Đám cưới "coi trời bằng vung"

04/03/2020 - 09:26

PNO - Giữa dịch COVID-19, trong lúc nhiều đám cưới trên thế giới phải dời ngày hoặc chuyển sang các hình thức như “cưới livestream” để an toàn cho quan khách thì tại Việt Nam, có những đám cưới và người dự cưới quái dị đến khó tin.

Đốt pháo trên đường để mừng đám cưới ở Phù Lỗ, Sóc Sơn, TP. Hà Nội

Một đoạn clip quay cận cảnh dây pháo cưới dài hàng chục mét, sắp vòng vèo 4 lớp trên vỉa hè, trước cổng căn biệt thự kết hoa. Đôi dây pháo hồng còn giăng mắc dọc theo lối vào khán đài, suốt chiều dài khung rạp khổng lồ. Sau khi khai hoả, pháo nổ đanh đách ngay bên quốc lộ xe hơi chạy sát rạt. Trong rạp, pháo bắn tia lửa toé loé phía trên các cô gái áo dài lượt thượt.

Đám cưới ngang nhiên đốt pháo giữa Hà Nội, ngay bên đường quốc lộ với người xe qua lại
Đám cưới ngang nhiên đốt pháo giữa Hà Nội, ngay bên đường quốc lộ với người xe qua lại

Mới xem, nhiều người nghĩ đó là cảnh phim ảnh thế kỷ trước, khi chuyện đốt pháo đám cưới là bình thường, không phải phạm pháp. Tới khi xem ngày giờ cưới và họ tên cô dâu chú rể, người ta mới té ngửa. Đám cưới thách thức thiên hạ ấy ở ngay Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội chứ đâu xa.

“Con ông to bà lớn nào cưới mà ngang nhiên đốt pháo vậy?”, “Có gì hay ho mà người đốt pháo vui đến vậy?”, nhiều tiếng cảm thán bật ra khi xem cái clip có cả hình bắn pháo hoa đì đoàng.

Nhà nước ta cấm pháo lâu lắm rồi. Và vì sao phải cấm pháo thì ai cũng biết. Đốt pháo không chỉ là thú đốt tiền, những quả pháo cối, những tép pháo nhỏ đều mang chất gây nổ có sức công phá lủng tường, lủng đất. Pháo từng làm cháy tóc, mất tai, mù mắt, cụt tay chân, hỏng hóc bộ phận sinh dục... làm tàn tật bao người. Vậy mà, giữa thanh thiên bạch nhật, người ta vô tư đốt pháo, vô tư quay clip và khoe trên mạng xã hội.

Có thể mức phạt 1 tới 2 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ và sử dụng pháo chẳng thấm gì so với của nả nhà giàu, thậm chí chỉ tương đương một chiếc phong bì mừng cưới, nên chủ tiệc mới có thái độ bất chấp đến vậy. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là suốt thời gian pháo nổ (không hề ngắn), chẳng có bóng  dáng công an khu vực hay tổ dân phố xuất hiện. Chỉ khi thông tin ồn ào trên mạng xã hội, chính quyền mới cho biết sẽ cử người xác minh.

Cách Hà Nội không xa, một đám cưới khác ở phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) cũng rộn ràng trên các diễn đàn khi gia chủ chiếm dụng cây cầu dây văng cũ kỹ để dựng rạp, chuẩn bị tiệc. Không rõ gia chủ có biết, từng có những chiếc cầu vững chãi cũng bị sập khi quá đông người cùng lúc lên cầu hay không? Hay chỉ thấy đám cưới khác lấn chiếm được lòng đường, lòng hẻm, thì mình “chơi sang”, lấn luôn lòng cầu cho ấn tượng? Và cũng thật ngạc nhiên khi chính quyền chỉ biết về rạp cưới này sau khi thông tin về rạp cưới trên cầu đã ngập tràn mạng xã hội.

Đám cưới ở Bắc Kạn chiếm trọn cây cầu dây văng làm “hôn trường”

Cưới trên trời, cưới dưới đáy biển, cưới trên băng trắng, cưới kiểu xác sống ma quái hay rợp trời đèn hoa lộng lẫy ngôn tình... kể cả làm đám cưới với tấm hình, với tấm chăn hay với con búp bê... thế gian này đều đã có. Truyền thông nước nhà cũng từng lên đồng theo những đám cưới ồn ào của chàng cầu thủ cưới vợ ở sân bóng, cô ca sĩ lấy chồng cưới xa hoa ở đảo, anh nhà giàu mang đội siêu xe rầm rầm đi rước dâu... Chuyện cưới xin vốn là chuyện của cá nhân và gia đình. Tổ chức hôn lễ rầm rộ để lưu kỷ niệm ấn tượng hay giản đơn ấm cúng tuỳ thuộc vào quan điểm và văn hoá và điều kiện của người trong cuộc, nhưng vi phạm pháp luật trong tổ chức cưới xin, đưa khách khứa vào buổi tiệc nguy hiểm, thì lại là chuyện không thể tuỳ tiện.

Cũng chỉ vì chuyện đám cưới mà Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa bị phê bình do lỏng lẻo việc chống dịch COVID-19 khi để cô N.T.H.D., là du học sinh đi từ vùng dịch về Việt Nam đang trong quá trình cách ly, trốn ra dự đám cưới của người quen vào ngày 1/3 tại một khách sạn trong thành phố. Người ra vào bữa tiệc cưới có cô D. từ nay chắc sẽ có nhiều ngày đắng miệng, nhiều đêm không ngủ vì lo lắng.

Văn bản kêu gọi không tổ chức tiệc cưới để hạn chế lây lan Covid -19 của tỉnh Quảnh Ninh
Văn bản kêu gọi không tổ chức tiệc cưới để hạn chế lây lan COVID-19 của tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh vừa phải ra văn bản khuyến nghị các đám cưới chưa tổ chức nên thay đổi thời gian và hình thức. Với đám cưới đã ấn định ngày, ngành văn hoá cùng địa phương sẽ vận động tổ chức gọn trong gia đình, dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời lễ cưới, tiệc cưới, hạn chế việc tập trung đông người, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Đám cưới là hỷ sự gia đình, nhưng vui kiểu bất chấp thì không được đâu!

Thái Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hạnh 04-03-2020 13:28:43

    Tội nghiệp cho chính quyền trăm công nghìn việc, không đủ nhân lực, vật lực để kiểm tra kiểm soát theo sát tình hình dân tình địa phương nên mới xảy ra những trường hợp dân biết nhưng chính quyền chưa biết là vậy! Khổ lắm nói mãi...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI