COVID-19 đã "tạo ra" 5,2 triệu triệu phú trên thế giới

24/06/2021 - 06:47

PNO - Bất chấp cuộc "vây ráp" từ COVID-19, kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng nhưng nó làm cho sự giàu nghèo gia tăng cách biệt. Theo số liệu báo cáo từ Credit Suisse, giàu nghèo trên toàn cầu đã mở rộng trong đại dịch. Những nhà triệu phú mới này phất lên khi cổ phiếu và giá nhà tăng phi mã.

Trái với dự đoán của các chuyên gia, nền kinh tế thế giới đã không “bị đánh bại” bởi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu. Không những vậy, COVID-19 đã “tạo nên" 5,2 triệu nhà triệu phú, những nhà giàu nay càng giàu có thêm bằng cách kiếm tiền từ giá trị cổ phiếu và bất động sản tăng cao.  

Các số liệu, được nêu chi tiết từ Credit Suisse, một tổ chức chuyên nghiên cứu tình hình kinh tế và cung cấp các dịch vụ tài chính trên toàn cầu cho thấy, việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp cùng các biện pháp kích cầu của chính phủ thường mang lại nhiều lợi ích cho những người ít cần sự hỗ trợ của nhà nước. Nó giúp tài sản của họ tăng giá trị bất chấp bóng ma u ám của coronavirus đang bao trùm và gây nên một sự đe đoạ suy thoái kinh tế toàn thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các triệu phú đô la đã chiếm hơn 1% dân số toàn cầu. Các số liệu cho thấy hiện tại có đến 56,1 triệu cá nhân có tài sản trị giá hơn 1 triệu USD vào năm 2020. Đó là một bức tranh với màu sắc tương phản đầy gay gắt giữa sự giàu có và nghèo nàn bởi những người có thu nhập thấp hơn nay càng tơi tả, giảm thu nhập do bị mất hoặc cắt giảm thời gian làm việc. 

Năm ngoái, Vương quốc Anh có thêm 258.000 triệu phú, nâng tổng số lên 2,5 triệu. Ảnh: Mike Kemp / In Pictures / Getty Images
Năm ngoái, Vương quốc Anh có thêm 258.000 triệu phú, nâng tổng số lên 2,5 triệu - Ảnh: Mike Kemp / In Pictures / Getty Images

Các tác giả của bản báo cáo cho biết: “Sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo có thể không phải do đại dịch gây ra. Nó cũng không phải do tác động kinh tế trực tiếp mà là hệ quả của các hành động được thực hiện từ những tác động của chính phủ khi hạ lãi suất hối đoái”. Hành động này nhằm để bù đắp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã vô tình góp phần làm gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Điều này đã dẫn đến một khoảng chênh lệch rất lớn kể từ số liệu thống kê vào năm 2016.

Năm ngoái, Mỹ là quốc gia chiếm gần 1/3 trong số 5,2 triệu triệu phú mới của thế giới, với thêm 1,7 triệu cá nhân để đưa tổng số hiện tại là 22 triệu. Nước Đức theo sau với 633.000 triệu phú khác. Vương quốc Anh đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng những quốc gia có nhiều người giàu mới nhất vì đã có thêm 258.000 triệu phú và quốc gia này hiện có 2,5 triệu cá nhân với tài sản trị giá hơn 1 triệu USD.

Trong khi đó, thế giới hiện có 41.420 cá nhân cũng đang tham gia vào nhóm được gọi là những người có tài sản thu nhập trị giá hơn 50 triệu USD. Con số này thể hiện mức tăng 24% so với năm 2019 và là tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất trong 17 năm và nâng tổng số người siêu giàu trên thế giới lên 215.030 người.

Tháp biểu đồ thống kê của Credit Suisse Global Wealth Databook năm 2021.
Tháp biểu đồ thống kê của Credit Suisse Global Wealth Databook năm 2021

Ở chiều ngược lại, sự tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đối với những hộ gia đình bậc trung và đặc biệt gây nên một tình trạng tồi tệ ở những người nghèo, tầng lớp thấp ở đáy xã hội. Nó hiện diện trong những quốc gia mà chính phủ không thể bù đắp số lương cho giai cấp công nông khi họ bị mất trong thời gian thực thi những sắc lệnh giãn cách hay phong toả.

Các quốc gia có thu nhập cao như Vương quốc Anh, các khoản trợ cấp khẩn cấp từ chính phủ trong những chính sách cắt giảm việc làm đã giúp giảm nhẹ tác động tiêu cực của việc thất nghiệp hoặc giảm giờ làm. Nhưng những người không thể tiếp cận các gói hỗ trợ khẩn cấp bị ảnh hưởng nặng nề hơn và họ buộc phải rút tiền tiết kiệm hoặc gánh các khoản nợ cao hơn trong bản hợp đồng vay tiêu dùng với ngân hàng.

Báo cáo chỉ rõ thành phần dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc suy thoái bao gồm thanh niên và phụ nữ, những người đang phải vật lộn trong các ngành nghề đầy khó khăn như bán lẻ và khách sạn. Trong khi đó, những đối tượng tương đối không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái từ đại dịch mà thậm chí giàu có hơn là những cá nhân đã và đang nắm trong tay một số lượng lớn cổ phiếu.

Các doanh nghiệp nhỏ rất cần thiết cho nền kinh tế thực, nhưng không quá nhiều đối với thị trường chứng khoán. Ảnh: Olivier Douliery / AFP / Getty
Các doanh nghiệp nhỏ rất cần thiết cho nền kinh tế thực nhưng lại không có quá nhiều ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán - Ảnh: Olivier Douliery / AFP / Getty

Vào nửa đầu năm 2020, làn sóng tấn công thứ 2 của COVID-19 đã gây nên một sự ảm đạm trên các sàn chứng khoán, nó làm cho giá trị cổ phiếu tụt giảm một cách thê thảm. Tuy nhiên vào những tháng cuối năm, “phố Wall” đã nhanh chóng phục hồi, nó làm tăng mức độ giàu có của những nhà đầu tư chứng khoán.

Song song đó, theo một báo cáo riêng của Knight Frank, cơ quan theo dõi giá nhà đất trên 56 quốc gia cho biết ở hầu hết các thị trường bất động sản cũng được hưởng lợi từ việc giá nhà tăng với mức độ trung bình từ 5,6% vào năm 2020. Và đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ba năm.

Anthony Shorrocks, một nhà kinh tế học tại Đại học Manchester và là một trong những tác giả của báo cáo Credit Suisse cho biết giá trị tài sản leo thang không phản ánh những thách thức từ đại dịch đã “giết đi hàng trăm triệu người” trên thế giới.

Trong ước tính, tổng cộng tài sản toàn cầu đã tăng 7,4% , đạt mức  418,3 tỷ USD vào năm 2020, đó là mức tăng trưởng ở những thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, trong khi tài sản tổng thể ở Mỹ Latinh và Ấn Độ giảm.

Chuyên gia này dự đoán, tài sản toàn cầu ​​sẽ tăng thêm 39% trong 5 năm tới để đạt ngưỡng 583 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi số lượng triệu phú được dự báo sẽ tăng lên gần 50%, vượt mức 84 triệu người. Nhóm người đủ giàu được coi là có giá trị ròng siêu cao cũng dự kiến ​​sẽ tăng gần 60%, đạt 344.000 người.

Trọng Trí (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI