Đạo diễn Lan Nguyên: “Làm phim về nhạc sĩ Trần Tiến, tôi không muốn xây tượng đài”

22/11/2020 - 10:15

PNO - Đạo diễn Lan Nguyên mất 5 năm để thực hiện bộ phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến. Trong khoảng thời gian đó, cô nhiều lần mất phương hướng, muốn bỏ cuộc.

“Không phải phim về góc khuất”

Đạo diễn Lan Nguyên và Màu cỏ úa được xem là "ca lạ", thú vị của điện ảnh Việt. Lạ ở chỗ, người làm phim - đạo diễn Lan Nguyên chưa từng học qua trường lớp đào tạo bài bản, chỉ tới lúc bắt tay vào làm mới mò mẫm học thêm. Còn nhân vật chính trên phim - nhạc sĩ Trần Tiến, đồng ý để “đám trẻ” làm bộ phim về mình chỉ vì nghe cô đạo diễn hát Tạm biệt chim én do ông sáng tác có phần ngây thơ nên "hát nghe thế thì chắc... làm phim được". Màu cỏ úa bắt đầu với những điều hồn nhiên, vô tư như thế.

Lan Nguyên (sinh năm 1990, tên thật Nguyễn Thúy Lan) từng học kiến trúc nhưng sau khi ra trường, cô xin làm phóng viên - biên tập viên truyền hình chỉ vì thích làm việc với hình ảnh, âm thanh. Nhưng hướng rẽ của cô sinh viên mới ra trường không như mơ, chỉ vài năm sau khi chuyển việc, cô thay đổi việc một lần nữa, sang làm biên tập cho các chương trình gameshow. Đây cũng là lúc dự án phim tài liệu Màu cỏ úa được bắt đầu, sau vài lần gặp gỡ nhạc sĩ Trần Tiến.

Trailer phim Màu cỏ úa:

 

 

“Tôi không được đào tạo qua trường lớp một cách bài bản, chỉ quen người làm trong lĩnh vực điện ảnh nên để thực hiện Màu cỏ úa, tôi đã loay hoay rất lâu. Nhiều lần, tôi muốn dừng lại việc làm phim và rất nhiều lần khác, tôi suy nghĩ đến những cách thể hiện khác đi nhưng sau cùng, vì vài lý do, tôi cũng đã... hoàn thành”, đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ.

Đạo diễn Lan Nguyên mất 5 năm để thực hiện phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến.
Đạo diễn Lan Nguyên mất 5 năm để thực hiện phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến

Lý do đầu tiên để Lan Nguyên hoàn thành Màu cỏ úa là khi sức khỏe của nhạc sĩ Trần Tiến có phần yếu đi trong những năm gần đây. Nữ đạo diễn muốn tác phẩm của mình như món quà tri ân tài năng, những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam từ vị nhạc sĩ mà cô yêu mến.

Động lực lớn thứ hai, là từ khi bắt đầu thực hiện Màu cỏ úa, bên cạnh Lan Nguyên luôn có những người bạn hỗ trợ về nhiều mặt. Họ sống từ Nam chí Bắc nên niềm tin yêu, giúp đỡ cũng “rải” dọc ngang dải đất hình chữ S. Vì thế Màu cỏ úa dừng lại là có lỗi.

Còn lại, Lan Nguyên nghĩ về mình, khi đã bắt đầu được thì phải hoàn thành được vì đó là công việc, cũng là đam mê.

Màu cỏ úa hoàn thành sau 5 năm chật vật, với hơn 15 đợt quay và sản phẩm hoàn thiện có độ dài 80 phút. Vậy trong phim có gì?

“Câu chuyện về cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến được nhìn ở 3 thành tố làm nên chân dung là chiến tranh, Hà Nội và biển. Trong phim, tôi biết yếu tố nào nên đưa vào và những gì cần được cất giấu. Không phải tôi không trung thực, cũng không phải nhạc sĩ can thiệp vào nội dung mà chỉ là con người của nhạc sĩ Trần Tiến như thế nào đều được ông giới thiệu qua âm nhạc.

Màu cỏ úa không phải là bộ phim khai thác về góc khuất, mà là những thước phim ghi lại khoảnh khắc đời thường, bình dị. Tôi không làm phim để dựng nên một tượng đài chỉ toàn những điều đẹp đẽ, nhưng có vài thứ nên được cất đi”, nữ đạo diễn nói thêm.

Những năm về sau, đạo diễn Trần Tiến chọn sống tại thành phố biển Vũng Tàu.
Những năm về sau, nhạc sĩ Trần Tiến chọn sống tại thành phố biển Vũng Tàu

Trong những thước phim đã được giữ lại, Lan Nguyên nói có một số ít hình ảnh của nhạc sĩ trong thời gian ông mắc bạo bệnh. Khoảng 2-3 năm trở lại, tình hình sức khỏe của nam nhạc sĩ chuyển biến xấu nên vắng dần những chuyến du ca dọc miền đất nước. Các hình ảnh bệnh tật được giữ lại để tránh sự bi thương, giữ nguyên phần hồn nhiên, vô tư, lãng du trong tâm hồn.

Chọn cách phát hành phù hợp

Theo chia sẻ từ đạo diễn Lan Nguyên, sau khi công bố thông tin về phim Màu cỏ úa, sự đón nhận của khán giả khiến toàn bộ ê-kíp bất ngờ: “Ban đầu, chúng tôi dự tính tổ chức 2 buổi ra mắt phim ở TPHCM và Hà Nội, sau đó mới tính về cách phát hành. Nhưng khi công bố dự án, rất nhiều bạn đăng ký trước để được xem phim và con số này vượt xa dự kiến ban đầu. Chúng tôi đã làm việc với đơn vị phát hành để có lịch chiếu cụ thể, mức giá ưu đãi để bộ phim tiếp cận được với đông đảo người xem”.

Màu cỏ úa không phát hành theo cách của những bộ phim thương mại, tức phủ sóng toàn bộ cụm rạp, mà chọn đặt ở một vài rạp theo khung giờ nhất định. Bộ phim ra mắt công chúng lần đầu tại TPHCM, ở rạp Dcine Bến Thành vào ngày 23/11 và ở L’Espace Hà Nội vào ngày 30/11.

Nhàc sĩ Trần Tiến nổi tiếng với những chuyến du ca.
Nhạc sĩ Trần Tiến nổi tiếng với những chuyến du ca

Màu cỏ úa không thuộc thể loại mà đại đa số khán giả sẽ yêu thích nên chúng tôi dành sự quan tâm đến việc phát hành. Phim không thể ra mắt như phim thương mại vì chắc chắn sẽ rủi ro. Căn cứ vào số lượng người đã đặt chỗ, tại TPHCM, từ 24/11, mỗi ngày sẽ có 2 suất chiếu cố định cho người xem tại rạp Dcine Bến Thành. Còn tại Hà Nội, chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể sau”, đạo diễn Lan Nguyên nói.

Từ Màu cỏ úa, Lan Nguyên dần biết được con đường, mơ ước mà bản thân muốn thực hiện trong tương lai. Cô muốn kể những câu chuyện bằng ngôn ngữ của điện ảnh một cách chân thực, gần gũi. Lan Nguyên vẫn đang say mê với chuyển động của những khung hình, âm thanh. Với điện ảnh, trong cô có sự thật thà, đam mê và đâu đó sự non trẻ hệt như hình hài của Màu cỏ úa nhưng một điều chắc chắn rằng chúng đầy ắp cảm xúc, tươi mới.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI