Dạy, học tiếng Anh chuyên ngành: Trò và thầy đều loay hoay

17/12/2015 - 09:52

PNO - Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 về dạy tiếng Anh chuyên ngành đã được triển khai từ 5 năm nay.

Tuy nhiên tại các Trường Đại học (ĐH) ở Huế, cả trò lẫn thầy đều gặp khó khi thực hiện đề án này.

Trường ĐH Sư phạm Huế triển khai đào tạo tiếng Anh chuyên ngành từ năm 2006. Cụ thể, với chương trình tiên tiến ngành vật lý liên kết đào tạo với ĐH Virginia (Hoa Kỳ), trường đã triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh được mười khóa (sáu khóa ra trường).

Tuy nhiên, quá trình giảng dạy đã gặp không ít vướng mắc. Nhiều giảng viên (GV) có đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không thể sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy chuyên ngành vì kỹ năng nghe hạn chế. Số lượng GV được đào tạo sau ĐH ở các nước nói tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu giảng dạy còn thấp, đồng thời, họ ít được giao giảng dạy các môn chuyên ngành vì… còn trẻ.

Day, hoc tieng Anh chuyen nganh: Tro va thay deu loay hoay
Việc dạy và học tiếng Anh chuyên ngành tại các trường thành viên ĐH Huế hiện gặp rất nhiều khó khăn

Trong khi đó, một số GV giỏi kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh, nhưng lại yếu kiến thức chuyên ngành khiến cho việc trình bày bài giảng, giáo trình không có sức cuốn hút.

Theo TS Tôn Thất Dụng, Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Huế, để sinh viên (SV) có thể học được các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa người dạy, người học. Không thể giảng dạy có chất lượng khi thầy dạy bằng tiếng Anh, người học đọc tài liệu bằng tiếng Việt.

Tại trường ĐH Sư phạm Huế, khi triển khai giảng dạy chương trình tiên tiến ngành vật lý, đội ngũ giáo viên của khoa vật lý có thể tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh không quá 40%. Phần lớn GV tham gia giảng dạy thời kỳ đầu được mời từ Mỹ, Pháp, Ý, Nhật. Mỗi năm có khoảng 8-10 GV thỉnh giảng tham gia chương trình. Đội ngũ này đã tạo nền tảng bước đầu để trường tổ chức dạy chuyên ngành ở các môn khác như toán, sinh học...

Nhiều SV dù đã được học tiếng Anh ở trường phổ thông nhưng khả năng nghe, nói rất hạn chế. Nhà trường đã hỗ trợ kinh phí để giảng dạy hỗ trợ tiếng Anh cho SV năm thứ nhất với 20 tín chỉ (300 tiết). Sau ba học kỳ bồi dưỡng bằng tiếng Anh, SV mới có thể bắt đầu nghe được bài giảng. Trường luân phiên cử 15 GV sang ĐH Virginia để nâng cao trình độ tiếng Anh và soạn bài giảng.

“Trình độ tiếng Anh của GV không chuẩn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nhiều GV dạy tiếng Anh chuyên ngành mắc lỗi phát âm, ngữ pháp, sẽ khiến người học thiếu niềm tin và mất hứng thú học tập”, TS Dụng nói.

Thực tế cũng cho thấy, việc triển khai giảng dạy tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh chuyên ngành đang gặp nhiều khó khăn, vì thời lượng dạy còn quá ít. Theo khảo sát của GV Lê Thị Thanh Chi, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế với 45 SV chuyên ngành công nghệ thông tin và 25 SV ngành vật lý Trường ĐH KH Huế, 80% SV nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của tiếng Anh chuyên ngành. Kỹ năng ngôn ngữ, nhu cầu đọc-hiểu được chú trọng nhiều nhất (65%). Tuy nhiên kỹ năng viết - kỹ năng cơ bản lại ít được đề cập, chỉ chiếm 10%.

Theo TS Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, các nhà quản lý giáo dục nên có sự ưu tiên việc bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ GV về khả năng tiếng Anh và phương pháp giảng dạy các môn bằng tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu của chương trình. Trường sư phạm nên đưa các học phần giảng dạy bằng tiếng Anh vào chương trình đào tạo và có chính sách thu hút SV tham gia...

“Trong bối cảnh hiện tại, Bộ GD-ĐT quyết định cho phép giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh vẫn là một thách thức đối với các nhà quản lý, giáo viên và SV. Để thực hiện có hiệu quả chương trình này cần có nhiều cuộc nghiên cứu toàn diện về việc dạy-học tiếng Anh”, TS Bảo Khâm nhận định.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI