Có một mùa xuân vừa được thắp

24/10/2020 - 09:00

PNO - Đâu chỉ có Hà Nội, Nghệ An, TPHCM... những bếp lò nấu bánh chưng, bánh tét cũng đang hoạt động hết công suất. Có phải có một mùa xuân vừa được thắp?

Gần trọn một tuần nay, hình ảnh miền Trung oằn mình trong lũ lụt đã chiếm hết tâm trí, làm se thắt trái tim của những ai đang chảy trong mình dòng máu Việt Nam. Dải đất gầy guộc ở giữa níu giữ hai miền Nam Bắc ấy, hết lần này đến lần khác, hết năm này đến năm khác, cứ phong phanh đưa vai trần ra gánh cơn thịnh nộ của trời đất. Nói làm sao hết những xót thương khi nhìn hình ảnh bầu trời xám xịt mịt mờ, bốn bề chỉ có nước là nước, những ánh mắt thất thần, những tử biệt sinh ly…

Gói bánh chưng gửi tặng đồng bào vùng lũ - Ảnh: Internet
Gói bánh chưng gửi tặng đồng bào vùng lũ - Ảnh: Internet

Sáng đi làm trong cơn mưa lất phất, nghe cái lạnh chạm vào thịt da, nghe luồng nước chảy từ áo mưa xuống, len vào giày, không dưng tôi không còn cảm thấy ấm ức “Sao mà mình cực!” như lúc trước. Chợt thoáng suy nghĩ, lẽ nào mình vẫn chưa trưởng thành, khi còn cần có dịp soi nỗi bất hạnh của người khác mới biết trân trọng, biết cám ơn những thứ mình đang có?

Những ngôn từ cảm thán thương về miền Trung rơi ra khắp nơi từ công sở, trong chợ, đến cổng trường lúp xúp chờ con. Rất khẽ khàng, như sợ làm đau cơ thể đã quá nhiều vết thương, một giọt nước cũng có thể trở nên nặng như đá tảng. Những bàn tay cầm điện thoại, kéo news feed trên Facebook dường như chưa bao giờ rón rén thấp thỏm đến như thế! Không thấp thỏm rón rén sao được khi trước mắt mình là những đứa trẻ co ro, những người già mếu máo, những bàn tay cào bới từng miếng đất. Có tiếng gọi nào bi thương hơn tiếng gọi: “Đồng đội ơi các anh có nghe không?”. 

Những ngày này trên bục giảng, tôi cầm viên phấn ghi lên bảng dòng thơ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh!” mà nghe sống dậy một cách mãnh liệt, sáng rỡ hào khí một thời bi thương oanh liệt của tiền nhân như chưa từng có khoảng cách hơn nửa thế kỷ. Viết những ký tự nằm trên bảng đen mà nghe như mình vừa thực hiện một thứ nghi lễ, chỉ muốn cúi đầu. Học sinh ngồi yên nghe, lặng người trong cái lòa sáng của sự hy sinh cao vời vợi. 

Nhiều chị em hẹn nhau gói bánh chưng gửi cho bà con vùng lũ miền Trung
Nhiều chị em ở TPHCM hẹn nhau gói bánh chưng gửi cho bà con vùng lũ miền Trung

Chưa bao giờ tôi cảm thấy thương mến cảm động khi bắt gặp ai đó, nói hay viết hai chữ “đồng bào” đến như vậy trong cuộc đời mình. Chưa bao giờ tôi nghe gần gũi ruột rà với tiếng í ới gọi nhau gom quần áo, gạo, thuốc, rồi phẫn nộ khi thị trường áo phao tăng giá… đến thế trong cuộc đời mình. Tiếng gọi nhau của thời tắt lửa tối đèn. Tiếng gọi nhau khiêng cái bàn cái ghế, ăn miếng cơm đám giỗ, thôi nôi… Tiếng gọi của những ngày tình làng nghĩa xóm thấm đượm vào cái quãng cơ cực đã xa, mà cứ ngỡ sự suôn sẻ sung sướng hiện tại đã làm rơi vãi đi ít nhiều.

Tại xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, gia đình anh Nguyễn Phan Mạnh luôn tấp nập người. Ở một góc sân, bếp luộc bánh chưng đỏ lửa suốt ngày đêm. Dân trong xóm, có người gửi gạo, gửi thịt… Có người gửi tiền để nhờ mua thực phẩm và có những cô, bác, em… tự nguyện đến gói bánh, luộc bánh ngày đêm. Gần 2.500 chiếc bánh chưng đã được chuyển vào tâm lũ cho đồng bào mình với tấm lòng “một miếng khi đói” “nhường cơm sẻ áo”.

Mà đâu chỉ có Hà Nội, Nghệ An, TPHCM những bếp lò nấu bánh chưng, bánh tét cũng đang hoạt động hết công suất. Có phải có một mùa xuân vừa được thắp?

Những văn nghệ sĩ, doanh nghiệp trong và ngoài nước, người kêu gọi, người dấn thân vào vùng lũ cứu trợ. Những con heo đất được đập ra trong giờ sinh hoạt lớp, những đồng tiền nhỏ xíu được các bàn tay măng sữa nâng niu. Những tin nhắn ai đó gửi cho bạn bè lời chúc bình an mỗi sáng tối vẫn đang lan tỏa. Hóa ra tiếng thương luôn ở sẵn đâu đó bên cạnh mình, bất cứ khi nào nếu bật ra cũng sẽ trở thành một thanh âm đồng vọng.

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI