Cử tri chưa yên tâm vì y học nước nhà đang hướng theo giá rẻ?

14/06/2017 - 20:26

PNO - Chiều 14/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều ĐBQH lo lắng vì để đuổi theo chính sách siết chi của BHYT, các giải pháp của Bộ Y tế đang "hướng nền y học nước nhà theo y tế giá rẻ”?

Giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đúng giá trị 

Một trong những vấn đề “nóng” đặt ra với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là chất lượng khám chữa bệnh hiện nay ở Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, các giải pháp Bộ Y tế đang áp dụng để đuổi theo chính sách siết chi của BHYT dường như "hướng nền y học nước nhà theo y tế giá rẻ".

Cụ thể ở đây là: thuốc rẻ, vật tư rẻ, tận dụng vật tư, áp trần độ cao... để giảm chi. Việc này đi ngược với chủ trương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tự chủ của cơ sở y tế, liên quan đến y đức... Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cần khẳng định quan điểm để cử tri yên tâm, vì y tế liên quan trực tiếp tính mạng của người dân.

Cu tri chua yen tam vi y hoc nuoc nha dang huong theo gia re?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam cũng nằm trong quy luật chung của các nước khác. Hiện nay, quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh và bệnh nhân trong một tam giác co kéo lẫn nhau. Bệnh nhân muốn được hưởng quyền lợi cao nhất, mà đóng thì thấp nhất... Bác sỹ, ngành y tế muốn thuốc tốt nhất, máy xét nghiệm hiện đại và chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất…

Tuy nhiên, BHXH là cơ quan giữ quỹ, bảo đảm không bị phá quỹ, thì có mức chi nhất định để hạn chế lạm dụng, chi quá mức Quỹ BHYT. "Vấn đề này rất nóng nên BHXH sẽ có giải pháp cân bằng thu chi, giúp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Tại phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa như ung bướu, tim mạch… và một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng của thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh,… nên chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn còn hạn chế, chưa được người dân tin tưởng, dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh vượt tuyến đi khám bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên, làm cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương quá tải..

Báo cáo của Bộ Y tế tại phiên chất vấn cũng nêu rõ, Công tác quản trị bệnh viện còn một số hạn chế. Khả năng tự chủ không đồng đều giữa các bệnh viện, các địa phương. Giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đúng giá trị của dịch vụ y tế. Tác động mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng tới quyết tâm giảm quá tải của các bệnh viện. Cơ chế tài chính và quản lý bệnh viện chưa theo kịp với sự phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân...

Cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài: chữa bệnh khó nói, dễ gây tai biến!

Nhắc lại hiện tượng liên quan tới một số vụ bệnh nhân tử vong khi khám chữa bệnh tại các cơ sở tư nhân có yếu tố nước ngoài, bác sĩ nước ngoài khám bệnh, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng sai phạm tại các cơ sở này rất phổ biến và đặt câu hỏi trách nhiệm quản lý của ngành y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, những hạn chế trong quản lý với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài mà đại biểu đưa ra là đúng. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại các cơ sở này tại Hà Nội, TP HCM và đã phát hiện nhiều sai phạm.

“Những sai phạm phổ biến tại các phòng khám có bác sĩ nước ngoài là sổ sách bệnh án không có, chủ yếu chữa bệnh khó nói, dùng thủ thuật kỹ thuật không đảm bảo an toàn rất dễ gây tai biến. Thậm chí có cơ sở vì lợi nhuận sử dụng bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề ở nước bản địa của họ, thu phí dịch vụ cao…” – Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu giải pháp khắc phục bằng cách tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm. Chẳng hạn nếu phát hiện cơ sở vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng phải rút giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ VH-TT&DL xử lý việc quảng cáo sai sự thật của các cơ sở này; tổ chức chấm điểm phòng khám và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, công khai cho người dân được biết để lựa chọn.

Trước đó, tại phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận trách nhiệm về việc người dân có thể tùy ý mua thuốc không cần kê đơn tại các quầy thuốc, mặc dù đã có nhiều biện pháp cố gắng như ban hành thông tư về kê đơn thuốc, các nhà thuốc đạt chuẩn GPP…  “Đây là quản lý yếu kém của ngành và chúng tôi nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI