Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: "Tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp"

19/03/2021 - 15:50

PNO - Thời gian qua, cũng chính vì vướng mắc các thủ tục hành chính, một số nhà đầu tư Việt Nam đã rời khỏi TPHCM để chuyển sang đầu tư tại các tỉnh thành khác.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM năm 2021 diễn ra vào sáng 19/3, đã có 12 ý kiến ý góp ý về Dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm thực hiện chủ đề năm 2021 của UBND TPHCM.

Dự thảo có 10 nhóm giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn TPHCM, giải pháp tiếp cận nguồn lực đất đai, chuyển đổi số khoa học công nghệ, đầu tư công, quy hoạch và xây dựng, đào tạo nguồn lao động, tiếp cận nguồn lực tài chính, thiết chế pháp lý an ninh trật tự, khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Không ít các doanh nghiệp khi đầu tư vào TPHCM còn gặp vướng ở thục tục đát đai và hành chính
Không ít doanh nghiệp khi đầu tư vào TPHCM còn gặp vướng ở thủ tục đất đai và hành chính xin giấy phép đầu tư

Đa số ý kiến của đại biểu đều xoay quanh nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính và tiếp cận nguồn lực đất đai vì "điểm nghẽn" chính hiện nay đều nằm ở các thủ tục về cơ chế đất đai và thủ tục hành chính xin giấy phép đầu tư.

“Muốn thu hút nhà đầu tư phải có đất đai nhưng quỹ đất để triển khai đầu tư các dự án vẫn chưa được nhà nước giao. Mọi thủ tục về đất đai và môi trường gần như kéo dài và ách tắc. Hiện các nhà đầu tư phải đi lòng vòng làm các thủ tục đầu tư và các loại giấy phép khác”, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TPHCM - nói.

Đại diện Hiệp hội thương mại châu Âu (EUROCHAM) cho rằng, TPHCM đã thành công khi thu hút được các nhà đầu tư lớn, có nhiều quốc gia lớn đang tìm đến. Nhưng vấn đề khó khăn ở đây là xin giấy phép đầu tư, thiếu hướng dẫn chi tiết diễn giải luật. Chính vì vậy có những thủ tục kéo dài hơn 6 tháng vẫn chưa xong.

Ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho biết, các thủ tục liên quan đến khu công nghiệp còn chậm, có doanh nghiệp từ lúc xin thủ tục đến khởi công mất 2 năm, chính vì vậy đã có làn sóng các doanh nghiệp chạy sang các tỉnh thành khác.

“Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh khác tham gia tại TPHCM cho cảm nhận rằng thủ tục hành chính tại các tỉnh thành khác nhanh hơn so với TPHCM”, ông Đỗ Phước Tống - Hội cơ khí điện TPHCM (HAMEE) - cho hay.

Còn theo Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM), Hiệp hội doanh nghiệp Hồng Kông (HKBAV), cũng vì vướng thủ tục mà nhiều dự án lớn của TPHCM đang thực hiện khá chậm. Tới đây, cần triển khai nhanh các dự án metro, các dự án năng lượng, cấp thoát nước, hệ thống quản lý cảng và cả logistics, vì nếu không thực hiện nhanh sẽ khó thu hút các nhà đầu tư.

Một số ý kiến khác thì đề nghị thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành, hướng đến công nghệ cao để giảm bớt lao động.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, ông nhận được không ít đơn kêu cứu của doanh nghiệp gặp những điểm vướng, điểm nghẽn khi làm các thủ tục đầu tư.

Ông thừa nhận rằng, trong quá trình giải quyết các thủ tục hồ sơ của các doanh nghiệp đầu tư, vẫn có tình trạng không tích cực, làm kéo dài thời gian làm hồ sơ. Song cũng có không ít trường hợp là vướng quy định của pháp luật và vượt quá thẩm quyền của TPHCM, nếu tiếp tục đi tới, cả chính quyền TPHCM và doanh nghiệp đều bị tổn thất. Điều này dẫn đến thực trạng có một số doanh nghiệp đầu tư Việt Nam đã rời khỏi TPHCM để đầu tư vào các tỉnh thành khác.

Chính vì vậy, TPHCM đã thành lập Tổ công tác đầu tư để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn thành phố, đây còn là quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Thời gian qua, Tổ công tác đầu tư đã đạt được một số hiệu quả như giúp khơi thông các nguồn vốn đang bị “tắc nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố. Đến nay, đã kết luận đối với 110 dự án, trong đó có 35 dự án đã cơ bản thực hiện xong các nội dung kết luận, các khó khăn đã được tháo gỡ và đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo với tổng mức đầu tư của các dự án hơn 320 ngàn tỷ đồng.

Tổ công tác đầu tư đã từng bước giải quyết những vấn đề tồn tại đối với một số dự án trọng điểm kéo dài từ nhiều năm qua, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư… góp phần quan trọng trong việc giảm khiếu nại, khiếu kiện trên địa bàn thành phố.

Đã xem xét, kết luận, tháo gỡ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác quy hoạch; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước; các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố tăng dần, từ hạng 18 năm 2015 đã tăng lên hạng 10 năm 2017 và hạng 7 năm 2019, đã có sự đóng góp không nhỏ của Tổ công tác đầu tư.

Tổ công tác đầu tư đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án. Thông qua cơ chế họp hằng tuần, hằng tháng của Tổ công tác đầu tư với sự tham dự của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND thành phố, giám đốc các sở, ngành liên quan, những vấn đề vướng mắc của các dự án đã được tháo gỡ kịp thời, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Tổ công tác đầu tư cũng đã thảo luận, đánh giá tính hiệu quả, tính khả thi của các nội dung đề xuất, ý tưởng đầu tư của doanh nghiệp để có những hỗ trợ kịp thời cho việc triển khai hoặc hướng dẫn quy trình, cho phép doanh nghiệp, nhà đầu tư được nghiên cứu, lập thủ tục triển khai ý tưởng đầu tư.  

“Tôi xin ghi nhận tất cả các ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp và các sở ngành, tôi cơ bản thống nhất với 10 nhóm giải pháp do Thường trực Tổ công tác đầu tư đề xuất nhằm cải thiện môi trường đầu tư của thành phố trong năm 2021. Đây là các giải pháp hết sức thiết thực, nếu chúng ta thực hiện tốt thì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đầu tư sẽ được nâng thêm một bước, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế thành phố trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tôi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, tham mưu đề xuất UBND thành phố ban hành trước ngày 31/3/2021”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Quốc Ngọc - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI