nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm. Nguyên nhân, theo ĐB Thưởng là do tư duy xây dựng chương trình “phức tạp hóa các vấn đề đơn giản”.

“Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết, học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông thì chúng ta đang hàn lâm hóa kiến thức đó. Những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp nên học sinh khó tiếp thu”, ĐB Thưởng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, ĐB tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, phụ huynh đang tạo ra áp lực nặng nề đối với trẻ. “Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào óc trẻ, việc học tập trở thành áp lực quá lớn khiến trẻ sợ học, chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình thành con người ta, giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ”.

ĐB khẳng định đây là quan niệm rất sai lầm trong giáo dục, không phát huy được năng lực, sở trường của từng trẻ: “Không thể bắt trẻ học để trở thành ông nọ, bà kia khi các cháu không đủ năng lực”.

ĐB Thưởng tiếp tục lấy dẫn chứng: đã có mấy học sinh giỏi quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn? Cần hiểu rằng trong một lớp, một trường chỉ có một em trở thành nhà văn, một em trở thành nghệ sĩ, một em là vận động viên chứ không phải là tất cả. Do đó, thay vì nhồi nhét trẻ học, hãy định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất”.

Để khắc phục những tồn tại của chương trình đào tạo, ĐB Cao Đình Thưởng đề xuất phát động một cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông để chương trình sách giáo khoa không bị hàn lâm hóa.

Ông cũng cho rằng, không nên cho phép quá nhiều bộ sách giáo khoa mà chỉ có 1 bộ và nhiều tài liệu tham khảo. Bởi nếu có quá nhiều bộ sách giáo khoa thì khó quản lý, lựa chọn, dễ khiến “loạn sách giáo khoa” gây ra hậu quả khôn lường.

Minh Quang

 
TIN MỚI