Đại biểu Quốc hội có nên cầm giấy thảo luận tại nghị trường?

28/05/2025 - 16:38

PNO - Nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu Quốc hội không nên cầm giấy khi thảo luận trên nghị trường, song đại biểu Nguyễn Anh Trí lại đưa ra một góc nhìn khác.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm về việc đại biểu cầm giấy khi phát biểu tại nghị trường Quốc hội - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm về việc đại biểu cầm giấy khi phát biểu tại nghị trường Quốc hội - ảnh: Media Quốc hội

Chiều 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, thời gian qua, việc đại biểu Quốc hội cầm giấy phát biểu tạo ra sự thu hút, chú ý trong hội trường, ngoài xã hội và cả trên mạng xã hội.

"Việc đọc các nội dung không phải do mình soạn ra, do ai nhờ đọc hộ và trùng lặp, viết sai là không nên. Còn cầm giấy đọc bài phát biểu do mình chuẩn bị kỹ, đúng trọng tâm, có cân nhắc ngôn từ, đảm bảo thời gian cho phép thì rất tốt" - ông nói.

Đại biểu khẳng định nên khuyến khích phát biểu không cầm giấy đọc, bản thân ông cũng ngưỡng mộ những người có thể làm như vậy. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, trước khi phát biểu, đại biểu thường chuẩn bị kỹ và đọc khi phát biểu là một cách để làm chủ cảm xúc, đảm bảo thời gian.

Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, việc phát biểu nội dung do mình chuẩn bị chu đáo, sâu sắc với thời lượng phù hợp, tôn trọng ĐBQH, tôn trọng Quốc hội, tôn trọng cử tri thì phát biểu bằng cách đọc hoặc không cầm giấy đọc đều được.

Đại biểu Thạch Phước Bình
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cấm đại biểu dùng trang phục, phụ kiện có logo của doanh nghiệp - ảnh: Media Quốc hội

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) kiến nghị bổ sung các hành vi bị cấm tại nghị trường. Trong đó, kiến nghị cấm sử dụng trang phục, phụ kiện có logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hoặc biểu tượng cá nhân dễ gây hiểu nhầm về lợi ích đại diện.

Một số hành vi khác được ông nêu lên gồm: cấm ghi hình, ghi âm, phát trực tiếp phiên họp khi chưa được phép của Chủ tọa kỳ họp và Văn phòng Quốc hội; cấm rời hội trường khi đang họp mà không có lý do chính đáng, đặc biệt khi đang thảo luận hoặc biểu quyết; cấm phát biểu công kích cá nhân, dùng ngôn ngữ mỉa mai, xúc phạm hoặc xuyên tạc nội dung thảo luận, gây rối trật tự hoặc làm nhiễu loạn thông tin; cấm sử dụng thời gian phát biểu không đúng trọng tâm nghị sự, hoặc lặp lại nội dung đã trình bày nhiều lần.

Theo ông, các quy định cấm này sẽ tạo ra sự đồng bộ với Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 23, Điều 35) và các luật về phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, nhấn mạnh vai trò gương mẫu, trung thực, minh bạch trong hành vi công vụ.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng phản ánh thực tế nhiều năm qua, việc gửi các tài liệu của Kỳ họp tới đại biểu Quốc hội thường rất sát ngày làm việc, thảo luận. Từ đó làm ảnh hưởng tới công tác nghiên cứu, phản biện của đại biểu, giảm tính minh bạch, hiệu quả của nghị trường.

Do đó, ông kiến nghị quy định bắt buộc tài liệu phục vụ kỳ họp phải gửi đại biểu ít nhất 5 ngày làm việc trước phiên thảo luận chính thức. Riêng dự thảo luật, nghị quyết phải gửi ít nhất 7 ngày làm việc. Trường hợp đặc biệt do yếu tố khách quan, phải có văn bản thông báo lý do cụ thể, và được Chủ tịch Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Giải trình ý kiến ĐBQH, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng tiếp thu kiến nghị về tiến độ gửi hồ sơ tài liệu đến đại biểu Quốc hội để đảm bảo thời gian nghiên cứu kỹ trước khi phát biểu ý kiến góp ý. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp, và khắc phục triệt để việc gửi chậm tài liệu cho đại biểu.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI