Đã đến lúc phải luật hóa hành vi quấy rối tình dục

05/04/2019 - 10:00

PNO - Những vụ việc xâm hại, quấy rồi tình dục đối với phụ nữ và trẻ em đã gióng lên hồi chuông rằng, pháp luật Việt Nam hiện hành đang có một lỗ hổng rất lớn đối với vấn nạn quấy rối tình dục.

Thực trạng thời gian qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em khiến dư luận hết sức phẫn nộ, đáng chú ý như vụ nam ca sĩ khá nổi tiếng quấy rối tình dục một nữ đồng nghiệp, nhưng vụ việc chỉ khép lại bằng một lời xin lỗi; vụ bé gái ở Chương Mỹ - Hà Nội có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng nhưng kẻ dâm ô vẫn được cho tại ngoại; vụ một phụ nữ bị “cưỡng hôn” trong thang máy tại quận Thanh Xuân, Hà Nội nhưng đối tượng chỉ bị xử phạt 200.000đ theo khoản 1, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; và mới đây là vụ việc một người đàn ông có hành vi dâm ô với bé gái 7 tuổi trong thang máy tại chung cư ở quận 4, TP.HCM… Những vụ việc ấy gióng lên hồi chuông rằng, pháp luật Việt Nam hiện hành đang có một lỗ hổng rất lớn đối với vấn nạn quấy rối tình dục.

Da den luc phai luat hoa hanh vi quay roi tinh duc
Nạn nhân một "nghi án" dâm ô với trẻ em đã được cơ quan điều tra công an quận 12 xếp lại vì không đủ chứng cứ khởi tố.

Cho đến nay, cụm từ "quấy rối tình dục" chỉ mới xuất hiện trong Bộ luật Lao động năm 2012, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại nơi làm việc. Trong khi qua thực tiễn của xã hội, hành vi quấy rối tình dục đang diễn ra ngày càng nhiều dưới nhiều hình thức, cấp độ và diễn ra bất cứ nơi nào chứ không chỉ riêng ở nơi làm việc. Đối tượng bị xâm hại chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy, phiền toái, đôi khi là hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, việc làm, sinh hoạt... của người bị xâm hại, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy đã đến lúc hành vi quấy rối tình dục cần khẩn trương được luật hóa cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Trên thực tế, Bộ luật Hình sự, dù đã trải qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, nhưng vẫn chưa quy định hành vi quấy rối tình dục là tội phạm; điều đó thể hiện những bất cập của pháp luật hiện hành, trở thành kẽ hở khiến cho hành vi quấy rối tình dục không có cơ sở để xử lý một cách nghiêm minh, mang tính răn đe đối với cộng đồng xã hội. Trong quá trình góp ý sửa đổi luật, các cấp Hội đã có rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến vấn nạn quấy rối tình dục nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan lập pháp, khiến cho vấn đề này đến nay còn bị bỏ ngỏ.

Vì vậy, Hội LHPN TP.HCM đề nghị Quốc hội cần bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2019, bổ sung chỉnh sửa Bộ luật hình sự, Nghị định 167/2013. có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp "quấy rối tình dục".

Đồng thời, Hội cũng mong cộng đồng thể hiện sự quan tâm đúng mực đối với những nạn nhân của các vụ việc xâm hại, quấy rối tình dục, tránh tạo cho họ tâm lý sợ hãi vì bị dư luận soi mói, đàm tiếu sau khi sự việc được phơi bày ra ánh sáng, làm xáo trộn cuộc sống của chính các nạn nhân và gia đình họ.

Ngay từ hôm nay, an toàn cho phụ nữ và trẻ em cần được thực hiện bằng kỷ cương của pháp luật, bằng sự nỗ lực, chung tay với ý thức, trách nhiệm cao nhất của tất cả cơ quan, ban ngành, của từng gia đình và của cả cộng đồng; để “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” không chỉ là chủ đề thực hiện trong năm 2019 mà sẽ được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, để đó không chỉ là lời kêu gọi suông mà phải trở thành những hành động thật cụ thể và quyết liệt! 

Trần Thị Huyền Thanh 
Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI