Chợ truyền thống thời “tem phiếu” đìu hiu

17/08/2020 - 06:16

PNO - Ngày 12/8, UBND TP. Đà Nẵng bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở các chợ truyền thống bằng phiếu đi chợ. Cách phân ngày và địa điểm đi chợ vẫn chưa nhất quán trên toàn thành phố.

Phổ biến nhất là loại phiếu theo ngày chẵn - lẻ, có thể sử dụng ở bất kỳ chợ truyền thống nào. Phiếu ngày chẵn màu hồng, ngày lẻ màu xanh, trên phiếu có chỗ trống để điền các thông tin cá nhân: tên, số điện thoại và địa chỉ cư trú. Theo một nhân viên bảo vệ ở chợ Cồn (Q.Hải Châu), phiếu này sẽ được thu lại vào cuối ngày để thống kê dịch tễ nếu cần.

Chợ Cồn - Vựa trái cây cũng nghỉ dịch
Chợ Cồn - Vựa trái cây cũng nghỉ dịch

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại cổng chợ Cồn phía đường Ông Ích Khiêm chiều 16/8, người dân tự ghi thông tin phiếu và bỏ vào thùng, nhân viên bảo vệ đứng cách đó 1m không kiểm tra xem thông tin được ghi đầy đủ hay chưa. Trong thùng, lẫn lộn một số phiếu màu xanh, là màu của ngày lẻ. Ngoài ra, việc đo thân nhiệt theo quy định cũng bị “bỏ quên”.

Theo phản ánh của người dân ở P. Thanh Bình, cách chợ Cồn khoảng 300m, từ ngày 14/8, chợ có hiện tượng thiếu hàng nghiêm trọng, nhất là rau củ quả. Các điểm bán rau củ xung quanh chợ cũng đều rất ít hàng hoặc nghỉ bán. Thực ra, lý do hàng ít là do tiểu thương hạn chế nhập hàng. Chị bán rau bên trong chợ Cồn nói: “Đồ thì nhiều lắm, không thiếu đâu, nhưng ai biết người ta đi đông ngày nào, nên không dám lấy nhiều”. Quả thật, chợ khá vắng, người mua chỉ bằng một nửa số người bán.

Chủng loại hàng hóa được phép bán ở chợ cũng giảm, ngoại trừ hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa theo yêu cầu giãn cách. Thậm chí, một số cửa hàng bán trái cây - mặt hàng được phép bán vào thời điểm này - cũng tự nghỉ. “Sợ dịch nên nghỉ đó em” - một chủ vựa trái cây trong chợ Cồn nói. Khu vực này ngày thường có hơn 10 vựa trái cây lớn, bây giờ chỉ còn hai người tiếp tục duy trì. 

Hàng hoa và đồ cúng cạnh đó đã bị cấm bán do “dễ tập trung đông người”. Hiện tại, chỉ còn một chị ngồi bán bánh ngọt, nhưng nghe ai hỏi về hoa cúng, áo giấy thì sẽ mở thùng hàng “niêm phong” để bán. “Bán trộm rứa thôi em. Bày hàng ra thì người ta cấm, mà không lẽ nghỉ” - chị cười. Khi sự đa dạng hàng hóa bị hạn chế, chợ truyền thống mất hẳn tính cạnh tranh so với hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. 

Từ trước đến nay, người dân Đà Nẵng quen với việc đi chợ do sự tiện lợi của nó. Chợ có rất nhiều loại hàng hóa mà siêu thị không có, từ các loại thực phẩm tươi mới hằng ngày như cá biển đến các hàng hóa đặc thù như hoa, áo giấy, hương đèn. Ưu thế của chợ còn ở chỗ có thể mua rất ít hàng mỗi loại, tiện cho các đối tượng chỉ muốn mua nhỏ lẻ. 

Việc yêu cầu ba ngày đi chợ một lần và hiện trạng cấm bán phần lớn các mặt hàng trong chợ làm giảm hẳn số người ghé chợ. Hiện nay, bất cứ mặt hàng nào mà chợ truyền thống còn được phép bán, thì siêu thị đều có.

Bất cập nằm ở chỗ, trong khi tất cả các chợ truyền thống đều bị giãn cách về thời gian dẫn đến giảm hẳn số lượt khách, thì siêu thị và cửa hàng tiện lợi lại không. 

Theo yêu cầu hạn chế ra ngoài, mọi người đều cố gắng mua nhiều đồ nhất có thể trong một lần ra ngoài, nên siêu thị, cửa hàng tiện lợi trở thành điểm đến lý tưởng. Lúc này, hàng hóa đầy đủ và không cần “phiếu đi chợ” vẫn có thể ghé mua bất kỳ lúc nào khiến nhiều người quyết định thay đổi nơi mua sắm. 

Thường Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI