Đã hoạt động 'chui', còn gây ô nhiễm

25/04/2015 - 07:36

PNO - PN - Trong vòng bán kính chưa đầy 1km nhưng lại tập trung hàng loạt cơ sở sản xuất phân bón, các lò nấu nhôm, đồng, tẩy rửa dầu gốc từ cặn sơn phế liệu hoạt động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều cơ sở trong số này...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chây ì

Do địa bàn còn thưa thớt dân cư, lại giáp với nông trường Lê Minh Xuân nên khu vực ấp 5, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM trở thành “bãi đáp” của nhiều cơ sở gây ô nhiễm bị cấm hoạt động trong nội thành. Điểm chung của các cơ sở này là không có bảng hiệu, được che chắn kín đáo từ bên ngoài hoặc nằm sâu trong những cánh rừng tràm, vườn chuối, người lạ mới đến ít ai biết được bên trong họ sản xuất và làm những gì.

Tiếp cận một cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nằm ngay mặt tiền đường Trần Đại Nghĩa được vây tạm bợ bằng những tấm tôn, dù đứng cách xa cả chục mét nhưng chúng tôi cũng bị dội ngược bởi mùi hôi thối đến lợm người. Dẫn chúng tôi đến hầm chứa nước thải của cơ sở này, một người dân bịt chặt mũi, cho biết, mùi hôi xuất phát từ đây, bao nhiêu cặn bã, xương xẩu, vỏ sò ốc sau khi xử lý nước thải sẽ cho xuống hầm, gặp nắng gắt bốc mùi chịu không nổi. Nhìn lớp bọt đen và rác nổi lềnh bềnh, chúng tôi phát nôn. Chưa hết, lông gia súc từ cơ sở này theo gió bay tứ tung, ngay dưới chân chúng tôi cũng là một lớp lông gia súc dày cộm.

Bà Diệp Thị Xà Quên - người được thuê giữ mảnh vườn bên cạnh, lắc đầu cho biết, bà sống ở đây hơn một năm, thường xuyên bị đau đầu, viêm mũi vì ngửi mùi hôi thối, nhất là khi cơ sở xả lò thì mùi thối còn bốc lên kinh khủng. Do ảnh hưởng mùi hôi từ cơ sở này mà một số mảnh vườn xung quanh chủ đất không thể cho thuê hoặc xây xưởng làm ăn, vì khách đến ai cũng lắc đầu, bịt mũi, ông G. - một chủ đất cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là cơ sở gia công, mua bán, sản xuất thức ăn gia súc, cá của bà L.T.T.Ng. hoạt động từ năm 2013, đã nhiều lần bị UBND H.Bình Chánh xử phạt vì hành vi xả nước thải, thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, ngày 18/12/2013, cơ sở này bị UBND huyện ra quyết định xử phạt với số tiền 12,5 triệu đồng vì các hành vi trên kèm theo yêu cầu buộc chủ cơ sở phải chấm dứt vi phạm và xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

Thế nhưng đến ngày 17/11/2014, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra lại thì cơ sở này vẫn tiếp tục vi phạm và bị UBND H.Bình Chánh ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 21,2 triệu đồng vì áp dụng các tình tiết tăng nặng. Thế nhưng, từ ngày 3/4 đến nay, chúng tôi ghi nhận cơ sở này vẫn hoạt động bình thường, nước thải cứ vô tư xả xuống hầm.

Da hoat dong 'chui', con gay o nhiem

Xỉ nhôm còn thừa bốc mùi nồng nặc tại một cơ sở nấu nhôm “chui”

Da hoat dong 'chui', con gay o nhiem

Hầm chứa nước thải có mùi kinh khủng phía sau cơ sở sản xuất phân bón của bà L.T.T.Ng.

Sẽ cưỡng chế các cơ sở hoạt động “chui”

Cách cơ sở của bà Ng. không xa là cơ sở nấu nhôm phế liệu của bà N.T.H. (tổ 7, ấp 5) không có giấy đăng ký kinh doanh theo quy định nhưng vẫn hoạt động hơn một năm qua. Mỗi lần lò nấu nhôm hoạt động, mùi hôi khét tỏa khắp nơi, chỉ đứng gần đó 15 phút mà chúng tôi đã thấy khó chịu, đau đầu. Cơ sở của bà H. cũng bị UBND huyện xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì không có giấy phép kinh doanh vào đầu năm 2015.

Tương tự, cơ sở nấu nhôm phế liệu của ông L.C.M. cũng hoạt động “chui” hơn một năm qua và ngày 11/2/2015 đã bị UBND huyện xử phạt cùng hành vi như trên.

Chưa hết, ngày 3/2/2015, một cơ sở sản xuất “chui” khác chuyên tẩy rửa dầu gốc từ cặn sơn phế liệu của ông Đ.Đ.T. cũng bị UBND huyện xử phạt về hành vi không có giấy phép đăng ký kinh doanh với số tiền 7,5 triệu đồng.

Ông Trần Quang Sang - Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân, cho biết những cơ sở kể trên đều từ nội thành chuyển ra, lợi dụng khu vực dân cư thưa thớt để hoạt động, hầu hết gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, một số ngành nghề phát sinh khí thải làm ảnh hưởng sức khỏe người dân như nấu nhôm phế liệu.

Không chỉ người dân mà cả chính quyền địa phương cũng bức xúc. Do mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không tuân thủ quy định và tiếp tục tái diễn vi phạm nên mới đây ngày 25/3/2015, UBND xã Lê Minh Xuân đã có văn bản gửi Công ty điện lực Bình Chánh đề nghị ngưng cung cấp điện và thu hồi đồng hồ điện đối với cơ sở của bà L.T.T.Ng., song song việc cắt điện là sẽ buộc chủ cơ sở di dời đi nơi khác.

“Tuy khu vực ấp 5 dân cư ít nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý nhằm đảm bảo tiêu chí môi trường cho xã nông thôn mới. Sắp tới, những cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh sẽ bị xã đưa vào danh sách cưỡng chế, buộc di dời. Ngoài ra, theo quy hoạch, đây là khu dân cư đang được chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 nên chắc chắn các cơ sở này không được tồn tại”, ông Sang khẳng định.

 HỒNG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI