Cô giáo người Ca Dong bỏ tiền túi nuôi trò ăn học

20/11/2014 - 11:09

PNO - PN - "Vì sao cô nuôi mấy đứa học sinh này?". “Em không thể không nuôi chúng, không thể bỏ chúng. Nếu mình bỏ, chúng nó sống ra sao. Cha mẹ từ bỏ chúng nó, chúng nó không đi học thì phải đi làm cho người ta, làm rẫy cực lắm” - cô...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Vì sao cô nuôi mấy đứa học sinh này? Có ai bắt buộc đâu?”. Tiếng một đồng nghiệp nhẹ nhàng. Câu trả lời là cái nhìn như sương khói…

Co giao nguoi Ca Dong bo tien tui nuoi tro an hoc

Cô Đinh Thị Thiết và học trò

Lớp học xóm Ông Du, thôn Đăk Doa trên đỉnh Ngọc Chủ Ngà này chưa phải là điểm cuối cùng của xã Sơn Liên xa xôi, nhưng nơi đây lại khó khăn nhất. Trước khi đi, ai đó bàn nên đi đò sang phía Kon Tum vòng lại rồi đi bộ để rút ngắn quãng đường, chứ băng bộ thì hơn một tiếng rưỡi đồng hồ mới đến. Thầy Huỳnh Ngọc Huề, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) bác ngay: “Không được! Tuần trước, các thầy cô về trường chính dự lớp tập huấn thì gặp mưa lớn, kẹt lại không về được. Hai giáo viên nam và nữ điểm trên xa nhất, nôn nóng về, ghe tông nhau trên lòng hồ thủy điện Đắc Pring, may mà không chìm”.

“Em không thể không nuôi chúng, không thể bỏ chúng. Nếu mình bỏ, nó sống ra sao, mù chữ, rồi phải đi rẫy, mà anh coi, mới 6 - 7 tuổi, đi rẫy sao nổi. Cha mẹ từ bỏ chúng nó, chúng nó không đi học thì phải đi làm cho người ta, làm rẫy cực lắm, nhưng không làm, ai cho chúng ăn?” - cô Thiết giải thích.

Trong rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ông có nói rằng, nguồn gốc của tội ác là đói ăn. Cơn đói hành hạ, có thể khiến người lương thiện thành kẻ sát nhân. Có bao nhiêu đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, mù chữ, phải đi ăn xin, trộm cắp, lớn lên một chút là giết người để thỏa mãn khao khát ăn ngon mặc đẹp, chưa nói là lấp chỗ trống cho những cơn địa chấn vô hình do thiếu hơi ấm gia đình từ nhỏ.

Lại nói chuyện điểm học lớp Ông Du, tôi bỏ hẹn ở thành phố Quảng Ngãi, quyết tâm băng lên, bởi bản tin của một đồng nghiệp cứ lảng vảng trong đầu, bởi hình như có gì đó lấn cấn ẩn chìm, đằng sau câu chuyện cô giáo nuôi bốn học trò. Một dốc, hai dốc, ba dốc…, lòng chỉ sợ lũ rừng đột ngột xộc tới. Rồi màu vàng quen thuộc của những điểm trường vùng cao cũng hiện ra.

“Buổi chiều em dạy phụ đạo cho mấy đứa, luyện viết và toán, học chính là buổi sáng”, cô Đinh Thị Thiết ngại ngùng từ đầu đến cuối câu chuyện. Tôi đã gặp không ít giáo viên nữ lảng tránh báo chí, không phải họ e ngại gì, mà là ngại nói về mình, về nghề mình, nếu có bị "ép" thì cũng loanh quanh “tình thương và trách nhiệm” rồi cười và… trốn.

Một ngày bình thường của cô Thiết và bốn đứa học trò là thế này: vì không có điện, cô trò sợ… ma, nên tối xuống xóm ngủ nhờ, sáng lên nấu ăn, học; trưa nấu ăn, chiều học, rồi ăn và đi ngủ nhờ. Nếu ở lại, thì căn phòng tập thể 10m2, thành nơi tá túc của cô trò. Bốn học sinh đen đúa ngồi hai bàn học, chia thành hai lớp 1 và 2. “Ít cũng phải dạy, ghép lại, không thể bỏ”, cô nói như điều hiển nhiên. Cô không thể bỏ, vì… không thể bỏ.

Bi kịch gia đình do người lớn tạo ra, đã đẩy bốn đứa trẻ đến với cô giáo. Nhỏ nhất là Đinh Thị Duyên và Đinh Văn Chui. Chiếc bàn cao, Duyên phải đứng để viết. Bố mẹ đánh nhau như cơm bữa rồi bỏ nhau, Duyên bơ vơ. Chui cũng tương tự. Bố mẹ Chui uống rượu, đốt nhà cháy sạch, không nơi trú ngụ. Đứa lớn lớp 2 đằng kia là Đinh Văn Hình, bố mẹ bỏ nhau từ 2013, hết mẹ say đến bố xỉn, bán cả nhà để uống rượu, bỏ mặc con. Ngồi cạnh Hình là Đinh Văn Phá. Mẹ Phá bị bệnh ngoài da nặng, bố bán nhà uống rượu rồi lên rẫy ở…

Co giao nguoi Ca Dong bo tien tui nuoi tro an hoc

Hái rau rừng, chuyện thường ngày của cô trò

“Trẻ con vùng cao, không đi học thì uống rượu rất sớm”. “Đúng đó anh, già trẻ, trai gái uống hết. Em phải nuôi chúng thôi”. “Lương cô bao nhiêu ?”. “6, 7 triệu/tháng”. “Đủ nuôi năm miệng ăn không?”. “Đủ, nhưng cứ một tuần thì em về quê xin gạo lên, chứ không thì khó, thực phẩm ở đây đắt lắm, thịt heo hơn 100.000đ/kg, cá cũng vậy, mà học trò ăn khỏe lắm. Học sinh miền núi có trợ cấp nhà nước, hình như 600.000đ/em/học kỳ, nhưng tiền thì bố mẹ các em nhận”.

Tốt nghiệp ngành hóa tại ĐHSP Huế năm 2011, ra trường dạy ở trường chính được một năm, rồi cô lên đây và bắt đầu nuôi dạy học trò. “Đến nay là 11 đứa rồi. Em dạy lớp 1 và 2, đứa nào không cha mẹ là em nuôi. Ở đây phụ huynh không lo chuyện học của con, họ cứ đi rẫy và uống rượu, họ uống dữ lắm, rất nhiều người bán nhà uống rượu, dựng chòi ở rẫy sống tạm bợ, con không muốn đi học thì lên rẫy thôi, mà đã vậy thì khổ học trò. Thương tụi nó, nên em nuôi. Nhưng em chỉ nuôi được lớp 1 và 2 thôi, vì lên lớp 3, tụi nhỏ phải học ở điểm trường khác”.

Một kết luận đơn giản mà không dễ dàng ở thời buổi đồng tiền cứ đong đưa thử thách lòng nhân ái. “Em học sư phạm là đi dạy, muốn dạy thì phải có học trò, em phải nuôi dạy để nó có chữ, nếu không thì em dạy ai, học sư phạm để làm chi? Nên nhiều đứa lên rẫy với bố mẹ, em phải tìm về để nuôi”. Đắm đuối, sống chết với nghề. Và tất nhiên, học trò cô, được ăn no, có chỗ ngủ đàng hoàng, sao tụi nhỏ từ bỏ được. “Hè em về quê, tụi nó đi theo, chứ ở lại trên này nó lấy chi ăn. Mẹ em nói, đi dạy được mấy đồng, nuôi học sinh hết, em nói con không nuôi nó thì con… mất dạy”. Cô cười, tôi như thấy có muối và gừng trong mắt.

“Buồn quá”. “Dạ, nhưng quen rồi anh”. “Cô có gia đình chưa, 31 tuổi rồi mà?”. “Em chia tay ba năm rồi. Chồng không muốn lên đây, em không thể bỏ học trò, nói chung không hợp”. Mối tình của cô giáo cắm bản với một công nhân quê ngoài Bắc, kết cục là thế. Tôi biết chi tiết này, khi trở về ngồi với thầy Huề. Giấc mơ tình yêu đã gãy đổ. Những mảnh đời xót xa của nhiều cô giáo cắm bản, nơi những cánh rừng miền trung tôi đã qua, chầm chậm quay về.

Tôi hay được hỏi khi về đồng bằng: Nếu là anh, anh có ở được không, khi không điện, nước, điện thoại, sách báo…? Câu trả lời là: tôi không theo nghề giáo. Chỉ có những khoảnh khắc đối diện, đàm thoại, đối thoại đến vô tận với học trò, mới bật lên từ xa xôi vô hình tiếng nói chân thật, như định mệnh, hoặc cắt bỏ chia lìa, hoặc thiết tha vĩnh cửu. Và hình như, nếu gắn chặt sâu bền, thì phải có thêm một động lực là tình yêu và gia đình.

“Em không biết, buồn lắm, nhưng số em vậy, bây giờ em chỉ có học trò, em phải bám lớp. Anh nhìn kìa, lòng hồ thủy điện, sống nơi thủy điện mà không điện, nước sạch, điện thoại, như thung lũng sầu. Mà may cho anh, hôm nay không mưa, chứ 20/11 năm ngoái sạt lở, tắc đường, em bó gối ngồi nhìn. Phụ huynh học sinh ở đây không biết và không có thói quen chúc mừng cô thầy 20/11”. Cô chớp mắt, như cố níu giọt nước chực lăn xuống.

Co giao nguoi Ca Dong bo tien tui nuoi tro an hoc

Cô Định Thị Thiết vừa dạy, vừa nuôi học trò

Không mưa ở thung lũng sầu. Chiều buông xuống nơi xa vắng này. Nhìn cô giáo và bốn đứa học trò đứng ngồi nhấp nhô nơi con suối cạn nhặt nhạnh rau rừng để chuẩn bị bữa cơm tối, tôi nghĩ đến giấc mơ ngắn ngủi nhưng thân thương, cần thiết đến xót lòng, như bất cứ ai, khi màn đêm về. Một ngọn lửa hồng đêm đông giá. Một tiếng cười, thậm chí tiếng càu nhàu, lầm bầm quen thuộc. Lanh canh chén đũa va nhau. Những cái nhìn lặng lẽ hay tiếng cười đùa. Gia đình. Chốn mở ra và quay về, như vòng chu chuyển bình thường nhưng mê hoặc, níu chân những cơn mơ khi đã mỏi, cả những cơn mơ chưa một lần đập cánh.

Cô và trò ấy, không khác người mẹ và đàn con, những đứa con hẳn không thấu hiểu nỗi lòng mẹ, nhưng tôi tin, tụi trẻ đã và sẽ học được bài học đầu tiên ở đời. Bài học đó, không là những con chữ phải trẹo miệng gồng tay lên nắn nót viết, mà là bài học về nỗi buồn, lòng trắc ẩn, sẻ chia… Mai này lớn lên, hành trang mang theo lũ trẻ là lòng bao dung, tha thứ.

LÊ TRUNG VIỆT 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI