Chưa ai đề cao nhân dân như Bác

17/09/2014 - 07:29

PNO - PN - Nhìn lại 45 năm cả nước thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nói: “Chúng ta luôn tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu không có tư duy đổi mới của Bác,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chua ai de cao nhan dan nhu Bac

Bác Hồ đến thăm công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội)

PV: “Nhân dân” đã được Bác nhắc tới đầy trang trọng trong di chúc, điều này thể hiện tính nhân văn và phẩm chất lãnh tụ của Người?

Chua ai de cao nhan dan nhu Bac- Ông Vũ Oanh (ảnh): Bác nói “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Chữ đầy tớ rất quan trọng. Bác đặt dân trên hết, dân là gốc. Có dân là có tất cả. Đó là tính nhân văn cao cả. Không phải ai cũng nói được như vậy. Nhưng sau này, nhiều cán bộ chỉ chú trọng tới lãnh đạo mà lơ là việc làm đầy tớ, không nhớ lời Bác dạy phải làm đầy đủ, đồng bộ cả hai vế. Vế sau trong câu của Bác chưa được thực hiện nghiêm túc.

Câu nói trên của Bác thể hiện sự chí tình và chí nghĩa đối với nhân dân, là lời căn dặn toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên không những phải tuyệt đối yêu nước, thương dân, tận tụy phục vụ nhân dân, mà còn phải có lòng tự trọng rất cao trước nhân dân và đất nước. Người có lòng tự trọng luôn chú ý giữ gìn phẩm giá, nhân cách trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người cán bộ đảng viên có lòng tự trọng, trước hết phải “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” như lời Bác căn dặn. Cần, kiệm, liêm, chính “thật sự”; không phải là hình thức, nói suông.

* Trong di chúc, Bác đã dặn “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, chúng ta đã làm tốt điều này?

- Đất nước được như hiện nay là đáng tự hào, nhưng chúng ta không được phép chủ quan. Bác đã dạy xây dựng đất nước là cuộc chiến đấu khổng lồ. Chúng ta đã chống Pháp, chống Mỹ thành công, đã giành độc lập, thống nhất... Đó đều là những kỳ tích vĩ đại. Nhưng, Bác cũng nhắc nhở chúng ta phải lo cho dân, để mọi người có cơm no, áo ấm là vấn đề rất lớn, là cuộc chiến đấu dài lâu.

Tình hình kinh tế - xã hội đất nước hiện nay còn nhiều khó khăn. Đời sống người dân ở nhiều khu vực còn rất khổ. Không chỉ vùng sâu, vùng xa mà ngay ở khu vực vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng còn những gia đình làm không đủ ăn.

Do đó, phải ghi nhớ lời Bác rằng, có tự do rồi thì phải xây dựng đất nước như thế nào để đem lại hạnh phúc cho nhân dân, để phát triển kinh tế, văn hóa... và càng phải đại đoàn kết để từ đó thực hiện được sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó cho Đảng. Nếu chúng ta chủ quan, coi việc xây dựng đất nước là dễ dàng, lơ là ý chí phấn đấu thì sẽ không thể thực hiện được. Tiếc là nhận thức về những điều này còn chưa đến nơi đến chốn.

* Bác từng dạy “Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo ông, lời dạy này được thực hiện ra sao?

- Ta ít đề cập tới câu này. Không có nhiều lãnh đạo tự giác thực hiện yêu cầu “là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Trong khi đó, có một bộ phận cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thường xuyên, dần dần có những biểu hiện tiêu cực như làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc, đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, thậm chí mua quan bán chức...

Lực lượng, quyền hành đều ở nhân dân hết. Đảng như người lái thuyền, nhân dân chính là người chèo thuyền. Người chèo không khỏe thì sao thuyền ra biển khơi được? Nhưng, không có người lái thì thuyền không đi đúng hướng được. Ai phải vào đúng vị trí của người đó. Dân cần Đảng ở vị trí người lái thuyền, nhưng Đảng cũng rất cần dân chèo thuyền. Không có lực lượng của nhân dân thì con thuyền đất nước chẳng đi đâu được. Sự nghiệp xây dựng đất nước là muôn đời chứ đâu phải 5 năm, 10 năm theo tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo.

* Vậy làm thế nào để cán bộ, đảng viên thấm nhuần được lời dạy ấy?

- Ta phải tuyên truyền nhiều hơn để cán bộ, đảng viên thấm hơn nữa lời dạy của Bác. Đảng cầm quyền nhưng phải theo nghĩa là phục vụ cho nhân dân. Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được làm hết sức quyết liệt, không chỉ làm đi đôi với nói mà còn phải gấp nhiều lần lời nói. Phải làm sao để người ta không còn nghe thấy đặc quyền, đặc lợi, không còn thấy tham nhũng nữa thì mới đạt mục tiêu.

* Bác Hồ lưu ý “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, chúng ta đã nghiêm chỉnh chưa?

- Thực sự chúng ta chưa thực hiện tốt lời căn dặn của Bác. Chúng ta luôn đề cao sự lãnh đạo của Đảng, sợ người ta coi nhẹ Đảng, chưa có ai đề cao nhân dân như Bác. Việc đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân còn hạn chế, nó vẫn phát triển ngay trong mỗi con người, trong nội bộ các cơ quan, đơn vị. Nhiều vị lãnh đạo còn có biểu hiện đề cao quyền lực của mình thay vì “lấy dân làm gốc”.

* Phải chăng tự phê bình, phê bình chỉ còn là hình thức, thưa ông?

- Tự phê bình và phê bình đúng như lời Bác rất khó. Cán bộ có chức quyền mà tự kiêu, tự đại là hỏng rồi. Không được phép như thế mà phải thấm nhuần lời dạy “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chúng ta cũng biết thực trạng đó và có chấn chỉnh nhưng thực tế chưa đạt yêu cầu.

Tôi đã từng đề nghị phải tổ chức một cuộc vận động dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, chống giáo điều, phát huy sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, phát huy trí tuệ của toàn dân. Bài học lịch sử cho thấy, nhiều đảng cầm quyền đã bị tan rã là do giáo điều, đặc quyền, đặc lợi, mất dân chủ nghiêm trọng. Còn với vấn đề phê bình và tự phê bình, cứ làm như Bác từng dạy: “Hãy coi phê và tự phê như việc rửa mặt hàng ngày. Ngày nào cũng soi gương, rửa mặt chăm chỉ, ngày nào cũng tự răn mình, tự gột rửa mình”. Nếu cán bộ nào cũng làm được như Bác, “suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” thì tuyệt vời.

* Sang năm 2015, chúng ta sẽ tổ chức đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đối chiếu với lời Bác dạy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cần những phẩm chất gì?

- Chúng tôi luôn mong muốn các thế hệ lãnh đạo sau này tài năng hơn những lớp người đi trước. Em hơn anh, con hơn cha là nhà có phúc! Chúng ta cần xác định sự nghiệp xây dựng đất nước sẽ còn nhiều cam go, gian khổ. Thử thách phía trước rất lớn. Nếu muốn phục vụ nhân dân tốt, người lãnh đạo phải biết sống vì dân, chịu khó học tập dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, khai thác trí tuệ vô tận của dân... Bác đã dạy rồi, phải biết xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, động viên, giáo dục toàn dân, dựa vào trí tuệ toàn dân để giành thắng lợi.

* Xin cảm ơn ông!

 Phương Mai (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI