Chương trình chất lượng cao gây bất công với sĩ tử nghèo

09/08/2017 - 10:30

PNO - Ra đời từ hơn 10 năm về trước trong các trường đại học (ĐH) công lập, đến nay chương trình đào tạo ĐH chất lượng cao (CLC) đang “nở rộ” chưa từng thấy.

Có trường dành đến 60% chỉ tiêu để tuyển sinh viên (SV) vào học chương trình này với nhiều “đặc quyền”, khiến những thí sinh nghèo thi và học chương trình đào tạo đại trà đang chịu nhiều bất công.

Chuong trinh chat luong cao gay bat cong voi si tu ngheo
Sinh viên lớp CLC Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Làm khó đại trà - chào mời CLC

Nhờ học phí SV phải đóng rất cao, trường có nguồn thu cao, nên nhiều trường ĐH công lập đang dành rất nhiều chỉ tiêu để tuyển chương trình đào tạo CLC. Theo đề án tuyển sinh, chỉ tiêu đào tạo CLC của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2017 là 2.099 chỉ tiêu (chiếm đến 53%) cho các ngành đào tạo bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng tuyển 1.240 chỉ tiêu CLC trong tổng số 6.915 chỉ tiêu. Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) cũng dành 480 (trong tổng số 1.500 chỉ tiêu) để tuyển CLC. Xét về số ngành, trường này có đến 16 ngành đào tạo CLC cả tiếng Anh và tiếng Việt, trong khi chỉ có 15 ngành đào tạo đại trà. 

Ngoài ra, nhiều trường ĐH công lập khác cũng đang mở rộng chương trình đào tạo CLC như: ĐH Bách khoa với 14 ngành, ĐH Nông lâm TP.HCM - 4 ngành, ĐH Mở TP.HCM - 5 ngành… 

Đáng nói, trong thông tư quy định về chương trình CLC của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu CLC sẽ nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo của trường. Bởi thế, một khi hệ CLC “nở nồi” thì số lượng SV hệ đại trà ngày càng “teo” lại. Đó cũng là lý do khiến điểm chuẩn các ngành đại trà luôn bị đẩy lên cao hơn so với hệ CLC dù cùng một ngành.

Cụ thể, tại trường ĐH Mở TP.HCM, thí sinh muốn đậu vào chương trình đại trà ngành Kế toán phải đạt 21.75 điểm, nhưng vào học chương trình CLC của ngành này chỉ cần 15.5 điểm, thấp hơn đến 6.25 điểm. Tương tự, ở ngành Tài chính-Ngân hàng điểm vào chương trình đại trà cũng cao hơn 5.5 điểm so với chương trình CLC; mức chênh lệch giữa hai chương trình đại trà và CLC ở ngành Luật kinh tế là 3.75 điểm…

Trong 5 ngành CLC của ĐH Nông lâm TP.HCM thì ba ngành có điểm chuẩn thấp hơn chương trình đại trà từ 3-3.5 điểm. Nếu muốn vào học ngành Kỹ thuật máy tính thông thường của ĐH Bách khoa phải cần đến 28 điểm, nhưng nếu học chương trình CLC thì chỉ cần 24.5 điểm.

Cùng một ngành, mà điểm chuẩn chênh nhau từ 3 - 6.25 điểm thì chẳng khác nào các trường ĐH đã làm khó những thí sinh nghèo thi vào chương trình đào tạo đại trà và chào mời những thí sinh giàu có vào chương trình CLC!

Học phí cao, sinh viên nghèo bị bít cửa

Nếu trước đây, các hệ đào tạo tại chức và đào tạo văn bằng 2 là “nồi cơm” của nhiều trường công lập thì nay chương trình CLC chính là “nồi thịt”, bởi học phí của chương trình này cao gấp nhiều lần chương trình đại trà.

Ví dụ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thu học phí chương trình đại trà là 206.000đ/tín chỉ đối với ngành khoa học xã hội và kinh tế, 242.000đ/tín chỉ đối với ngành kỹ thuật, công nghệ, tức khoảng trên dưới 15 triệu đồng/SV cho năm học 2017 - 2018; nhưng ở chương trình CLC học phí vọt lên 26 triệu đồng/năm (học bằng tiếng Việt) và 30 triệu đồng/năm (học bằng tiếng Anh). 

Cũng thế, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có mức học phí chương trình đại trà khoảng 16 triệu đồng/SV và chương trình CLC (dạy bằng tiếng Việt) khoản 28 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Kinh tế - luật, mức học phí chương trình bình thường là 740.000đ/tháng và chương trình CLC thì dao động từ 22 - 30 triệu đồng/năm. Riêng với chương trình CLC học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì học phí xấp xỉ 40 triệu đồng/năm.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu không khống chế chỉ tiêu CLC thì hệ lụy của nó sẽ khó kiểm soát. Thực tế là các trường đang chạy theo nguồn thu bằng cách tăng chỉ tiêu CLC và có xu hướng nâng điểm chuẩn chương trình đại trà lên cao để đẩy thí sinh phải chạy vào chương trình CLC, thu được nhiều học phí.

Điều này đồng nghĩa với việc những người học không có điều kiện về tài chính buộc phải có điểm rất cao mới được vào ĐH. Ngược lại, lỡ thi thấp điểm, nếu có tiền vẫn có thể vào ĐH, thậm chí còn được nhà trường đầu tư, chăm chút hơn. Nghịch lý này dẫn đến sự bất công với người học, nhất là học trò nghèo.

Chính PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khi tư vấn cho thí sinh cũng khẳng định: chương trình CLC dễ đậu hơn, điểm chuẩn thường thấp hơn 1 - 3 điểm vì không nhiều gia đình kham được học phí. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI