Lên mạng vờ xin tiền để quảng cáo dịch vụ lừa đảo

05/05/2025 - 06:53

PNO - Gần đây, trên mạng xã hội Facebook, có nhiều bài đăng than thở hoàn cảnh ngặt nghèo để xin tiền từ cộng đồng mạng. Bên dưới bài đăng, nhiều người bình luận (comment) sẵn sàng giúp đỡ và cho đường dẫn (link) của dịch vụ đầu tư hoặc tín dụng “đen”.

Đằng sau những lời xin tiền online

Trong “Nhóm những người thiếu nợ ngân hàng” trên Facebook, tài khoản S.S. đăng ảnh một em bé đang ăn mì gói, ảnh mã QR tài khoản nhận tiền và nội dung: “Khốn khổ quá rồi ạ. 4 bố con bữa đói bữa lo. Lương chưa về. Mong mọi người thương tình cho em xin tạm ổ bánh mì cho các con. Từ hôm qua đến giờ, cả nhà em chưa có gì vào bụng”.

Trong nhóm “Cộng đồng Free Fire”, một người dùng ẩn danh kể chuyện bị lừa mất tiền, cuộc sống rất khó khăn, mong được mọi người cho vay tạm 300.000 đồng, cam kết sẽ hoàn trả 350.000 đồng vào ngày nhận lương 5/4. Để tăng thêm độ tin cậy, người này còn cung cấp ảnh căn cước công dân và bằng lái xe. Có người đăng lên nhóm này một câu ngắn gọn: “Ai cho tôi xin vài chục ngàn đồng với ạ, xin cảm ơn”. Những bài đăng xin tiền, mượn tiền kiểu này thường thu hút nhiều bình luận trái chiều, có người chỉ trích, có người cảm thông, có người thông báo đã chuyển khoản hỗ trợ.

Có rất nhiều bài đăng xin giúp đỡ, cho vay trên mạng xã hội, kèm theo bên dưới là các bình luận hướng dẫn vay tiền, đầu tư online… - Ảnh chụp màn hình
Có rất nhiều bài đăng xin giúp đỡ, cho vay trên mạng xã hội, kèm theo bên dưới là các bình luận hướng dẫn vay tiền, đầu tư online… - Ảnh chụp màn hình

Điểm chung của các bài đăng xin tiền là phía dưới thường có các bình luận hướng dẫn người gặp khó khăn vào các ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến để dễ dàng vay được vài triệu đồng, không cần phải đi xin từng đồng lẻ. Tài khoản có tên T.P. gợi ý, nếu cần vài trăm ngàn đồng thì nên vay từ các ứng dụng như CL Loan, Casbup, còn nếu cần vay vài triệu đồng thì vào ứng dụng Viettel Money, Tenex, Sky Credit... Tài khoản này còn hướng dẫn cách trốn nợ vay an toàn.

Một số người khác đăng bình luận hướng dẫn cách kiếm tiền trực tuyến. Tài khoản T.T. hướng dẫn, chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng đầu tư vào sàn giao dịch MMO thì có thể thu về lợi nhuận 200.000-300.000 đồng/ngày. Nhiều tài khoản đăng bình luận quảng cáo hàng loạt ứng dụng kiếm tiền như LowGo, AI Robot… kèm theo những lời hứa hẹn về lợi nhuận hấp dẫn với số vốn đầu tư ban đầu thấp.

Coi chừng sập bẫy

Hiện tượng “ăn xin online” đã nở rộ ở nhiều nước, nay mới lan sang Việt Nam. Năm 2023, Chính phủ Indonesia đã phải kêu gọi người dân không lên mạng xã hội để xin xỏ tiền bạc và quà tặng. Năm 2020, các nghiên cứu ở Mỹ cũng xác nhận sự gia tăng của hành vi xin tiền trực tuyến trên các mạng xã hội như Twitter, TikTok và Instagram.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - cho biết, ở nước ngoài, việc “ăn xin online” là nhằm được cho tiền hoặc quà tặng, nhưng ở Việt Nam, hình thức này đã biến tướng. Cụ thể, các đối tượng xấu cố tình tạo và sử dụng tài khoản ảo để đăng thông tin kêu gọi quyên góp, sau đó dùng tài khoản ảo để bình luận, tương tác và gửi lời mời kết bạn đến những người đã bình luận bài viết, dụ dỗ họ vay tiền qua các ứng dụng cho vay trái phép hoặc đầu tư lừa đảo.

Theo ông, các đối tượng xấu thường chủ động kể về hoàn cảnh gia đình, cá nhân nhằm tạo lòng tin với nạn nhân, sau đó dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tài chính, chứng khoán hoặc tiền ảo do chính chúng tạo ra trên không gian mạng. Nếu nạn nhân tỏ ra do dự, chúng sẵn sàng cung cấp tài khoản (mà chúng nói là của người thân) để nạn nhân trải nghiệm thử. Ban đầu, các giao dịch thử thường mang lại lợi nhuận cao khiến nạn nhân tin tưởng và chủ động mở tài khoản thật để đầu tư với số tiền lớn hơn.

Hằng ngày, các đối tượng xấu liên tục hướng dẫn nạn nhân thực hiện các lệnh giao dịch với tỉ lệ thắng cao. Khi nạn nhân có nhu cầu rút tiền, hệ thống do chúng kiểm soát sẽ cho phép rút một cách dễ dàng. Đồng thời, chúng tiếp tục dụ dỗ, khuyến khích nạn nhân mạnh dạn đầu tư thêm vốn để gia tăng lợi nhuận. Đến khi số tiền nạn nhân nạp vào hệ thống đạt tới một mức nhất định (hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ đồng), chúng sẽ khóa tài khoản với lý do nạn nhân rút tiền không đúng quy định, sau đó yêu cầu nộp một khoản tiền lớn để rút được tiền trong hệ thống và viện nhiều lý do để tiếp tục chiếm đoạt tiền.

Ông Võ Đỗ Thắng nhận định: “Chiêu thức lừa đảo này không mới, nhưng các đối tượng liên tục cải biên để tiếp cận các nạn nhân”.

Với các bình luận dụ dỗ nạn nhân vay tiền qua các app, theo tìm hiểu của chúng tôi, để thu hút người vay, các ứng dụng cho vay sẽ không thu các loại phí, thậm chí miễn lãi suất trong lần vay đầu, nhưng thời gian vay chỉ 10 ngày, số tiền cho vay chỉ vài trăm ngàn đồng. Sau đó, khi nạn nhân tin tưởng, muốn vay số tiền nhiều hơn, các app bắt đầu thu phí và lãi suất cao. Chẳng hạn, nếu khách vay 3 triệu đồng, phí tư vấn là 585.000 đồng, phí dịch vụ là 630.000 đồng, lãi suất 12%/năm là 61.000 đồng, tính ra tổng số tiền khách phải thanh toán là 4.276.000 đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu - nhận định: trong và sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, nhiều người lao động bị ngừng việc, phải cầm cố tài sản, giấy tờ để vay những khoản tiền nhỏ, trang trải cuộc sống trong thời gian chờ lương. Một số người lên mạng xã hội xin tiền. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng lợi dụng hình thức này để quảng bá các ứng dụng tín dụng “đen”, dụ dỗ người dân vay tiền từ các ứng dụng này với mức lãi suất cắt cổ, có khi tới 1.600%/năm.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo: “Nhiều người nghĩ có thể vay rồi xù nợ nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Các ứng dụng này không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước nên sẵn sàng sử dụng các biện pháp đòi nợ kiểu “xã hội đen”, gây phiền toái và căng thẳng cho người vay. Do đó, người lao động không nên dính vào các ứng dụng cho vay này”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI