Chúng ta đang lấy việc thi để ép học sinh phải học!

09/08/2018 - 16:09

PNO - Nếu nghĩ “có thi thì học sinh mới chịu học” thì chúng ta đang lấy việc thi để ép học sinh phải học, và xác định “học là để thi” chứ không phải “học để biết, để làm, để chung sống và để khẳng định mình”.

Có lẽ chưa bao giờ câu chuyện “bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia” lại ồn ào như hiện nay. Những ý kiến ủng hộ bỏ kỳ thi cho rằng kỳ thi không mang lại kết quả mong đợi.

Phía những ý kiến đối lập lại lo: bỏ thi thì việc dạy và học sẽ như thế nào? Những người còn luyến tiếc kỳ thi lo ngại, nếu bỏ thi việc dạy và học sẽ không còn nghiêm túc, không giữ được chất lượng!

Chung ta dang lay viec thi de ep hoc sinh phai hoc!
Kỳ thi THPT quốc gia. Hình minh họa.

Trước hết, chúng ta phải trả lời cho được câu hỏi: việc dạy, học và thi như hiện nay có thực sự có chất lượng? Chất lượng giáo dục phải được xét ở khía cạnh nào? Chất lượng là học sinh thi đạt điểm cao; hay chất lượng là sự thay đổi nhận thức nơi học sinh để trở thành con người văn minh, trung thực, biết vận dụng những kiến thức đã học, có kỹ năng để hoà nhập tốt với đời sống… sau quá trình được giáo dục? 

Chỉ cần nhìn vào thực tế, thì ai cũng hiểu là việc giáo dục lâu nay không được nghiêm túc, cũng không có chất lượng như mong muốn. Học sinh, ngoài một tỉ lệ không nhiều những em giỏi thật (theo nghĩa nắm bắt tốt bài học lý thuyết, giải được những bài tập khó, thi đạt điểm cao) còn lại rất nhiều em rất lơ mơ về kiến thức đã học, nhận thức và nhân cách có vấn đề, thiếu kỹ năng để hội nhận vào đời sống…

Nếu nghĩ, “có thi thì học sinh mới chịu học” thì hoá ra chúng ta đang lấy việc thi để ép học sinh phải học, và học là để thi chứ không phải “học để biết, để làm, để chung sống và để khẳng định mình” như Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (Unesco) đề xướng!

Chung ta dang lay viec thi de ep hoc sinh phai hoc!

Chúng ta đang dùng thi cử để buộc học sinh phải học.

Trong giáo dục, phương thức dạy học nói trên là hết sức sai lầm và từ lâu giáo dục Việt Nam đang mắc sai lầm đó. Những kiến thức mà học sinh phải học để thi sẽ trôi tuột sau kỳ thi. Thi như vậy, ngoài việc để qua kỳ thi và có tấm bằng thì không còn một ích lợi nào khác.

Vậy thì tại sao chúng ta không thay đổi cách nghĩ, rằng phải làm gì đó để học sinh ham học, tự giác học, xem việc việc học như là nhu cầu tự thân, mà không cần phải ép học! Đây cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo dục.

Khi chưa hoặc không làm được điều đó thì ngành giáo dục chưa hoàn hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng nếu làm được điều này, việc học sẽ không còn nặng nề mà trở nên vui vẻ, thì kỳ thi không phải là “hai trong một” mà sẽ là “n trong một”.

Chung ta dang lay viec thi de ep hoc sinh phai hoc!

Học sinh đang rất cần được rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Chẳng hạn, nếu việc dạy và học các môn như lịch sử, địa lý, ngữ văn, học nghề và đặc biệt là môn tiếng Anh có hiệu quả thực chất, học sinh biết ứng dụng kiến thức vào đời sống, thì sau 12 năm học phổ thông nhiều em đã thừa tự tin để bước vào đời mà không cần phải học tiếp lên các trường chuyên nghiệp.

Tại sao trên đất nước ta từng có một thời làm được việc này, còn bây giờ thì không? Câu trả lời nằm ở chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó có liên quan đến chất lượng nội dung chương trình, chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, phương pháp dạy học và quản lý, mục tiêu và triết lý giáo dục…

Nếu giải quyết được những vấn đề của giáo dục phổ thông thì việc đặt câu hỏi “giữ hay bỏ kỳ thi” sẽ không còn là chuyện đáng bàn nữa.

Phương Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI