Cú đột phá của Phùng Khánh Linh và nhạc pop đầu thập niên 2020

14/12/2020 - 18:17

PNO - Với "Yesteryear", Phùng Khánh Linh đã có một cú bứt phá so với các ca sĩ cùng thế hệ để tiến đến những nấc thang chuyên nghiệp hơn trong sự nghiệp.

Với sự vươn lên mãnh liệt của cộng đồng underground, của rap, hip hop trong năm 2020, vai trò của pop đang dần bị lu mờ. Kể từ “bom tấn” Hoàng của Hoàng Thùy Linh năm ngoái, có rất ít người tiếp nối để nâng tầm vị thế của pop trong nhạc Việt. Giữa năm nay, dreAMEE phần nào giải tỏa được cơn khát của những người yêu mến nhạc pop, song chưa phải là một cú đột phá, bởi album có gần một nửa là những ca khúc đã phát hành. 

Trái với hoạt động năng nổ, liên tục tái xuất với các single như các đồng nghiệp, Phùng Khánh Linh khá im ắng kể từ sau bản hit Hôm nay tôi buồn. Tuy vẫn có một số sản phẩm cover, nhưng các hoạt động chính thức của cô khá thưa thớt. Trong các quãng nghỉ đó, Linh chuẩn bị cho một album hoàn chỉnh cùng một chiến lược quảng bá bài bản và chuyên nghiệp theo xu hướng Âu - Mỹ. 

Album Yesteryear có một chiến lược quảng bá bài bản và chuyên nghiệp theo xu hướng Âu - Mỹ
Album Yesteryear có một chiến lược quảng bá bài bản và chuyên nghiệp theo xu hướng Âu - Mỹ

Tại những nền công nghiệp âm nhạc hàng đầu thế giới, album vẫn là một sản phẩm quan trọng nhất đối với một nghệ sĩ. Mỗi album đánh dấu cả quá trình thay đổi, phát triển của người nghệ sĩ đó, cũng như là sản phẩm để giới thiệu cả một giai đoạn âm nhạc của họ với công chúng. Tất cả chiến lược quảng bá đều xoay quanh album: từ việc phát hành các single trích từ album, tuân thủ chặt chẽ concept (hình tượng nghệ thuật) mà album đề ra, thực hiện liveshow trình diễn các ca khúc trong album, đến việc quảng bá những sản phẩm bên lề đính kèm album như quần áo, mũ, giày...

Gần như tiên phong tại Việt Nam, Phùng Khánh Linh kết hợp cùng Hãng đĩa thời đại thực hiện một hình thức quảng bá chuyên nghiệp, chặt chẽ theo phong cách Âu - Mỹ. “Phát súng” đầu tiên của họ chính là lead single Thế giới không anh được phát hành kèm với một MV được đầu tư công phu cùng các phiên bản digital lẫn bản đĩa cứng, đĩa than và băng cassette. Không những thế, họ còn bán kèm những vật dụng theo concept của sản phẩm như là áo, mũ, cốc... 

Chất lượng của single Thế giới không anh cũng cực kỳ ấn tượng. Sử dụng đội ngũ sản xuất âm nhạc đắt giá nhất năm ngoái tại địa hạt pop nhờ thành công vang dội của album Hoàng - nhóm DTAP, nhưng Phùng Khánh Linh không cố gắng trở thành một Hoàng Thùy Linh thứ hai. Hiểu tường tận thế mạnh của nhóm sản xuất này trong mảng dance pop, Phùng Khánh Linh nhặt ra những âm thanh phù hợp nhất với sáng tác của mình như những tiếng trống dày, những tiếng drop của thể loại future bass, để đặt vừa vặn vào trong bài hát, xây dựng một hình ảnh Phùng Khánh Linh rất riêng, không thể so sánh. 

Phùng Khánh Lính - Thế giới không anh:

 

 

Tưởng như Thế giới không anh đã là một chủ lực trong album Yesteryear, nhưng Phùng Khánh Linh cùng ê-kíp vẫn tiếp tục gây bất ngờ bằng việc sử dụng đội ngũ sản xuất và hậu kỳ đến từ nước ngoài, trong đó có cả kỹ sư âm thanh nổi tiếng đã từng làm việc với những ngôi sao hạng A như Taylor Swift, Lady Gaga, Adele... Với mức độ đầu tư như vậy, gần như chẳng có bất cứ điều gì có thể phàn nàn về mặt âm thanh của Yesteryear. Toàn bộ 13 bài hát trong album đều được hoàn thiện ở một mức độ rất cao, nền nhạc rất sạch và tiếng nhạc cụ cùng giọng hát hòa quyện hoàn hảo. 

Dù chưa phải là một cái tên đình đám, nhưng Phùng Khánh Linh vẫn tự tin đưa toàn bộ các sáng tác của mình vào album. Điều đó giúp cô xây dựng được một mạch cảm xúc đồng nhất xuyên suốt. Lấy tiêu đề “yesteryear”, Phùng Khánh Linh muốn kể cho người nghe toàn bộ những phát triển, những câu chuyện mà cô đã bước qua trong suốt quãng thời gian nghỉ.

Ở đó, ta bắt gặp một cô gái vẫn vương vấn câu chuyện cũ từ thời Hôm nay tôi buồn qua Chỉ buồn hôm nay, một chút day dứt qua Sao anh không hiểu, một chút trách móc ở Cô gái nhân ái, chấp nhận thực tại qua Gói tình em rồi về. Sau đó lại được thấy cô gái ấy đã dần vượt qua và tìm thấy tình yêu mới ở Lá thư #100, Chỉ còn hai ta, tuyên ngôn sau những vấp ngã và chữa lành ở Yêu hết tấm thân này hay Yesterme. Tất cả được thể hiện qua một lăng kính rất nữ tính, dịu dàng và đậm màu sắc pop của Phùng Khánh Linh. 

Ở đây không chỉ có những bản ballad đã giúp cô nổi tiếng, không chỉ có những âm thanh dance pop giống như lead single Thế giới không anh, Yesteryear mang đến một bữa tiệc âm nhạc với đủ mọi sắc thái của pop, đi theo từng cung bậc cảm xúc trong mỗi bài nhạc. Đừng thả thính sử dụng nhịp điệu nhanh, gấp gáp, thể hiện lại những khoảnh khắc rung động ban đầu. Mpg là những giai điệu bùng cháy của disco kết hợp với những âm bass nặng, thể hiện khoảnh khắc bắt đầu một mối quan hệ mới. Chỉ còn hai ta sử dụng âm thanh tươi sáng của synthwave, mô tả tình cảm đang ở những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc nhất. Khi đi đến những khoảng lặng của cuộc tình như Chỉ buồn hôm nay hay Sao anh không hiểu, các nhịp bass nặng hay âm thanh điện tử được loại bỏ, chỉ sử dụng độc những nhạc cụ thật để khơi gợi cảm xúc nhanh chóng. 

Phùng Khánh Linh- Đừng thả thính:

 

 

 Yesteryear cũng không thiếu những khoảnh khắc âm nhạc bất ngờ. Tiêu biểu nhất là single quảng bá cùng album Cô gái nhân ái - một ca khúc đầy tham vọng với nhiều tính toán thông minh. Mở đầu bằng nhạc dạo êm đềm, ngay khi Phùng Khánh Linh cất tiếng hát, tiếng đàn dây dồn dập, réo rắt được đưa vào để lật ngược toàn bộ bầu không khí trên nền những lời ca tức giận, khi nhân vật trong bài liên tục bị những tin đồn xấu bủa vây. Bước tới điệp khúc, các âm thanh điện tử được chèn vào ngày càng dày đặc với ảnh hưởng mạnh mẽ của disco, dẫn dắt một cách hoàn hảo tới phân đoạn drop (đoạn nhạc đắt giá nhất trong một bài hát điện tử) với tiếng sample (âm thanh mẫu) chói tai của những lời đồn đại khó chịu. 

một điều quan trọng hơn, Yesteryear như một sự tiếp nối những gì mà Hoàng của Hoàng Thùy Linh đã đạt được vào năm ngoái, khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của pop tại Việt Nam. Khác với việc tạo ra những âm thanh điện tử kết hợp truyền thống độc đáo, Yesteryear khai thác một khía cạnh khác của pop, đó là sự đa dạng, muôn màu, nhưng đầy cảm xúc.

Nếu các dòng nhạc khác đang tìm cách xâm chiếm thị trường nhờ sự lạ lẫm tức thời, phần nào thô ráp và mạnh mẽ, thì pop vẫn ở đấy, chỉn chu chuyên nghiệp, gần gũi với cảm nhận của mỗi người, nhưng vẫn chực chờ để bùng nổ bất cứ lúc nào. Yesteryear đã làm được điều đó, trở thành một trong những album nổi bật nhất trong năm ở địa hạt pop nói riêng cũng như nhạc Việt nói chung. 

Nam Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI