Chống lừa đảo bằng loa báo số dư tài khoản

03/05/2025 - 07:32

PNO - Việc trang bị loa thông báo biến động số dư trong tài khoản ngân hàng và ví điện tử giúp nhân viên các cửa hàng, sạp chợ lập tức nắm được tình trạng thanh toán của khách hàng mà không cần mở điện thoại kiểm tra, đồng thời phát hiện việc đối tượng xấu dùng biên lai chuyển khoản giả để lừa đảo.

Lừa chiếm đoạt hàng bằng hóa đơn giả

Bán số hàng trị giá 3,9 triệu đồng, anh Phan Thanh M. - chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở quận 10, TPHCM - được khách hàng thanh toán online (chuyển khoản) tại quầy. Đọc dòng thông báo “đã chuyển tiền” trên điện thoại của khách, anh M. đinh ninh khách đã chuyển khoản. Sau khi khách rời đi khá lâu mà không thấy tiền vào tài khoản, kiểm tra lại camera, anh M. mới biết kẻ gian đã dùng phần mềm làm giả biên lai (bill) chuyển tiền ngay trên điện thoại.

Tối ngày 26/4, chị Trần Kim H. (quận 8, TPHCM) cũng gặp tình trạng tương tự. Khi chị bán được chiếc iPhone 11 trị giá 9,9 triệu đồng, khách yêu cầu giao hàng đến khu vực bến xe Miền Tây. Tại điểm hẹn, chị đưa mã QR tài khoản ở MBBank để khách chuyển khoản, nhưng đối tượng này nói mã bị lỗi, hỏi chị có người thân nào đang dùng tài khoản Vietcombank không. Khi chị H. cho số tài khoản Vietcombank của mẹ thì người này chuyển khoản và đưa chị xem hóa đơn đã chuyển tiền thành công.

Việc trang bị loa thông báo nhận tiền giúp chủ các dịch vụ ngăn chặn được nạn lừa đảo khi khách thanh toán chuyển khoản
Việc trang bị loa thông báo nhận tiền giúp chủ các dịch vụ ngăn chặn được nạn lừa đảo khi khách thanh toán chuyển khoản

Gọi điện nhờ mẹ kiểm tra, chưa thấy tiền về nhưng khi đó gần 23g khuya, nghĩ do ngân hàng thông báo giao dịch trễ, chị H. quyết định về nhà. Sáng hôm sau, tài khoản mẹ chị vẫn không nhận được tiền, chị gọi lại thì đã bị khách hàng chặn cuộc gọi. “Đến ngân hàng kiểm tra, tôi mới biết đó chỉ là bill hẹn lệnh chuyển tiền, có giao diện giống hệt như giao dịch chuyển tiền thật, sau đó, người hẹn hủy lệnh này” - chị H. ngậm ngùi.

Trong các nhóm trên mạng xã hội Facebook, nhiều chủ cửa hàng (shop) chia sẻ từng bị lừa với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng thông qua chiêu thức tương tự. Sau khi đưa ảnh chụp màn hình có “xác nhận chuyển khoản” giả, kẻ lừa đảo thường viện lý do “có việc gấp” để thúc ép giao hàng và kết thúc giao dịch, rời đi ngay khiến người bán bị mất hàng.

Đối phó lừa đảo bằng loa thông báo

Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã có cảnh báo về tình trạng lừa đảo bằng biên lai chuyển tiền giả. Theo đó, các đối tượng thường đặt mua hàng với số lượng lớn, sau đó đề nghị thanh toán trực tuyến qua internet banking. Thay vì chuyển tiền thật, chúng sử dụng phần mềm để tạo biên lai thanh toán giả rồi gửi cho người bán. Nếu không kiểm tra kỹ tài khoản ngân hàng mà vội giao hàng thì người bán sẽ bị mất số hàng vừa giao. Đáng chú ý, đang có những đối tượng công khai rao bán ứng dụng (app) tạo biên lai giả.

Cuối tháng 3/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố Nguyễn Quang Chinh (24 tuổi, ngụ huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố giác, Chinh đã dùng thủ đoạn tạo hóa đơn chuyển tiền giả để lừa lấy của chị C. 10 triệu đồng. Chinh khai nhận dùng ứng dụng trên điện thoại để tạo phiếu thanh toán giả mạo, ghi rõ việc chuyển 10 triệu đồng từ một tài khoản khác vào tài khoản của chị C., sau đó yêu cầu chị đưa số tiền mặt tương ứng.

Trước tình trạng lừa đảo qua chuyển khoản ngày càng phổ biến, nhiều ngân hàng và ví điện tử đã ra mắt sản phẩm loa thông báo nhận tiền cho các điểm bán hàng, dịch vụ. Đây là loại loa mini kết nối wifi và phần mềm quản lý. Khi giao dịch thành công, thiết bị sẽ nhận thông tin từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử và phát âm thanh xác nhận. Nếu khách hàng quét mã mà chưa thanh toán thì loa sẽ không phát thông báo. Hiện nay, chi phí lắp đặt loa từ 550.000-650.000 đồng tùy nhà cung cấp.

Một chủ tiệm bánh mì trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM cho hay, trước đây, chị từng bị lừa bằng hình thức dán đè mã QR khác lên mã QR của tiệm, hoặc bằng biên lai chuyển tiền giả. Do tiệm đông khách, không tiện kiểm tra từng giao dịch nên chị phải treo bảng “không nhận chuyển khoản”, vô tình làm mất một số khách hàng. Từ khi có loa thông báo, chị yên tâm nhận thanh toán online.

Đại diện ví MoMo cho biết, loa thông báo không chỉ ngăn chặn lừa đảo mà còn thống kê được lịch sử giao dịch, giúp chủ cửa hàng quản lý dòng tiền hiệu quả mà không cần lưu trữ biên lai thủ công. Hiện có khoảng 20.000 cửa hàng đang sử dụng sản phẩm này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2024, Việt Nam có hơn 17 tỉ giao dịch không dùng tiền mặt với tổng tiền giao dịch 280 triệu tỉ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần đẩy mạnh kinh tế số. Việc ra đời của sản phẩm loa thông báo biến động số dư trong tài khoản góp phần giúp cho việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến hơn.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI