Có một "đóa Quỳnh" dấn thân với nghề công tác xã hội

19/07/2022 - 08:56

PNO - Được "tái sinh" nhờ sự chuyên nghiệp và tận tâm của nhân viên xã hội trong bệnh viện cách đây 25 năm, nữ chuyên gia trẻ quyết định quay về Việt Nam để góp phần giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Tổ chức Đại hội Y tế công Boston (Boston Congress of Public Health) của Mỹ mới công bố danh sách 40 người dưới 40 tuổi nhận giải thưởng “Nhân vật thúc đẩy thay đổi y tế công” (tiếng Anh: 40 Under 40 Public Health Catalyst Award).

Trương Nguyễn Xuân Quỳnh là người Việt Nam duy nhất, và là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi trên khắp thế giới được trao giải thưởng
Trương Nguyễn Xuân Quỳnh là người Việt Nam duy nhất, và là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi trên khắp thế giới được trao giải thưởng

Nổi bật trong danh sách là cô gái trẻ 32 tuổi người Việt Nam có cái tên thật đẹp: Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - một chuyên gia thuộc lĩnh vực Công tác xã hội y tế.

Chọn nghề như là duyên nghiệp

Năm 1997 khi mới 6 tuổi, Quỳnh bị phát hiện mắc bệnh hở van tim bẩm sinh – căn bệnh nan y thời bấy giờ. Cả Việt Nam lúc đó chỉ có duy nhất Viện Tim ở TPHCM điều trị bệnh này với chi phí hơn 44 triệu đồng - số tiền quá lớn mà một gia đình nông dân nghèo ở một xã nông thôn thuộc tỉnh Phú Yên phải cáng đáng cách đây 25 năm.

Do không lo nổi viện phí nên bố mẹ đành nhìn Quỳnh chịu cảnh bệnh tật suốt mấy năm, cho đến khi được các sơ ở quê thương tình quyên góp một nửa chi phí để chữa bệnh. Thế nhưng, số tiền đó vẫn chưa đủ cho ca phẫu thuật.

Xuân Quỳnh (bên phải) khi còn nhỏ cùng bố mẹ và em gái - Ảnh: NVCC
Xuân Quỳnh (bên phải) khi còn nhỏ cùng bố mẹ và em gái - Ảnh: NVCC

Đang lúc rối bời thì bố cô được các bệnh nhân trong viện “mách nước” thử đi hỏi Phòng Công tác xã hội (CTXH) xem họ có giúp được gì không.

Thời bấy giờ, Viện Tim hoạt động theo mô hình bệnh viện của Pháp nên có đầy đủ các phòng ban chuyên môn, trong đó có phòng hỗ trợ xã hội. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình, phòng CTXH đã đề nghị bệnh viện miễn toàn bộ số tiền viện phí còn lại, giúp cô được phẫu thuật ngay sau đó.

“Từ đó, tôi đặt tâm nguyện sẽ chọn nghề nhân viên xã hội để giúp người như một cách trả ơn cuộc đời”, Xuân Quỳnh nhớ lại.

Quyết tâm theo nghề “vác tù và hàng tổng”

Năm 2008, cô nữ sinh chuyên Văn quê Phú Yên quyết định lựa chọn thi vào ngành CTXH và trở thành sinh viên khóa 2 tại Đại học KHXH&NV TPHCM.

Xuân Quỳnh trong lễ tốt nghiệp cử nhân ngành CTXH năm 2012 - Ảnh: NVCC
Xuân Quỳnh trong lễ tốt nghiệp cử nhân ngành CTXH năm 2012 - Ảnh: NVCC

Do ngành học quá mới mẻ vốn bị cho là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên sinh viên ngành CTXH khóa của Quỳnh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp.

Bản thân Quỳnh chật vật mãi mới được Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp nhận làm thực tập sinh và bố trí thực tập tại phòng… tiếp dân của bệnh viện.

Không chịu ngồi yên, Quỳnh chủ động tìm tòi và đề xuất lãnh đạo bệnh viện triển khai hàng loạt các hoạt động chuyên môn như: quản lý ca, vận động tài trợ cho các bệnh nhân nghèo, hỗ trợ tâm lý xã hội cho những ca bệnh nặng, mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp cho điều dưỡng và nhân viên y tế…

Xuân Quỳnh trực tiếp hỗ trợ về tâm lý cho bệnh nhân và người nhà trên xe cứ thương từ Long An chuyển tuyến lên TPHCM năm - ẢnhL NVCC
Xuân Quỳnh trực tiếp hỗ trợ về tâm lý cho bệnh nhân và người nhà trên xe cứu thương từ Long An chuyển tuyến lên TPHCM - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, Quỳnh còn tham gia hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và người nhà, giúp họ vượt qua những khó khăn khi phải chuyển tuyến từ bệnh viện Long An lên các bệnh viện lớn ở TPHCM bằng xe cứu thương.

“Thâm nhập” các bệnh viện hàng đầu của Mỹ

Nhờ theo đuổi nghề CTXH trong bệnh viện mà Quỳnh có cơ hội được trực tiếp thâm nhập vào các bệnh viện lớn ở Mỹ như: Bệnh viện Đa khoa Massachusett, Bệnh viện John Hopkins. Cô nhận thấy sự chuyên nghiệp của nghề cũng như tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên CTXH bệnh viện đối với các hoạt động chuyên môn. 

Tất cả các ca bệnh trong bệnh viện tại Mỹ đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ê kíp; trong đó, bác sĩ, kiểm huấn viên, y tá, điều dưỡng, nhân viên xã hội thường xuyên có các cuộc họp để thảo luận tình hình các ca bệnh cụ thể.

Xuân Quỳnh tham gia hoạt động chuyên môn cùng các giáo sư tại Mỹ - Ảnh: NVCC
Xuân Quỳnh tham gia hoạt động chuyên môn cùng các giáo sư tại Mỹ - Ảnh: NVCC

Góp tay cùng Việt Nam chống đại dịch COVID-19

Khi TPHCM bắt đầu bùng dịch vào tháng 5/2021 cũng là lúc Quỳnh đang ở Mỹ và cảm thấy nóng lòng chứng kiến những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Do đã có nhiều kinh nghiệm lâm sàng thực tế đối phó với COVID-19 tại các bệnh viện ở Mỹ, Quỳnh đã quyết định “phải làm một cái gì đó” cho quê hương của mình.

Lớp đào tạo về CTXH trong chăm sóc giảm nhẹ đầu tiên ở Việt Nam do Xuân Quỳnh phối hợp với  Bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ, ĐH Y Dược TPHCM tổ chức năm 2019 - Ảnh: NVCC
Lớp đào tạo về CTXH trong chăm sóc giảm nhẹ đầu tiên ở Việt Nam do Quỳnh phối hợp với bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ, Đại học Y Dược TPHCM tổ chức cho nhân viên y tế khi dịch mới bùng phát ở Việt Nam đầu năm 2021 - Ảnh: NVCC

Cô mời các chuyên gia ở Mỹ tổ chức các tập huấn trực tuyến về chuyên môn cho hàng ngàn bác sĩ và nhân viên y tế ở Việt Nam, đồng thời giúp các bệnh viện phát triển chương trình hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân.

Từ đó, một số bệnh viện và trung tâm y tế đã quyết định đưa nhân viên tâm lý, nhân viên CTXH, các cha và sư thầy cùng bác sĩ vào hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và người nhà, giúp họ không chỉ được hỗ trợ về thể chất mà còn cả tinh thần và tâm linh. Đây là mô hình "kiểu Mỹ" mà Quỳnh áp dụng thành công tại Việt Nam.

Ngoài ra, Quỳnh còn phối hợp với tổ chức AVSE Global có trụ sở tại Paris (Pháp) thành lập Ban Đặc nhiệm COVID có sự tham gia của chuyên gia y tế người Việt ở khắp nơi trên thế giới tư vấn về chính sách cho chính phủ Việt Nam và chính quyền TPHCM trong công tác chống dịch.

Với vai trò là một chuyên gia tư vấn chính sách, Quỳnh luôn đặt các đối tượng dễ bị tổn thương là ưu tiên cao nhất nhằm đảm bảo “không một ai bị bỏ lại phía sau” theo chủ trương của chính phủ Việt Nam.

Đi để được quay về

Là chuyên gia trẻ được đào tạo bài bản trong lĩnh vực CTXH tại nước ngoài, Quỳnh có nhiều cơ hội để tiếp tục nghiên cứu và hành nghề ở những quốc gia phát triển, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho con đường sự nghiệp của mình. Thế nhưng, cô gái trẻ sinh năm 1990 này vẫn không ngừng đau đáu trăn trở về thực trạng nghề CTXH tại Việt Nam.

Xuân Quỳnh nghiên cứu về CTXH y tế tại Mỹ - Ảnh: NVCC
Xuân Quỳnh nghiên cứu về CTXH y tế tại Mỹ - Ảnh: NVCC

Theo Quỳnh, mặc dù ngành CTXH đang được mở ở nhiều trường đại học thu hút nhiều sinh viên theo học, tuy nhiên, số người làm CTXH lâm sàng lại rất ít do chưa có trường nào đào tạo ngành CTXH lâm sàng. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có chuẩn nghề nghiệp cho nghề CTXH; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên CTXH vẫn còn bị bỏ ngỏ,...

“Nghề CTXH ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Vì vậy, người hành nghề cần có trình độ và chuyên môn đạt chuẩn để không gây hại cho thân chủ”, Quỳnh thẳng thắn bày tỏ.

Quỳnh cho biết, cô sẽ chọn quay về quê nhà sau khi hoàn tất chương trình nghiên cứu ở Mỹ và Thái Lan để tham gia giảng dạy, đào tạo ngành CTXH trong lĩnh vực y tế, góp phần phát triển nghề mà nước ta đang rất cần

Xuân Quỳnh (thứ 2, bên phải) là thành viên BCH Hội Y học Chăm sóc Giảm nhẹ Việt Nam - Ảnh: NVCC
Xuân Quỳnh (thứ 2, bên phải) là thành viên BCH Hội Y học Chăm sóc Giảm nhẹ Việt Nam - Ảnh: NVCC

Trương Nguyễn Xuân Quỳnh sinh năm 1990, đang là nghiên cứu sinh về Y tế công tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan). Trước đó, cô được trao học bổng thạc sĩ Fulbright ngành CTXH lâm sàng tại Đại học Boston (Mỹ).

Cô là giảng viên ngành CTXH của Đại học KHXH&NV TPHCM và Đại học Y dược TPHCM, đồng thời đóng vai trò Cố vấn CTXH tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.


Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI