Đắk Lắk thêm 4 người bị bạch hầu, bác sĩ TPHCM lên Tây Nguyên ứng cứu

16/07/2020 - 17:37

PNO - Chiều 16/7, Đắk Lắk lại ghi nhận thêm 4 ca dương tính với bạch hầu, cùng lúc, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi Đồng 2 (TPHCM) lên Kon Tum hỗ trợ điều trị dịch bệnh lan rộng.

Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar đang điều trị cho các trường hợp dương tính với bạch hầu
Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar điều trị cho các trường hợp dương tính với bạch hầu

Chiều 16/7, bác sĩ Bùi Nam Ơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk - cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

4 trường hợp này gồm: H’M., 33 tuổi, H’D., 12 tuổi, Y Kh. và Y Q. đều 10 tuổi (cùng trú tại buôn Trắp, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar). Các ca bệnh này là người thân bên nội của bệnh nhân Y K. (4 tuổi, trú tại buôn Bling, xã Cư M’gar) đã có kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu trước đó.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Cư M’gar đã ghi nhận tổng cộng 6 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, nâng tổng ca mắc bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk lên 16 người.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar đã nhanh chóng chỉ đạo ngành Y tế huyện phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, tránh tình trạng lây lan ra cộng đồng.

Các chốt chặn kiểm soát người ra vào khu vực có người dương tính với bạch hầu hoạt động 24/24
Các chốt chặn kiểm soát người ra vào khu vực có ca dương tính với bạch hầu hoạt động 24/24

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế đã chỉ đạo bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng 2 chuyên gia cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), chia làm 2 đội do bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy làm trưởng đoàn, đến tỉnh Kon Tum để hỗ trợ kỹ thuật điều trị, tầm soát bệnh.

Tại Kon Tum, bác sĩ Thức nhận được đề nghị hỗ trợ y khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum giúp chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân trong vụ tai nạn xe rơi xuống vực sâu tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Sau khi bàn bạc, đoàn bác sĩ thống nhất điều trị cho các nạn nhân này trước.

hận được đề nghị hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông, đoàn bác sĩ đã quyết định cứu người trước.
Đoàn bác sĩ đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Bác sĩ CKII Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng có mặt trong đoàn công tác lên Kon Tum - cho biết: “Các nạn nhân cùng bị tai nạn trên một chuyến xe nên cơ chế chấn thương giống nhau. Đa số nạn nhân bị chấn thương ngực, gãy xương sườn và chảy máu màng phổi cần phải phẫu thuật xử lý. Sau khi phẫu thuật xong, các phẫu thuật viên sẽ tiếp tục theo dõi ca bệnh, lập hồ sơ tiến hành hội chẩn từ xa. Trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ trực tiếp lên Kon Tum để hỗ trợ thêm".

Do điều trị cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông nên đoàn bác sĩ TPHCM quyết định chia thành 2 nhóm. Nhóm 1, gồm bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, khoa Ngoại Thần kinh và Ngoại Lồng ngực ở lại để trực tiếp phẫu thuật, điều trị cho các nạn nhân. Nhóm 2, gồm các bác sĩ khoa Hồi sức Cấp cứu sẽ cùng bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kon Tum khảo sát, đánh giá và trao đổi các phương án dự phòng gia tăng lượng bệnh nhân bạch hầu nặng nhập viện.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.

Các bác sĩ còn lại, gồm bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ cùng các chuyên gia cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã đến huyện Đắk Tô, Kon Tum, phối hợp với trung tâm y tế huyện đi thực tế tại huyện Đắk Tô.

Trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, huyện Đắk Tô cũng sàng lọc 200 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính bạch hầu, phát hiện 3 trường hợp người lành mang trùng nên đã cách ly điều trị. Hiện 8 người mắc bệnh đang trong tình trạng sức khỏe ổn định, không biến chứng.

Bên cạnh việc phát hiện, sàng lọc, cách ly, khoanh vùng dập dịch ngay tại các thôn, phun thuốc khử trùng tại các khu có ca bệnh dương tính, đoàn bác sĩ cũng có chương trình tiêm chủng bạch hầu cho các đối tượng nguy cơ và các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng…

Đoàn cũng đóng góp ý kiến trong việc sử dụng thuốc, một số xét nghiệm nhằm phát hiện chẩn đoán sớm, xây dựng các kế hoạch dự phòng trong tình huống gia tăng số lượng bệnh nhân, cũng như mức độ nặng của bệnh nhân mắc bạch hầu.

Văn Nguyên - Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI