Chuyện của Dung - Dấu ấn của cải lương miền Tây trên đất Bắc

25/07/2020 - 10:19

PNO - Chuyện của Dung (đoàn Cải lương Long An), một trong 6 vở cải lương tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp về Hình tượng chiến sĩ công an nhân dân lần IV, đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả thủ đô.

Là vở cải lương “mở màn” cho thể loại này ở Liên hoan, cũng là vở dự thi của một trong những đoàn cải lương nổi tiếng của miền Tây, nên đêm diễn Chuyện của Dung, khán phòng Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ không còn một chỗ trống.

Không phụ sự kỳ vọng, Chuyện của Dung đã hoàn toàn chinh phục khán giả thủ đô. Ấn tượng đầu tiên và khác biệt nhất của tác phẩm so với những vở diễn từ đầu Liên hoan đến nay là cách chọn hình tượng nhân vật và xây dựng vở diễn. Chuyện của Dung không có không khí căng thẳng của những vụ phá án ma túy, hình sự hay án tham nhũng như rất nhiều vở ở Liên hoan. Vở diễn nhẹ nhàng nhưng giàu cảm xúc, kể về cuộc sống, công việc và những nỗi niềm của các cán bộ quản giáo trong một trại giam.

Những cán bộ trại giam cũng có nỗi niềm và áp lực riêng
Những cán bộ trại giam cũng có nỗi niềm và áp lực riêng

Chuyện của Dung cuốn hút khán giả ngay từ khi mở màn với niềm vui của bốn cô bạn thân trong ngày tốt nghiệp đại học. Khác với các bạn, Dung chọn học ngành Cảnh sát và bắt đầu một chặng đường mới bằng công việc ở trại giam.

Khác xa so với những gì từng hình dung trước đó, ngay khi nhận nhiệm vụ, Dung đã “choáng” với số lượng công việc phải giải quyết trong ngày. Thức dậy từ 4 giờ sáng và liên tục làm việc từ 14 -15 tiếng mỗi ngày, có lúc, tưởng chừng Dung gục ngã trước áp lực công việc, áp lực từ người thân và nghĩ đến việc viết đơn xin ra khỏi ngành.

Dường như cuộc sống của Dung không bao giờ có được một ngày yên bình, bởi nhiều phạm nhân có lúc như những người điên loạn. Đó là Lê, bà mẹ trẻ phải chịu án vì tội giết hai con trong một phút thiếu suy nghĩ; là Nga tham gia băng cướp giật và vô tình khiến nạn nhân tử vong; hay cuộc đời đầy nước mắt và hận thù của Quỳnh, cô gái trẻ sa vào tủi nhục bởi chính người mẹ ruột… Nhưng khi dần hiểu được cuộc đời đầy bi kịch của những nữ phạm nhân ấy, Dung chợt nhận ra rằng mình phải có trách nhiệm hơn với cuộc sống và phải biết tiếp thêm niềm tin cho những người tưởng chừng không còn tin vào những điều tốt đẹp ấy.   

Thu Mỹ , gương mặt 9X với nhiều nỗ lực vượt bậc khi hóa thân thành Dung
Thu Mỹ , gương mặt 9X với nhiều nỗ lực vượt bậc khi hóa thân thành Dung

Kịch bản Chuyện của Dung được NSND Triệu Trung Kiên viết vào năm 2016, tác giả Phạm Văn Đằng chuyển thể. “Đây là tác phẩm tôi viết từ hình mẫu nhân vật có thật cũng có tên Dung. Chứng kiến công việc và cuộc sống của những người quản giáo tôi thật sự khâm phục họ. Tình huống xảy ra với các nữ phạm nhân trong vở là hoàn toàn có thật. Còn rất rất nhiều những hoàn cảnh xúc động khác mà trong giới hạn một vở diễn không thể chuyển tải hết”, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Một ấn tượng đặc biệt khác, tất cả những vai diễn quan trọng của vở đều do các diễn viên trẻ đảm nhận. Các gương mặt còn rất trẻ của Đoàn cải lương Long An như Thu Mỹ, Võ Ngọc Quyền, Diệu Hiền, Trần Minh, Võ Hoàng Dư, Trọng Tánh… có dịp cọ xát, thử sức với các nhân vật gai góc, tâm lý phức tạp và “thi thố’’ tài năng với đồng nghiệp cả nước ở một cuộc Liên hoan lớn.

Những vai diễn quan trong ở 'Chuyện của Dung đều do lớp diễn viên trẻ đảm nhận
Những vai diễn quan trọng ở ''Chuyện của Dung" đều do lớp diễn viên trẻ đảm nhận

NSƯT Hồ Ngọc Trinh đảm nhận vai trò đạo diễn với sự cố vấn nghệ thuật của NSND Triệu Trung Kiên. Cô đào sáng giá của đoàn cải lương Long An chấp nhận lùi về sau để đàn em tỏa sáng. Đây là cách làm thể hiện nỗ lực và quyết tâm gầy dựng một đội ngũ nghệ sĩ trẻ cho đoàn, điều rất đáng được ghi nhận và trân trọng của một đơn vị nghệ thuật địa phương.

Với lợi thế nhiều năm làm diễn viên, NSƯT Hồ Ngọc Trinh khá tinh tế trong xây dựng tính cách nhân vật và chọn điểm nhấn trong diễn xuất, thể hiện nội tâm nhân vật, giúp từng diễn viên có nhiều cơ hội tỏa sáng với vai diễn của mình.

Lần đầu tiên đảm nhận vai chính, Thu Mỹ khiến không ít khán giả từng biết về cô ngạc nhiên bởi sự tiến bộ vượt bậc trong cả lối diễn xuất lẫn giọng ca. Bất ngờ hơn khi cô đào 9X “dám” khoe giọng với lớp Hồi thủ - bài Tứ đại oán ở cảnh diễn Dung buộc phải chia tay với người yêu, bởi anh chỉ cần một người vợ biết chăm sóc gia đình, chứ không cần một cán bộ tận tụy với công việc.

Đây là lớp rất khó của bài ca mà ngay cả các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm cũng không nhiều người mạnh dạn chọn khi thể hiện nhân vật. Chưa thật sự xuất sắc, nhưng Thu Mỹ chinh phục khán giả bằng giọng ca mộc mạc, đầy cảm xúc, để khán giả cảm thông hơn, yêu thương hơn nhân vật Dung và cũng hiểu hơn nỗi niềm của những người quản giáo.

Cảnh trí đơn giản nhưng được xử lý khá tốt để trở thành những không gian, bối cảnh khác nhau
Cảnh trí đơn giản nhưng được xử lý khá tốt để trở thành những không gian, bối cảnh khác nhau

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến phần thiết kế sân khấu. Chọn phong cách ước lệ, cảnh trí đơn giản với những song sắt, nhưng đạo diễn xử lý tinh tế để khi là phòng giam, lúc là phòng cán bộ quản giáo hay là một xóm nghèo... 

Thành công của Chuyện của Dung đủ để khán giả đặt nhiều kỳ vọng về hành trình xa hơn, dài hơn của một đoàn cải lương địa phương. Trong khó khăn chung của sân khấu cải lương, họ vẫn đầy nhiệt huyết, đầy nội lực và quyết liệt “vượt lên chính mình”.

Trần Anh Khoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI