Cùng nhau, sẽ không suy tàn

16/05/2021 - 06:48

PNO - Không phải không có sự lựa chọn khác nhưng họ gác lại tất cả, cả ngày vui trăm năm, như một cách góp sức, cùng nhau. “Nhau” ở đây là tất cả, người thân thuộc lẫn người không quen biết, mang tên cộng đồng.

Cô bạn tôi gửi cho cả nhóm tấm ảnh, viết: “Mình ứa nước mắt!”. Trong ảnh, một số người mặc y phục bảo hộ, ngồi trên một chiếc xe lôi cũ kỹ, tồi tàn. Họ là y, bác sĩ của Trạm y tế xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Khi hai ca COVID-19 cộng đồng xuất hiện tại thôn Yên Lạc, cách trạm 1km, họ vội vã lên đường, bằng bất kỳ phương tiện nào có thể, miễn nhanh hơn chạy bộ. 

Cũng không còn mới nữa hình ảnh lực lượng y tế đuối sức, chợp mắt vội trên những chiếc ghế xếp tạm xiêu vẹo, như các y, bác sĩ của Yên Bái những ngày này. Không mới nhưng thật khó để không rơi nước mắt trước hình ảnh đó. Chúng ta đã đi qua ba đợt dịch, mỗi đợt là một lần kéo rút sức lực, một lần đội ngũ y tế lại lao đi, bất kể nắng - mưa, đêm - ngày.  

Đám cưới của Đỗ Thùy Nguyên (25 tuổi)  và Lê Nguyễn Anh Kiệt (24 tuổi) ở TP.Đồng Xoài, Bình Phước được ấn định vào ngày 7/5/2021 nhưng cặp đôi quyết định tạm hoãn
Đám cưới của Đỗ Thùy Nguyên (25 tuổi) và Lê Nguyễn Anh Kiệt (24 tuổi) ở TP. Đồng Xoài, Bình Phước được ấn định vào ngày 7/5/2021 nhưng cặp đôi quyết định tạm hoãn

Lần này, vi-rút này đã chọc thủng thành trì kiên cố nhất: những bệnh viện tuyến đầu. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai… - lá chắn cuối cùng của hệ thống y tế - đã có bóng dáng COVID-19, bằng sự tấn công đồng bộ, loang dần.

Có người vừa mới thao tác trong bộ trang phục bảo hộ, ít phút sau đã trở thành F1, F2. Rồi cách ly. Danh sách các y, bác sĩ phải cách ly dài dần. Nhưng, không có lời than thở nào từ các cơ sở y tế đó. Tất cả đều là: yên tâm, chúng tôi ổn. Thậm chí, họ vẫn làm công việc của nhân viên y tế ở mức độ an toàn nhất có thể.

Chúng ta quan sát thành trì y tế bị chọc thủng từ bên ngoài, còn họ, chiến đấu bịt lỗ thủng từ bên trong, mỗi phút mỗi giây. Kể cả Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi vẫn vững vàng đến thời điểm hiện tại, mỗi y, bác sĩ cũng đã soạn cho mình một vali quần áo và đồ dùng thiết yếu, sẵn sàng cho việc mình trở thành F1, F2 của bệnh nhân bất cứ lúc nào. 

Mỗi ngày, cuộc sống đều dành cho chúng ta nhiều hơn một sự lựa chọn nhưng chọn vì tất cả mà không phải bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, như câu chuyện chúng ta đã biết, người bác sĩ trung niên nọ nói với đồng nghiệp trẻ: “Để công đoạn đặt nội khí quản bệnh nhân COVID-19 cho tôi làm. Cậu còn trẻ, cuộc đời còn dài…”. Đặt nội khí quản là công đoạn dễ bị phơi nhiễm nhất. 

COVID-19 vẫn là nỗi khiếp đảm nhưng chúng ta đã lớn hơn nhiều so với ngày đầu nó xuất hiện. Đủ để vẫn vững vàng trước sức tàn phá khó lường của vi-rút và đủ để hiểu một điều cốt lõi: cùng nhau, chúng ta sẽ không suy tàn.

Nhiều đôi trẻ, ngay khi ca cộng đồng vừa tái xuất hiện, chưa cần biết sẽ giãn cách xã hội hay không hoặc giãn cách ở mức độ nào, đã chủ động hoãn ngày thành hôn dù tiệc đã đặt, thiệp mời đã gửi. Có đôi, đây là lần hoãn thứ hai, thứ ba. 

Dẫu chưa biết khi nào COVID-19 sẽ bị đẩy lùi nhưng ngay lúc này,  chỉ cần mỗi người từ bỏ nhu cầu cá nhân một chút cũng là  góp thêm sức mạnh để tất cả cùng vượt qua - Ảnh: Duy Hiệu
Dẫu chưa biết khi nào COVID-19 sẽ bị đẩy lùi nhưng ngay lúc này, chỉ cần mỗi người từ bỏ nhu cầu cá nhân một chút cũng là góp thêm sức mạnh để tất cả cùng vượt qua - Ảnh: Duy Hiệu

Một gia đình ở Hà Tĩnh chuẩn bị 85 mâm cỗ để tổ chức đám cưới cho con trai nhưng phút chót đã hoãn lại. Toàn bộ số cỗ trên được bà con lối xóm “giải cứu” mua lại như một minh chứng về tình người trong mùa dịch. Họ không cần ai kêu gọi nữa, không đắn đo thiệt hơn nữa, mà ngay tức khắc quyết định, như thể có một công tắc đã bật sẵn, mang tên “cùng nhau”.

Là cùng giảm tải cho lực lượng y tế bằng cách gác lại niềm vui riêng; là gom góp, kêu gọi nhau gửi những vật dụng y tế, bữa cơm, ly nước đủ dinh dưỡng tiếp sức cho những người tuyến đầu; là dặn nhau cùng đeo khẩu trang dù đi xa hay gần. Ở đó, ở đây, nơi kia, nơi này… những chiếc công tắc bật sẵn hiện diện khắp nơi. 

Chồng tôi đi công tác nước ngoài và anh “kẹt” lại; đã hơn một năm anh không gặp con mình, chia sẻ buồn vui vợ chồng cũng chỉ qua chiếc điện thoại. Anh không thiếu quỹ thời gian cho việc cách ly, cũng từng cân nhắc chuyện về nước nhưng rồi anh quyết định ở lại. “Cách ly, xét nghiệm, kết quả âm tính hay dương tính thì cứ thêm một người cũng là thêm một gánh nặng cho tất cả các khâu, em ạ”, anh nói.

Thế là hằng ngày gia đình nhỏ chúng tôi “sum họp” qua màn hình điện thoại, chờ đợi. Chúng tôi cũng không biết mình sẽ chờ đến bao giờ, khi nào COVID-19 mới bị đẩy lùi nhưng ít nhất, ngay lúc này, chúng ta tin rằng chỉ cần mỗi người vì đại cuộc một chút, từ bỏ nhu cầu riêng chỉ một chút, cũng là góp thêm sức mạnh để tất cả cùng vượt qua. 

Số ca nhiễm của Việt Nam mỗi ngày hiện đã vượt qua những đỉnh mốc của các đợt trước, các ngày trước. Chúng ta đã hiểu nó hơn và con vi-rút ấy cũng hiểu chúng ta hơn. Sự hoảng loạn và bối rối, trách than vì nhịp sống bị đảo lộn đã không còn. Ngay lập tức thích ứng, giữ được nhịp sống “bình thường mới” trong bối cảnh COVID-19 phủ màu đen tối lên toàn cầu cũng là một cách góp sức. Lực lượng y tế nếu mệt quá thì cứ than nhé, không sao cả! Chúng tôi, toàn bộ người dân dải đất hình chữ S giờ đã vững vàng rồi. Như một triết gia đã nói: “Cùng nhau, sẽ không suy tàn”. 

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI