Cô bé lơ xe vươn lên thành giám đốc

13/05/2022 - 16:38

PNO - Chị Nguyễn Thị Đồng thừa nhận chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành giám đốc một công ty...

Vợ chồng chị Đồng cùng làm việc trong nhà xưởng của công ty
Vợ chồng chị Đồng cùng làm việc trong nhà xưởng của công ty

Chúng tôi cùng chị Phạm Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM - đến nhà xưởng của Công ty TNHH MTV Sản xuất, dịch vụ, thương mại Kiếng Tấn Phát trên đường Chiến Lược, khu phố 8, P.Bình Trị Đông A. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Đồng cùng nhân viên đang bận rộn bên các máy mài kiếng. Thấy khách đến, chị Đồng bỏ dở tấm gương soi cỡ lớn xuống bàn, chạy ra cửa đón. “May mắn gặp chị Hoa nên chúng tôi mới đi được đường dài như vầy. Hồi mới về đây, nhà ở cũng là nơi sản xuất, chỉ rộng 68m2. Không có vốn đầu tư nhiều máy móc, càng không có điều kiện thuê người nên vợ chồng phải tự xoay xở mọi việc. Chị Hoa, lúc đó là Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 8, đã đề xuất Hội Phụ nữ phường giới thiệu cho chúng tôi vay vốn làm ăn, bắt đầu là 10 triệu đồng rồi lên 20 và 50 triệu. Giờ thì Tấn Phát đã có 20 nhân viên, trung bình mỗi tháng bán ra hơn 3.000 sản phẩm” - chị Đồng chia sẻ. 

Chị Đồng là con thứ sáu trong gia đình nông dân có bảy người con ở H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. 13 tuổi, cô bé Đồng một mình khăn gói vào TP.HCM sống với người dì ruột. Hồi ấy, gia đình dì kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh. Để giúp dì, những ngày không đến lớp, Đồng theo xe làm phụ xế, đón trả khách, thu tiền. Chị Đồng cười khi kể lại chuyện xưa: “Tôi học tới lớp 10 thì nghỉ. Nhảy xe riết rồi trở thành lơ xe chính hiệu, cho tới khi lấy chồng”. 

Chồng chị - anh Võ Tấn Đạt, 52 tuổi, là thợ mài kiếng. Cưới nhau năm 1996, họ thuê nhà trọ ở Q.1, cũng là nơi anh Đạt gầy dựng xưởng sản xuất các loại gương soi. Còn chị Đồng mở cửa hàng bán bàn ghế ở Q.Tân Bình. Do quá tin tưởng vào một nhân viên nên xưởng sản xuất của anh Đạt bị đổ nợ, phải bán tháo bảy máy mài kiếng để trả nợ. Sau sự cố ấy, chị Đồng cũng dẹp cửa hàng để cùng chồng trở về khu phố 2, P.Bình Trị Đông A gầy dựng lại từ đầu. Họ dựng căn nhà tạm bợ trên mảnh đất mua được trước đó rồi mỗi người ôm một máy mài. “Trước đó, tôi không biết nghề, nhưng vì hoàn cảnh mà phải lao vào vậy thôi” - chị Đồng nói.

: Sau những nỗ lực không ngừng, chị Đồng đã cùng chồng gầy dựng công ty Tấn Phát và việc kinh doanh ngày càng phát triển.
Sau những nỗ lực không ngừng, chị Đồng đã cùng chồng gầy dựng công ty Tấn Phát và việc kinh doanh ngày càng phát triển.

Xót cảnh con gái bụng mang dạ chửa lặc lè mà phải cặm cụi mài kính cả ngày lẫn đêm và chạy xe đi giao hàng bất kể mưa nắng, mẹ chị đã huy động anh em giúp sức. Bán căn nhà cũ, cộng với sự hỗ trợ từ gia đình, vợ chồng chị chuyển qua khu phố 8 mua đất xây nhà và mở xưởng vào năm 2003. 

Chị Đồng thừa nhận chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành giám đốc một công ty có 20 nhân viên, đảm bảo nguồn thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng như hiện tại. Chị, từ chỗ không biết gì nay đã thành thạo việc lên ý tưởng thiết kế mẫu, đến mài gương thành phẩm. Biến cố năm xưa dường như chỉ là thử thách để vợ chồng họ mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Nguồn vốn mà Hội giới thiệu vay đã giúp anh chị đầu tư thêm máy móc để đến năm 2007, Công ty Kiếng Tấn Phát chính thức được thành lập. Ngoài gương soi, công ty còn sản xuất phụ kiện phòng tắm, quà tặng làm từ thủy tinh, pha lê để vừa cung ứng cho thị trường trong nước, vừa xuất sang Nhật, Mỹ, Pháp. Vợ chồng chị Đồng cũng đã mua thêm đất mở rộng không gian nhà ở và xưởng sản xuất lên gần 400m2, có khu tầng thượng cho nhân viên ở lại. 

Đáp lại ân tình của Hội, giờ đây chị Đồng là một trong những nhà hảo tâm luôn đồng hành cùng Hội chăm lo cho phụ nữ và trẻ em nghèo, người già neo đơn. Chị Phạm Thị Hoa cho biết: “Chị Đồng hiện là Tổ phó Tổ Phụ nữ 149, khu phố 8. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm vợ chồng chị ủng hộ năm suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho các em học sinh nghèo hiếu học và hỗ trợ nhiều hoạt động từ thiện của Hội”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI