Cụ bà “Hiệp sĩ đường phố”

05/11/2013 - 14:50

PNO - PNO - Mỗi khi ngã tư Lê Quang Định-Nguyễn Văn Đậu vào giờ cao điểm kẹt xe, người ta lại thấy một bà lão tóc bạc cùng với lực lượng dân quân, CSGT “tả xung hữu đột” điều tiết giao thông. Khi đường sá đã thông thoáng, bà lại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cụ bà 37 năm bám lề đường kiếm sống

Bình dị, bà lẫn vào muôn ngàn người phụ nữ hàng ngày mưu sinh trên đường phố, bên chiếc  xe kút kít chứa đủ loại vật dụng của mình tại ngã tư Lê Quang Định-Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Không nhiều người đi dường biết và để ý đến bà. Nhưng với người dân gần ngã tư ấy, cụ bà Nguyễn Thị Giới (79 tuổi), làm nghề vá xe lề đường lại là “hiệp sĩ” vì có lối sống đẹp.

Cu ba “Hiep si duong pho”
37 năm bà mưu sinh trên đường phố bằng nghề vá xe

Thân thiện và gần gũi là điều mọi người dễ cảm nhận về bà ngay lần đầu gặp mặt. Tính bộc trực, hào sảng của người mượn lề đường làm nhà, đường phố làm nơi mưu sinh, bà chẳng ngại ngần kể về cuộc đời đầy biến cố của mình. Gần 79 tuổi, 37 năm bám trụ, kiếm sống ở ngã tư này, gia tài của bà chỉ là căn lều được dựng tạm bằng bạt nhựa, vài món đồ bơm vá xe máy, xe đạp để mưu sinh qua ngày. Kể về cơ duyên đến với công việc vốn dĩ hợp hơn với những người đàn ông, cụ bà cười tươi: “Cái nghề bơm vá xe là ông chồng quá cố của già truyền lại cho già đó”. Ít ai biết đằng sau nụ cười của cụ bà mạnh mẽ ấy là cả một quá khứ buồn.

Sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình có bốn anh em, khi bà mới học lớp 2 thì cha mất. Cảnh nhà rơi vào túng bấn, mẹ bà đem 4 đứa con cho người khác nuôi dưỡng rồi cũng đi biệt tích. Chiến tranh nổ ra, bà Giới bị thất lạc hai người anh chị, còn một người anh thiệt mạng trong một trận bom. Không còn ai bên cạnh, bà theo người quen lưu lạc vào phương Nam. “Lạ nước lạ cái”, một mình nơi xứ khách, bà đi giúp việc nhà, làm nhiều công việc để kiếm sống qua ngày. Có lẽ tuổi thơ đầy khốn khó ấy đã khiến bà có được tính cách mạnh mẽ như hôm nay.

Thời thiếu nữ, bà quen biết rồi bén duyên với một người đàn ông quê ở miền Trung, theo chồng về quê ông sinh sống. Chỉ được một thời gian, cơm không lành, canh không ngọt, khi đứa con gái được 4 tuổi thì bà ẵm con vào Nam. Chưa được bao lâu thì người chồng tìm đến, đem con gái về quê nuôi. Và đó cũng là lần cuối bà thấy mặt con gái. Rồi bà gặp người chồng sau trong những tháng ngày bươn chải. Hiểu hoàn cảnh, thương nhau, họ đồng ý  chung sống. Cha mẹ họ hàng không có ai, không cưới xin, vợ chồng không danh chính ngôn thuận nhưng họ sống rất hạnh phúc. Rồi năm đứa con trai, hai đứa con gái lần lượt ra đời. Từ giặt ủi, vợ chồng bà chuyển sang nghề vá-sửa xe. Nhờ sự tháo vát, gia đình bà cũng có được căn nhà để trú nắng, trú mưa. Đùng một cái, ông phát đủ loại bệnh. Bao nhiêu tài sản gia đình tích góp bấy lâu và cả căn nhà cũng đội nón ra đi. Con cái ông bà lập gia đình riêng nhưng cuộc sống quá khó khăn. Ông mất, bà chuyển ra đường ở hẳn và tiếp tục công việc của chồng để kiếm sống.

Hỏi sao đông con cháu mà bà không ở với người nào để đỡ cực thân già, bà cười: “Mình còn sức thì còn nuôi thân được. Con tôi cũng muốn đón mẹ về sống chung, nhưng thấy chúng nó còn khổ cực quá, giờ cưu mang thêm mẹ còn khổ hơn. Làm cho đến khi nào hết sức thì tôi mới nghĩ đến việc về nhà cho con cháu nuôi. Nói vậy chứ ở đây cũng vui. Con cái chở cháu chắt ra thăm thường xuyên, nên tôi cũng không có gì buồn tủi”. Kể bằng giọng bình thản nhưng thật ra cuộc sống của một bà bà lão vá xe đường phố không hề dễ dàng. Ban ngày hầu như bà Giới không có khách đến vá xe, vì đa phần khách ghé vào đều ngần ngại khi thấy cụ bà sức yếu. Ban ngày bà chỉ kiếm được nhiều lắm là một hai chục ngàn đồng từ việc bơm xe. Bởi thế, bà phải chong đèn đến khuya, khi các tiệm sửa xe khác đều đóng cửa thì bà mới mong kiếm thêm chút đỉnh. Bà cứ ngủ chập chờn trên chiếc ghế bố, dưới mái bạt ngay lề đường, hễ có khách ghé lại thì cả chủ lẫn khách...cùng nhau hì hục vá xe. Mỗi miếng vá bà chỉ lấy đúng 10.000 đồng. Tròn 18 năm hành nghề, tuyệt nhiên không hề có chuyện lợi dụng đêm khuya mà bà tăng giá hay bắt chẹt khách lỡ độ đường.

Tuy cuộc đời gặp nhiều truân chuyên, nhưng bà Giới chưa bao giờ đầu hàng số phận. Ở bà lúc nào cũng tràn đầy nghị lực sống. Điều đặc biệt là bà luôn biết sống vì cộng đồng, nghĩ về cái chung và làm những điều mình cho là đúng.

Và tấm bằng khen của Chủ tịch nước

Chính cái suy nghĩ "sống vì cộng đồng, vì cái chung", đã đưa bà đến những hành động mà nhiều người cho là bà bao đồng, khi tham gia...điều tiết giao thông, công việc mà bà cho rằng mình nên làm để hỗ trợ mấy chú CSGT. Mỗi buổi chiều khi dòng người tan sở, học sinh tan trường, công nhân tan ca… phố phường TPHCM lại chật ních. Ngã tư đường Nguyễn Văn Đậu - Lê Quang Định thường ùn ứ, tắc nghẽn thì bà lại bỏ việc đấy, xách gậy ra điều tiết giao thông khi chưa có CSGT tới làm nhiệm vụ. Thấy bà già “xí xọn”, nhiều người chả buồn nghe theo, tội nghiệp bà đứng la hét khản cổ. Dần rồi, trưa, chiều nào cũng vậy, hễ bất cứ khi nào ngã tư đường này kẹt xe, không quản ngại nắng mưa, bà Giới lại xách gậy ra giữa đường điều tiết giao thông. Và dần dần, người đi đường đã...răm rắp làm theo chỉ dẫn của bà. 

Cu ba “Hiep si duong pho”
Bà luôn xem những phần thưởng cao quý này như kỉ vật của cuộc đời mình

Nói về việc cầm gậy-chỉ đường, bà xởi lởi kể: “Ngã tư đường này lúc nào cũng đông đúc xe cộ. Mà 5-7 năm về trước ở đây đâu có đèn giao thông, nên mỗi khi đến giờ cao điểm là kẹt xe liên tục. Có khi xe bị dồn ứ dài cả cây số chứ chả chơi”. Hằng ngày hành nghề ở lề đường, bà Giới phải chứng kiến cảnh người ta kèn cựa nhau từng tí một, đường chật, xe đông mà không ai chịu nhường ai khiến giao thông tại ngã tư này càng trở nên hỗn loạn, xảy ra không ít vụ tai nạn. Mỗi lúc như vậy, bà lại xông ra đường, giúp điều tiết xe, phụ người dân xung quanh đưa người bị thương đi cấp cứu. Không ít khi bà bị người đi đường phàn nàn, khó chịu nhưng bà không để bụng, buồn vì những câu bực dọc, thậm chí mắng nhiếc của những người thiếu ý thức. Bà vẫn làm cái việc mình cần làm. “Hữu xạ tự nhiên hương”, thói quen lâu dần cũng thành hình, mọi người dần ủng hộ và lưu thông theo sự "hướng dẫn" của bà mỗi lúc kẹt xe.

Hình ảnh ấy quen thuộc đến mức, mỗi khi bà Giới ốm đau hay mệt không ra điều tiết giao thông, lại có nhiều người thắc mắc: “Cụ già giao thông đâu rồi?”. Bà Giới cười vui: “Mệt thì tất nhiên là rất mệt, nhưng tôi rất vui vì đã làm được một việc tốt giúp ích cho mọi người. Giờ thì nơi đây đã có trụ đèn giao thông rồi, có cả dân quân tự vệ giúp các anh CSGT nên tôi cũng không thường xuyên ra đường để làm công việc này nữa. Chỉ có lâu lâu các anh CSGT bận điều tiết giao thông dưới lòng đường thì tôi phụ các anh bấm nút hộp đèn điều khiển”.

Ròng rã suốt nhiều năm trời hỗ trợ lực lượng CSGT tại ngã tư đường này, nỗ lực của bà Giới đã được các ngành chức năng và báo đài ghi nhận. Ngày 19/1/2012, bà Nguyễn Thị Giới đã được Đài tiếng nói Việt Nam, kênh VOV giao thông phối hợp với một doanh nghiệp trao tặng quà và danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông”. Ngày 22/8/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký bằng khen tặng bà về những đóng góp cho ngành giao thông. Đặc biệt, một tấm huy chương và tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch nước gửi tặng bà vì những đóng góp cho cộng đồng…Điều đó đã khích lệ tinh thần bà rất nhiều. Bà luôn xem những phần thưởng cao quý ấy như kỉ vật của cuộc đời mình.

Chia sẻ đôi chút về cuộc sống, công việc trong tương lai, bà tâm sự: “Tuy bây giờ không còn được tham gia hướng dẫn giao thông nữa, nhưng tôi cũng không muốn bỏ cái góc đường và tiệm vá xe này. Tôi sẽ làm đến khi nào hết sức thì thôi. Chẳng giấu gì chú, vừa rồi tôi mới bị té gãy xương, phải nằm viện hết 4 tháng. Chi phí điều trị, tôi phải vay mượn nên giờ cố gắng làm trả hết nợ rồi nghỉ, không vá xe nữa. Con cháu nó nghèo, không có tiền nên số tiền 10 triệu chữa bệnh ấy gần như là một gia tài, tôi sẽ cố trả hết nợ (mỗi ngày 30-40 ngàn) rồi nghỉ”.

Cụ không mong lên báo để được chia sẻ, giúp đỡ. Nhưng thật tâm của người viết, tôi mong mỏi sau bài viết này, những trái tim sẽ kết nối những trái tim để một người phụ nữ đã trải qua cơ cực gần như trọn cuộc đời, được sớm nghỉ ngơi, hưởng chút an lành tuổi già bên con cháu những ngày còn lại.

ANH TÚ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI