Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn

30/04/2013 - 08:04

PNO - PN - Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013), Phương Nam Book và Nhà xuất bản Lao Động cho ra mắt cuốn sách Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 của tác giả...

Sách dày 200 trang, chia làm bốn phần. Phần một nói về bối cảnh sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, các cuộc thay người trong những ngày hấp hối… Phần hai kể về chiến dịch trực thăng vận Frequent Wind, các phái đoàn vào trại Davis... Nội dung phần ba phản ánh giờ khắc lịch sử với cờ giải phóng bay trên nóc dinh Độc Lập, tiếng nói cách mạng trên đài phát thanh Sài Gòn... Phần cuối là về những cuộc đoàn tụ gia đình, câu chuyện hòa bình thống nhất đất nước.

Chuyen it biet ve ngay giai phong Sai Gon

Từng là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn những năm 1963-1964, hoạt động trong phong trào đô thị, tác giả Nguyễn Hữu Thái là người trong cuộc chứng kiến ngày giải phóng Sài Gòn gần 40 năm trước. Cuốn sách không dừng ở việc kết nối diễn tiến các sự việc mà ông đã tham gia hoặc chứng kiến, mà còn cung cấp góc nhìn khác qua lời kể của những nhân chứng từ phía bên kia. Những câu chuyện đó được tác giả kiểm chứng bằng nguồn tư liệu tại các thư viện ở Mỹ với nhiều đầu sách, hàng chục ngàn bài báo, website viết về đề tài Sài Gòn sụp đổ, khi ông nhận học bổng nghiên cứu Rockefeller 2004-2005 của Trung tâm William Joiner.

Với nguồn tư liệu phong phú, cuốn sách giúp người đọc nhìn lại toàn cảnh trận chiến cuối cùng với các sự kiện trước, trong và sau ngày lịch sử. Ngoài ra, sách còn có những thuật ngữ, bản đồ được sử dụng vào thời điểm 1975 ở Sài Gòn, cùng nhiều hình ảnh để người đọc dễ hình dung, góp phần đưa ra câu trả lời cho vấn đề vì sao chính quyền Sài Gòn lại sụp đổ nhanh chóng, tại sao chấm dứt một cuộc chiến lớn mà như một cuộc đoàn tụ gia đình…

Tác giả cho biết: “Bản thân tôi không mong muốn và cũng không thể viết nổi một cuốn sách sử hoặc làm một bảng tổng kết về chiến tranh, mà đơn giản chỉ muốn kể lại câu chuyện về 30/4/1975 như một người trong cuộc, người ghi chép các sự kiện lẫn một nhà nghiên cứu”.

 Mai Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI