Cơm khô ngào đường, món xa xỉ thời gian khó

24/04/2021 - 06:15

PNO - Nhắc lại chuyện xưa, chị em tôi nhớ da diết những hạt cơm phủ đường bóng loáng, thơm ngào ngạt, chưa nhai đã tan dần trong miệng, quyện vị ngọt của đường, vị cay của gừng và vị béo bùi của cơm.

Từ lúc mẹ ốm, chị em tôi tranh thủ sắp xếp công việc để về quê chăm sóc mẹ. Đã lâu lắm rồi mái nhà cũ kỹ của gia đình mới đông đủ thành viên. Bác sĩ chẩn đoán mẹ bị suy giảm trí nhớ giai đoạn đầu, rất cần sự hỗ trợ của người thân trong quá trình chữa trị. Mẹ bắt đầu quên và lẫn lộn nhiều thứ, nhưng những kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ của các con, mẹ lại nhớ đến từng chi tiết. 

Có lần, cả nhà ngồi quây quần trò chuyện, mẹ chỉ vào trán dì Út bảo: “Vết sẹo này là do giành cơm khô ngào đường với thằng Ba”. Câu nói của mẹ gợi lên một trời ký ức tuổi thơ của chị em chúng tôi. Ngày đó, ba đi làm xa, chỉ mình mẹ ở nhà cùng bốn đứa con và bà nội. Bao nhiêu vất vả mẹ gồng gánh hết. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm để kịp đi chợ xa, bán mớ rau, chục trứng để có tiền lo bữa ăn cho cả nhà. Thỉnh thoảng, trong gánh hàng của mẹ sau mỗi buổi chợ lại có thêm bịch bánh nếp hay bịch kẹo bạc hà mua làm quà cho con.

Thời ấy, những thứ quà vặt là xa xỉ, nên chúng tôi không trông đợi nhiều. Tôi chỉ chờ hũ cơm khô của mẹ đầy nhanh để mẹ đem ngào đường, chia cho mỗi đứa một nắm, vừa giòn rụm vừa thơm. Bữa ăn nào còn thừa cơm, mẹ không cho heo gà mà dàn đều ra mâm rồi phơi trên mái hiên trong những ngày trời nắng to. 

Sau vài lần phơi, những hạt cơm bắt đầu khô lại, màu trắng đục, mẹ cất vào hũ sành, đậy kín đặt cẩn thận lên gác bếp. Thời thiếu thốn, không phải lúc nào nhà cũng có cơm thừa, phải đợi lâu mới đủ cơm khô để ngào một mẻ. Khi đủ cơm khô, mẹ đổ cơm từ hũ sành ra phơi thêm một nắng rồi bắt đầu giã cho rời từng hạt. Sau đó mẹ bắc chảo thật nóng, cho cơm khô vào rang với lửa nhỏ và đảo đều. 

Cơm khô rang lên nở bung, vàng ruộm, giòn tan, được đổ ra rá cho nguội. Mẹ lấy gừng tươi cạo sạch vỏ rồi thái thành từng sợi mỏng, cho đường vào chảo để thắng. Đến khi đường tan, mẹ tiếp tục cho gừng vào đảo đến khi hỗn hợp sệt lại, đổ cơm khô đã rang vào tiếp tục đảo đều tay để không bị cháy. 

Cơm chưa kịp bắc ra cho nguội, chị em tôi đã tranh nhau bốc một ít vừa thổi vừa ăn. Có lần bé Út chưa kịp bốc thì em Ba đẩy ra, làm Út ngã lăn quay ra góc bếp đập đầu vào góc cái chạn bếp, chảy máu đầm đìa ở trán. Nhớ lần đó, đứa nào đứa nấy tái xanh mặt, em Ba òa khóc nức nở vì sợ. Nhưng mẹ không đánh đòn mà chỉ nhắc chúng tôi phải nhường nhịn nhau, chuyện ăn uống phải tế nhị, không được tranh giành.

Có đợt nhìn mấy đứa em háo hức chờ cơm khô ngào đường mà hũ cơm khô mãi không đầy, do không có cơm thừa. Tôi được mẹ giao nhiệm vụ nấu cơm nên mỗi lần nấu đều cố ý đong gạo nhiều hơn. Việc làm đó khiến mẹ nổi giận, tôi bị cắt mất phần việc nấu cơm. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu lời nhắc hằng ngày của mẹ, nấu cơm phải canh sao cho vừa đủ, đừng nấu dư vì hạt gạo quý như ngọc, không dè sẻn thì đến mùa giáp hạt lấy gì mà ăn. Lớn lên, thấm thía gánh nặng cơm áo gạo tiền, tôi mới hiểu tiếng thở dài của mẹ khi nhà hết gạo sớm. Mỗi lần nhớ lại chuyện đó, tôi thương mẹ thắt lòng. 

Nhắc lại chuyện xưa, chị em tôi nhớ da diết những hạt cơm phủ đường bóng loáng, thơm ngào ngạt, chưa nhai đã tan dần trong miệng, quyện vị ngọt của đường, vị cay của gừng và vị béo bùi của cơm. 

Trên giường bệnh, mẹ hứa khi nào khỏe hơn sẽ lại ngào cho chúng tôi một mẻ cơm khô ăn thỏa thích. Chị em tôi quây quần bên mẹ, rưng rưng… 

Lam Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI