Cuối năm, bác sĩ vẫn kịp thực hiện ca mổ cứu thai nhi bị bướu chèn đường thở

30/01/2019 - 14:29

PNO - Dù đã là những ngày cuối của năm cũ nhưng các bác sĩ chuyên khoa sản và nhi của hai bệnh viện lớn vẫn chạy đua với thời gian để cứu sống thai nhi bị bướu chẹn ngang đường thở.

Người mẹ 27 tuổi ở tỉnh Đắk Nông phát hiện thai nhi ở tuần tuổi 24,5 có khối bướu bạch huyết to ở vùng cổ và dưới cằm. Người mẹ (là một điều dưỡng) đã quyết định nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ để giữ thai nhi lại vì đây là đứa con đầu tiên của chị.

Cuoi nam, bac si van kip thuc hien ca mo cuu thai nhi bi buou chen duong tho
Ê kíp bác sĩ sản và nhi phải chạy đua với thời gian để giải cứu thai nhi bị bướu chèn đường thở (Ảnh: BV Từ Dũ)

Kết quả siêu âm vào thời điểm 19 ngày trước ca mổ cho thấy khối bướu từ vùng cổ lan lên dưới lưỡi, lan qua vùng gò má trái đến dưới mắt. Khối bướu bạch huyết này quá lớn đã bít kín đường thở, đẩy lưỡi em bé ra khỏi miệng, bít kín thực quản.

Để cứu thai nhi có khối bướu bạch huyết rất to, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) quyết định áp dụng kỹ thuật  EXIT trong ca mổ bắt con vào ngày 29/1.EXIT được hiểu nôm na là kỹ thuật can thiệp bào thai trong khi sinh. 

Cuoi nam, bac si van kip thuc hien ca mo cuu thai nhi bi buou chen duong tho
Em bé được nằm ở tư thế nửa trong nửa ngoài bụng mẹ để giúp nhau thai không bong ra trong khi các bác sĩ đặt ống nội khí quản cho bé (Ảnh: BV Từ Dũ)

Sau khi bác sĩ sản khoa phẫu thuật đưa em bé ra ngoài, dây rốn vẫn giữ nguyên giữa em bé và mẹ. Phần đầu em bé nằm bên ngoài nhưng phần dưới vẫn nằm trong bụng mẹ để tránh tử cung co bóp dẫn đến bong nhau thai. 

Bác sĩ Phan Thanh Bình – Phó Trưởng khoa điều hành Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết tư thế nửa trong bụng mẹ, nửa bên ngoài này đã giúp các bác sĩ sản và bác sĩ nhi có đủ thời gian thao tác đặt ống thở cho bé. Nếu sinh trong tư thế bình thường, cắt rốn ngay khi được mổ bắt con từ bụng mẹ, em bé sẽ tử vong ngay lập tức do không còn oxy cung cấp cho em bé vì lúc này đường thở bị bít kín do khối bướu. Trong bụng mẹ, thai nhi được cung cấp oxy qua dây rốn. Nhưng nếu cắt dây rốn, em bé phải được làm thông đường thở.

Cuoi nam, bac si van kip thuc hien ca mo cuu thai nhi bi buou chen duong tho
Chỉ mất 2,5 phút để bác sĩ nhi đặt ống nội khí quản cho em bé (Ảnh: BV Từ Dũ)

Vì thế để cung cấp oxy cho em bé, cần có bác sĩ chuyên khoa nhi thực hiện đặt ống nội khí quản cho em bé. Chỉ mất 2,5 phút để bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện thành công đặt ống nội khí quản trên em bé sơ sinh có khối bướu bạch huyết rất to. 

Sự phối hợp thành công giữa bác sĩ chuyên khoa sản và nhi đã cứu sống em bé. Những trường hợp thai nhi có khối bướu to chèn ép đường thở trước đây có nguy cơ tử vong rất lớn sau sinh. Việc đặt ống nội khí quản trong thời gian ngắn đã giúp cho người mẹ không phải mất quá nhiều máu, chỉ mất 600 ml so với dự kiến là đến 1.000 ml máu.

Cuoi nam, bac si van kip thuc hien ca mo cuu thai nhi bi buou chen duong tho
Bé trai được giải cứu thành công (Ảnh: BV Từ Dũ)

Khối bướu bạch huyết của bé trai sau khi chào đời được ước lượng có kích thước khoảng 12x12 cm. Theo bác sĩ Phan Thanh Bình, đây là lần đầu tiên ông mổ bắt con cho thai nhi có khối bướu bạch huyết to chèn ép đường thở. Những trường hợp u bạch huyết lớn chèn ép đường thở có thể khiến em bé tử vong khi vừa sinh xong. Nếu không có kỹ thuật EXIT, khuyến cáo thông thường là hủy thai. 

Em bé sau khi chào đời đã được đưa sang Bệnh viện Nhi đồng 1 để được điều trị bướu bạch huyết.

Kỹ thuật EXIT can thiệp bào thai khi chuyển dạ sinh, được áp dụng thành công ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha từ năm 2013. Kỹ thuật EXIT được áp dụng thành công sẽ giữ lại được nhiều thai nhi bị một số dị tật. Sau khi sinh, các bác sĩ sẽ sửa chữa dị tật cho các bé và có thể các bé sẽ phát triển như bình thường sau này.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI