Đại biểu Quốc hội quan tâm về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau thiên tai, dịch bệnh

28/07/2021 - 06:40

PNO - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần có chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau bão lũ và dịch bệnh.

 

Tình trạng bão lũ, sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở khu vực miền Trung, Việt Nam
Tình trạng bão lũ, sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở khu vực miền Trung, Việt Nam

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV, sáng 27/7, thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu (ĐB) Lê Xuân Thân (tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, Việt Nam cần có chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau bão lũ và dịch bệnh. Theo ông, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ hằng năm, việc cứu trợ hay sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai không đủ khắc phục ngay được những hậu quả nặng nề của thiên tai. 

ĐBQH Âu Thị Mai (tỉnh Tuyên Quang) đánh giá cao công tác giảm nghèo trong thời gian qua nhưng cho rằng, kết quả chưa thực sự bền vững. Tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai.

Bà nhất trí cao chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2026 của QH. Riêng với công tác khắc phục những khó khăn do thiên tai gây ra, bà đề nghị cần tiếp tục dành nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thiện các công trình dự báo, cảnh báo, phòng và chống thiên tai, sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân khỏi vùng nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Bà đề nghị, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái đầu nguồn, bà đề nghị, cần có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân sống được bằng nghề rừng và làm giàu từ rừng.

Về biện pháp để giảm nghèo bền vững, ĐBQH Trần Thị Vân (tỉnh Bắc Ninh) khẳng định, “chìa khóa” để chương trình thành công là xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng ở khu vực nông thôn: “Chất lượng nguồn lao động ở nông thôn còn thấp, lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 24,5%, trong khi với yêu cầu hội nhập sâu, rộng như hiện nay, nông dân phải vừa sản xuất, vừa tiếp thị, vừa hạch toán và quản lý. Do vậy, cần phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ, cập nhật các kiến thức về pháp luật, quản lý, quản trị để nông dân Việt Nam thực sự là người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp”. 

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (tỉnh Lào Cai) cũng đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn linh hoạt cho nguồn nhân lực ở nông thôn về thị trường, hội nhập quốc tế và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó cải thiện chất lượng và đầu ra nông sản, tăng thu nhập cho người dân. 

Minh Quang

 
TIN MỚI